Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết, nhiều dòng thuế xuất khẩu giảm mạnh tạo điều kiện thuận lợi cho da giày, dệt may phát triển. Thế nhưng, để hai ngành này xuất khẩu hiệu quả hơn cần “đòn bẩy” thúc đẩy thật sự hướng đến đáp ứng tốt các quy định mới.
Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đạt trên 10,33 tỷ USD . Trong đó, giày dép đạt 8,53 tỷ USD, túi xách đạt 1,8 tỷ USD. Lefaso dự báo, chỉ số sản xuất gia giày trong năm 2019 sẽ tăng từ 10 - 11%. Tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 21,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018. Theo ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Lefaso, với lộ trình giảm thuế về 0% sau 7 năm, trong đó ước có trên 37% số dòng sản phẩm da giày sẽ được áp dụng mức 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, sẽ góp phần tạo cú hích cho các doanh nghiệp trong ngành này phát triển mạnh.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, năm 2018, ngành dệt may xuất khẩu 36 tỷ USD. Tuy nhiên, hàng dệt may xuất khẩu sang EU chỉ đạt hơn 4 tỷ USD. Điều này chứng tỏ, thị phần EU còn quá rộng lớn đối với mặt hàng dệt may. Nguyên nhân chủ yếu, từ trước tới nay, thị phần của ngành dệt may Việt Nam còn hạn chế do đơn hàng còn nhỏ, mẫu mã thay đổi liên tục nên doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều. Hy vọng EVFTA sẽ tạo ra động lực cho hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may sang thị trường EU.
Mặc dù cơ hội phát triển xuất khẩu dệt may của Việt Nam rất tốt, song không thể tránh khỏi những thách thức đi kèm. Với sản phẩm giày dép, EU cam kết sớm loại bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, nhưng lại xóa bỏ ở những nhóm sản phẩm mà Việt Nam ít gia công hoặc ít xuất khẩu vào EU. Như vậy, trong một vài năm đầu thực hiện EVFTA, phần lớn các sản phẩm giày dép sẽ không được hưởng lợi nhiều khi xuất khẩu vào thị trường EU. Tương tự, mặt hàng da giày, mặt hàng dệt may cũng đối diện nhiều thách thức. Theo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, quy tắc xuất xứ trong EVFTA có lỏng hơn so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhưng vẫn đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Ngành dệt may có thể được giảm thuế theo quy định nhưng vẫn phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về xuất xứ.
Trước tình hình trên, nhiều quan điểm cho rằng, muốn tối đa hóa lợi ích được từ EVFTA, cần chú trọng phát triển ngành công nghiệp dệt và công nghiệp phụ trợ ngành dệt may để cung cấp nguyên vật liệu cho ngành này. Trường hợp chậm phát triển những ngành hỗ trợ đi kèm cho dệt may phát triển cần tăng cường việc sử dụng vải có xuất xứ từ các nước thành viên hướng đến tận dụng được lợi ích từ hiệp định EVFTA.