“Trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, điều quan trọng là doanh nghiệp (DN) phải tự thức tỉnh lương tâm. Nếu nhà sản xuất, DN vẫn đặt quyền lợi của mình lên trên sức khỏe của người tiêu dùng, thì “cuộc chiến” này sẽ khó có hồi kết”- bà Nguyễn Thị Mỹ, Việt kiều Úc, chuyên gia ngành môi trường chia sẻ với Đại Đoàn Kết.
Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
PV: Thưa bà, thời gian qua, thực trạng thực phẩm bẩn đã trở thành vấn nạn. Người tiêu dùng lo lắng. Với tư cách là lãnh đạo một DN chuyên hoạt động trong lĩnh vực môi trường, bà có thể nêu quan điểm đối với môi trường sống hiện nay ở Việt Nam nói chung và tình trạng mất an toàn thực phẩm nói riêng?
Bà Nguyễn Thị Mỹ: Hoạt động lâu năm trong ngành môi trường, tôi cũng đã đi rất nhiều vùng miền ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có một điều tôi thấy rất đáng tiếc, đó là đất nước chúng ta nhiều sông ngòi, kênh rạch, nhưng nhiều người dân lại không có ý thức bảo vệ những thứ mà thiên nhiên ban tặng. Tôi rất buồn khi chứng kiến những con kênh đen kịt vì rác, ô nhiễm nặng nề. Người ta hàng ngày vẫn vứt rác, xác súc vật chết xuống kênh mương vô tội vạ. Họ không hề quan tâm rằng môi trường đang bị hủy hoại bởi chính việc làm của mình. Thực sự nguồn nước của chúng ta đã bị ô nhiễm rất nặng nề. Mà như chúng ta đã biết, 70% lượng nước ngọt được sử dụng để sản xuất, để nuôi trồng. Nếu như bị ô nhiễm như vậy thì làm sao chúng ta có thể sản xuất ra được những sản phẩm sạch. Do đó, tôi cho rằng, điều đầu tiên cần nhìn nhận, không phải ai khác mà chính mỗi người dân đang tự đầu độc mình khi họ tự xả rác ra môi trường, đổ những thứ bẩn xuống các dòng sông, các con kênh, từ đó gây ô nhiễm nguồn nước và dẫn đến tình trạng thực phẩm bẩn như hiện nay.
Không chỉ nguồn tài nguyên nước ô nhiễm, mà tài nguyên đất cũng ngày một cằn cỗi. Đó là hệ lụy của sự thiếu ý thức bảo vệ môi trường của chính mỗi người dân Việt Nam.
Là một DN, bà có suy nghĩ và hành động gì trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn?
- Vâng, một phần là do người dân tự hủy hoại tài nguyên đất và tài nguyên nước. Mặt khác, tôi cũng rất bất bình với phương thức làm ăn của nhiều DN hiện nay. Họ không có lương tâm khi bơm các loại hóa chất, kháng sinh vào con vật nuôi để bán cho người tiêu dùng. Rồi các loại rau, củ quả cũng ngâm, tẩm hóa chất để được tươi lâu, để được chín nhanh. Đó thực sự là những hành động thiếu lương tâm của các nhà sản xuất, các DN kinh doanh. Họ chỉ thấy mối lợi trước mắt mà không màng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Họ đang đánh đổi sinh mạng con người lấy những món lợi nhuận từ việc sản xuất kinh doanh phi pháp. Tôi cho rằng, mặc dù không còn sớm song đã đến lúc bản thân các DN cần phải tự thức tỉnh lương tâm. Họ cần phải hiểu rằng, việc làm của họ không chỉ giết dần giết mòn những người dân vô tội mà còn hủy hoại môi trường sống, và cũng là hủy hoại chính họ. Tới đây, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, phương thức làm ăn kiểu “chộp giật”, đặt lợi nhuận lên trên hết mà không tính đến sự phát triển bền vững, lâu dài của một số DN Việt Nam sẽ không thể tồn tại được. DN muốn đẩy mạnh xuất khẩu phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn của quốc tế, trong đó có vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mặt khác, tôi cho rằng, người tiêu dùng cũng phải thay đổi tư duy, họ phải ủng hộ DN trong nước bằng cách ngừng ngay suy nghĩ muốn mua được hàng hóa, thực phẩm giá rẻ. Vì người ta vẫn nói “của rẻ là của ôi”. Nếu người tiêu dùng chỉ tìm mua đồ rẻ tiền, thì sẽ đẩy các DN phải tìm cách sử dụng các nguyên liệu giá rẻ để làm ra các sản phẩm bán cho người tiêu dùng. Và đó là một phần nguồn cơn của việc sử dụng các loại hóa chất tràn lan trong thời gian qua.
Có ý kiến cho rằng, chính sự quản lý lỏng lẻo, chồng chéo đã đẩy vấn nạn này tới thực tế như hiện nay. Ý kiến của bà?
- Tôi rất tiếc khi mà Nhà nước có trong tay nhiều quyền lực nhưng lại chưa thực thi tốt vấn đề này. Tôi nhớ có lần tôi đã đọc được bài báo viết đại ý rằng nhiều bộ cùng quản… một chiếc bánh trung thu, cho thấy sự bối rối của cơ quan nhà nước trong việc quản lý lĩnh vực. Để giải quyết tình trạng này, chúng ta cần xây dựng lộ trình quản lý ATTP phù hợp hơn, trong đó có những phân công cụ thể giữa các bộ, ngành để biết rõ ai làm, làm đến đâu, không làm được sẽ chịu trách nhiệm như thế nào, ai chịu trách nhiệm.
Thời những năm 1980, tôi có một số người bạn Úc khi sang Việt Nam đã bày tỏ tâm tư rằng, Việt Nam đã từng có một mô hình quản lý rất tốt nhưng khi mở cửa, đã bị “chói lòa” bởi hội nhập và thay đổi toàn bộ phương thức quản lý, không còn giữ lại một chút nào thời kỳ trước đó nữa. Trong khi đáng lẽ ra khi hội nhập, mở cửa, mình có thể thay đổi nhưng vẫn cần phải kế thừa những cái tốt, thì mình lại từ bỏ tất cả để tiếp cận những phương thức hoàn toàn mới. Đó là điều đáng tiếc. Các bạn tôi đã nói như vậy.
Ngay cả trong việc đưa ra các chính sách cũng đang bộc lộ những lỗ hổng lớn. Tôi lấy ví dụ luật về môi trường. Thế giới người ta kiểm soát môi trường bằng cách họ yêu cầu kiểm tra quan trắc 24/24h đối với DN. Trong khi đó, Luật Môi trường của ta lại quy định về kiểm tra quan trắc đối với DN 3 tháng 1 lần. Tôi không thể tưởng tượng được, tại sao các DN hoạt động, sản xuất 24/24h mà chúng ta lại chỉ kiểm soát họ 3 tháng 1 lần? Làm sao mình biết trong thời gian 3 tháng đó DN đã làm những gì, xả ra môi trường những chất gì, có độc hại hay không. Làm như vậy là chúng ta đang quá dễ dãi với DN, để họ muốn làm gì thì làm, trong đó có việc gián tiếp hủy hoại môi trường của chúng ta.
Về phương diện khoa học kỹ thuật, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang đi sau thế giới hàng chục năm trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Và chính điều này đang tác động lớn đến hoạt động sản xuất của người dân, DN Việt Nam. Bà có khuyến nghị gì đối với vấn đề này?
- Việt Nam cần phải nâng cấp các phương tiện khoa học kỹ thuật trong mọi lĩnh vực nói chung, và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Khi chúng ta nâng cấp được các phương tiện khoa học kỹ thuật, sử dụng các công cụ dự báo về khí hậu, biến động giá cả thị trường… chúng ta có thể hướng bà con nông dân nên trồng cây gì phù hợp với mùa nào, vùng nào, khí hậu nào. Đó là phương thức hiện đại mà thế giới đang dùng, Việt Nam cần phải cập nhật để giảm thiểu tình trạng cung vượt cầu mà chúng ta đang gánh chịu lâu nay. Ngay cả việc cải tạo đất để đưa nguồn đất tốt vào trồng trọt, nhằm đưa ra những sản phẩm sạch cũng là vấn đề cần phải sử dụng công nghệ, kết hợp xử lý tại chỗ các vùng đất đang bị ô nhiễm để khôi phục, tạo nguồn đất sạch.
Trân trọng cảm ơn bà!