Hiện trên toàn thế giới chỉ còn 8 loài tê tê, trong đó có 2 loài ở Việt Nam. Trước nguy cơ loài động vật này ngày càng quý hiếm, Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam và Vườn Quốc gia (VQG)Cúc Phương vừa cho ra đời Trung tâm giáo dục và bảo tồn tê tê đầu tiên tại Việt Nam.
Đại sứ Anh Giles Lever kêu gọi bảo vệ tê tê.
Trong những năm qua, giáo dục và bảo tồn tê tê đã là một hoạt động chính của Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã trong nỗ lực chống lại nạn săn bắt, buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã, quý, hiếm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc VQG Cúc Phương, mặc dù đã có nhiều nỗ lực bảo tồn, song vấn nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc ra đời Trung tâm Giáo dục và Bảo tồn tê tê là một bước phát triển mới của công cuộc bảo tồn tê tê nói riêng và bảo tồn động vật hoang dã nói chung.
“Việc tổ chức khai trương Trung tâm Giáo dục và Bảo tồn tê tê trong Ngày bảo tồn tê tê Thế giới (20-2) sẽ đem đến cơ hội cho những người yêu mến tê tê và các nhà bảo tồn cùng chung tay nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc bảo tồn và ngăn chặn các mối đe dọa đối với loài thú đặc biệt này”, ông Lập nhấn mạnh.
Theo bà Hồ Thị Kim Lan - Trung tâm Giáo dục và Bảo tồn tê tê, trong bối cảnh vấn nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã còn diễn biến phức tạp, giáo dục chính là “chìa khóa” cho công tác bảo tồn.
Bà Lan cho biết: “Qua không gian của Trung tâm này, mọi người cũng hiểu được những mối đe dọa mà các loài động vật hoang dã đang phải đối mặt, khuyến khích cộng đồng cùng tham gia bảo vệ các loài vật quý hiếm như tê tê khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng”.
Tiêu bản tê tê tại VQG Cúc Phương.
Ngay trong buổi ra mắt Trung tâm, học sinh và những người tham dự đã cùng tham gia những trò chơi mang thông điệp bảo tồn Tê tê và động vật hoang dã. Không gian của Trung tâm với những hình ảnh sinh động cùng với tiếng kêu của các loài thú, được kỳ vọng sẽ giúp cộng đồng, khách du lịch và các em học sinh - sinh viên có cơ hội khám phá, học hỏi và chiêm ngưỡng các loài vật trong tự nhiên.
Bà Phạm Thị Hương- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cúc Phương - cùng các học sinh của trường tham dự buổi ra mắt trung tâm đã hào hứng chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi lần đầu tiên nhà trường được tham dự sự kiện ý nghĩa này. Tôi nghĩ, việc ngăn chặn các tệ nạn săn bắt, buôn bán các loài động vật hoang dã, trong đó có tê tê có rất nhiều biện pháp, nhưng biện pháp giáo dục ý thức cho người dân là rất quan trọng. Bởi người dân có hiểu thông điệp chúng ta muốn nói thì mới tự thay đổi hành vi của mình”.
Còn Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam - ngài Giles Lever - đánh giá cao việc giáo dục bảo tồn các loài động vật hoang dã như tê tê thông qua các hoạt động của Trung tâm giáo dục và bảo tồn tê tê.
Đại sứ Giles Lever cho rằng Trung tâm giáo dục và bảo tồn tê tê này sẽ là một điểm nhấn quan trọng cho các hoạt động giáo dục bảo tồn tại VQG Cúc Phương, từ đó góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo tồn, bảo vệ các loài động vật quý, hiếm của thiên nhiên.
Được biết tê tê là loài thú sống trong lòng đất, hoạt động về đêm, chuyên ăn kiến và mối. Theo các nhà khoa học, việc nuôi nhốt, cho tê tê sinh sản cho đến nay vẫn chưa có nơi nào thành công tuyệt đối. Có những tê tê con đã được sinh ra, nhưng rồi sống được không quá 10 tháng. Vì điều kiện khó khăn như thế, nên số lượng tê tê tại Việt Nam hiện tại vẫn chưa có những số liệu đánh giá chính xác.
Theo nghiên cứu của chuyên gia Nguyễn Văn Thái, ở VN chỉ còn hai nơi phát hiện ra động vật này là VQG U Minh Hạ và VQG Cát Tiên. Vảy tê tê là một trong những nguyên liệu được ưa chuộng để sản xuất thuốc đông y, nên loài vật này càng rơi vào tình trạng nguy cấp, bị săn bắt tràn lan.
Hy vọng là rồi đây cùng với nhiều hoạt động tích cực của các trung tâm bảo tồn các loài thú khác, Trung tâm Giáo dục và Bảo tồn tê tê với “chìa khóa” là giáo dục sẽ tạo ra sự chuyển biến ngày càng tích cực ở Việt Nam về bảo vệ thiên nhiên, động vật quý hiếm.
Trung tâm Giáo dục và Bảo tồn Tê tê nằm trong VQG Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình) chính thức mở cửa từ ngày 20/2.