Phần lớn các doanh nghiệp hiện nay đang rất “lơ mơ” và không mấy quan tâm tới các rào cản kỹ thuật trong thương mại mặc dù, những rào cản này ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp đến việc sản xuất kinh doanh của các DN.
Doanh nghiệp Việt đang rất yếu trong việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại.
Trong năm 2015 này, chỉ có 19 câu hỏi được DN gửi đến cơ quan chức năng quan tâm đến vấn đề này. Con số khiêm tốn này đặt ra nghi ngại rằng, liệu khi các hiệp định thương mại được ký kết, đặc biệt là TPP, các DN trong nước có thể “ứng biến” và bảo vệ được chính bản thân mình trước làn sóng hàng ngoại nhập hay không?
Thông tin này được đại diện các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề và DN đưa ra tại buổi Hội thảo Cơ chế minh bạch hóa các biện pháp kỹ thuật trong thương mại do Bộ Công thương tổ chức ngày 7/12, tại Hà Nội.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, các quốc gia đang dần mở rộng chính sách thương mại của mình đón những luồng gió mới từ bên ngoài và những lợi ích do thương mại quốc tế đem lại. Như một tất yếu khách quan, một mặt, các quốc gia muốn hướng tới nền thương mại tự do toàn cầu thông qua việc cắt giảm hàng rào thuế quan theo xu hướng tự do hóa thương mại, song mặt khác quốc gia ấy vẫn phải duy trì và ngày càng gia tăng các rào cản thông qua các biện pháp TBT (các quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình đánh giá sự phù hợp của các nước thành viên WTO…) không ngoài mục đích bảo vệ sản xuất trong nước.
Việt Nam cũng đang ở tình huống này khi mà chúng ta đã ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) và gần đây nhất vừa kết thúc đàm phán và chuẩn bị ký kết Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Song, đáng quan ngại là hiện nay, phần lớn các DN Việt đang còn rất mơ hồ và không mấy quan tâm đến lĩnh vực này.
Theo nhận định của ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), các quốc gia trên thế giới đã và đang sử dụng các biện pháp TBT vô cùng khéo léo, coi như một công cụ hữu hiệu để bảo hộ các DN nội địa.
Đơn cử như Mỹ đang tiến hành thực thi Luật Nông nghiệp 2014 của họ bằng việc đưa ra quy định giám sát cá tra, cá ba sa xuất khẩu của Việt Nam.
“Chỉ cần bằng một động thái đó, Mỹ đang trực tiếp gây khó khăn cho các DN xuất khẩu cá tra, cá ba sa của Việt Nam nếu không muốn nói là ngành thủy sản xuất khẩu của chúng ta sẽ bị đình trệ trong một thời gian dài, ít nhất phải 5 năm” – ông Khanh chia sẻ quan điểm và nhấn mạnh: “Việc sử dụng công cụ TBT của Mỹ đang thực sự làm khó cho các DN xuất khẩu cá tra của chúng ta. Song đó chính là một cách bảo hộ hàng hóa của họ mà chúng ta phải coi là một bài học kinh nghiệm”.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, chỉ có một số rất ít DN sản xuất quy mô lớn, có thương hiệu quan tâm nghiên cứu đến các biện pháp TBT, trong khi lực lượng DN chiếm đa số lại là DN vừa và nhỏ, thì lại ít quan tâm đến điều này nên luôn gặp nhiều rủi ro về thương mại. Thực trạng ngành thép hiện nay là một minh chứng khá rõ nét.
Theo ông Khanh, ngành thép trong nước đang đối diện với nguy cơ bị thép Trung Quốc lấn át vì thời gian qua, sản phẩm thép của nước láng giềng đã ồ ạt tràn vào trong nước.
“Sự thâm nhập này của thép Trung Quốc một phần minh chứng rằng, chúng ta đang rất yếu trong việc sử dụng các công cụ TBT để bảo vệ hàng hóa sản xuất của chính chúng ta” - ông Khanh thẳng thắn nêu quan điểm. Nếu như các DN trong nước cũng như nhà quản lý quan tâm hơn đến TBT thì có lẽ, ngành thép đã không rơi vào tình trạng như ngày hôm nay.
Tuy nhiên, một số DN cũng nêu ý kiến, mặc dù rất quan tâm tìm kiếm các biện pháp TBT để có thể ứng phó với hàng hóa nhập khẩu, kể cả việc tìm kiếm thông tin về các quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa xuất khẩu đến các quốc gia trên thế giới, song không biết tìm kiếm thông tin ở đâu.
“DN chúng tôi vẫn đang phải dò dẫm để tự “mò” những thông tin về đối tác. Ví dụ như đợt vừa rồi chúng tôi xuất hàng sang Ai Cập nhưng nước này đã thay đổi quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm nhập khẩu nhưng chúng tôi không được biết. Và phải tìm kiếm, mò mẫm mới biết họ thay đổi quy chuẩn kỹ thuật như thế nào…” – lãnh đạo Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết.
Thực tế này cho thấy, DN Việt vẫn đang phải dò dẫm thông tin và không biết tìm nguồn nào để hiểu rõ các tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa các nước nhập khẩu đưa ra.
Giải đáp băn khoăn này, bà Tôn Nữ Thục Uyên - Trưởng Phòng Thông báo và hỏi đáp – Văn phòng TBT Việt Nam cho biết, trang web của văn phòng TBT sẽ cập nhật tát cả các thông tin về quy chuẩn kỹ thuật hàng hóa mà các nước đưa ra, các DN xuất khẩu có thể tìm kiếm ở trang web này.
Theo các chuyên gia, diễn giả tham dự hội thảo, các DN cần phải chú trọng quan tâm hơn đến các biện pháp TBT vì thời gian tới, khi các FTA được ký kết, các hàng rào thuế quan không còn nữa, đó là lúc TBT phát huy hiệu quả rõ nét nhất. Và nếu DN Việt không quan tâm đến lĩnh vực này, chính các DN sẽ phải gánh chịu những thiệt thòi do chính sự thờ ơ này gây ra.