Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Tinh gọn bộ máy là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh không thể chậm trễ hơn nữa trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức. Do vậy, chắc chắn việc triển khai tại nhiều đơn vị sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có cả những lực cản. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải “uống thuốc đắng”.
Tổng Bí thư đề nghị các cấp, ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. “Yêu cầu chung là bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội” - Tổng Bí thư lưu ý và nhấn mạnh việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, không để cơ quan nhà nước là “vùng trú ẩn an toàn” cho cán bộ yếu kém.
“Thời gian không chờ đợi chúng ta. Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với nhân dân” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Với tinh thần đã nói là làm, làm từ cao xuống thấp, từ trên xuống dưới, Bộ Chính trị đã có chủ trương sắp xếp, sáp nhập một số ban Đảng; sáp nhập, giảm 5 bộ và 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ; nghiên cứu sắp xếp bộ máy đối với một số cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội... trong thời gian tới.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã thực hiện qua 7 năm, đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn chưa đồng bộ, thiếu tổng thể, chưa gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc và đầu mối; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa rõ ràng, còn trùng lặp, chồng chéo; phân cấp, phân quyền cho địa phương chưa mạnh, chưa đồng bộ, chưa hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới...
Tinh gọn bộ máy chính là một cuộc cách mạng để đất nước vươn mình phát triển. Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc cần phải có một bộ máy điều hành được đổi mới từ diện mạo đến phong cách lãnh đạo và tinh thần làm việc của mỗi cá nhân, tổ chức.
Tinh gọn tổ chức bộ máy chính là khâu đột phá trong tháo gỡ thể chế. Nếu bộ máy vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, chồng chéo thì hiệu quả hoạt động sẽ không cao. Từ đó phát sinh lãng phí, tiêu cực. Không tinh gọn tổ chức bộ máy thì đất nước không phát triển được, thời cơ phát triển bị bỏ phí, nội lực không được phát huy.
Thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ tạo nền tảng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc. Vì thế phải quyết tâm làm, kiên quyết làm, nhất định sẽ thành công.