Theo Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắcxin sởi-rubella cho trẻ 1-5 tuổi năm 2018-2019 của Bộ Y tế thì hơn 4,28 triệu trẻ em sẽ được tiêm đợt này. Chiến dịch được triển khai trong thời điểm một số bệnh dịch đang bùng phát nhằm giúp trẻ ở vùng nguy cơ cao được tiêm 1 mũi vắcxin sởi-rubella góp phần tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi, rubella trong cộng đồng.
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ.
Chiến dịch tiêm chủng bổ sung sẽ được triển khai đồng loạt tại các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ, cơ sở y tế… trong một hoặc nhiều đợt nhỏ theo cụm huyện, xã tùy vào điều kiện của từng địa phương.
Theo kế hoạch, chiến dịch được chia thành 2 đợt, đợt 1 (từ tháng 11-12/2018) tại 156 quận/huyện nguy cơ cao của 20 tỉnh/thành phố; đợt 2 (từ tháng 1-2/2019) tại 262 quận/huyện nguy cơ cao của 37 tỉnh/thành phố.
Trẻ em từ 1-5 tuổi tại vùng nguy cơ cao sẽ được tiêm 1 mũi vắcxin MR (vắcxin kết hợp nhằm bảo vệ chống cả sởi lẫn rubella), không kể tiền sử được tiêm chủng vắcxin phòng bệnh sởi hoặc vắcxin phòng bệnh rubella trước đó, ngoại trừ trẻ đã tiêm vắcxin phòng bệnh sởi hoặc vắcxin phòng bệnh rubella trong thời gian <1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung.
Sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút sởi và vi rút Rubella gây ra. Bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ. Năm 2018, tính đến ngày 17/9, toàn quốc có 37 tỉnh, thành phố ghi nhận gần 1.000 trường hợp mắc sởi dương tính, 1 trường hợp tử vong tại Hưng Yên.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm dễ gây dịch, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hoặc có thể gặp ở người lớn do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng. Theo các bác sĩ, khi trẻ mắc bệnh sởi, hệ miễn dịch sẽ bị suy giảm rất nhanh. Trẻ thường không tử vong vì bệnh sởi mà tử vong do các bệnh nhiễm trùng khác (viêm phổi, tiêu chảy…). Trẻ càng nhỏ biến chứng do bệnh sởi gây ra càng nhiều như viêm phổi, suy hô hấp, viêm đường tiêu hóa,...
Rubella là căn bệnh có biểu hiện giống bệnh sởi và có thể gây dịch tại các khu vực đông người như nhà máy, trường học, doanh trại, ký túc xá… Nếu bà mẹ mang thai nhiễm bệnh rubella trong thời gian mang thai, trẻ có thể mắc hội chứng rubella bẩm sinh với các căn bệnh rất nguy hiểm như điếc, tim bẩm sinh, não bé, vôi hóa ruột. Còn trẻ mắc hội chứng rubella bẩm sinh mắc đồng thời nhiều dị tật bẩm sinh như dị tật tim, đục thuỷ tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ nhỏ, vàng da, xuất huyết... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Bởi vậy, biện pháp hiệu quả nhất để phòng hội chứng rubell và sởi là tiêm vacxin phòng bệnh. Vắcxin sởi và rubella an toàn và có hiệu quả cao trong phòng bệnh. Dù tỷ lệ tiêm vắcxin sởi và vắcxin sởi-rubella trên toàn quốc những năm gần đây đạt cao, song tỷ lệ này vẫn chưa đạt 95% và vẫn còn các vùng nguy cơ cao, có nơi mới chỉ đạt tỷ lệ tiêm dưới 90%. Số trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc một số trẻ đã tiêm chủng nhưng không có miễn dịch phòng bệnh tích lũy qua các năm. Khi số lượng này đủ lớn, trong điều kiện vi rút sởi lưu hành có thể gây dịch.
Vì vậy việc duy trì tỷ lệ tiêm 2 mũi vắcxin sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi. Năm 2018, Việt Nam đã tiến hành bổ sung vắcxin sởi-rubella cho 33 huyện thuộc 6 tỉnh nguy cơ bao gồm Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La.