Khiêm tốn so với triển vọng

Quốc Định 29/05/2018 08:00

Ngoài thị trường Úc, nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Mỹ đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải từ Việt Nam. Nhật Bản thì nhập thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài. Hàn Quốc nhập thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài. Hay New Zealand thì nhập xoài, thanh long ruột trắng và đỏ…

Tuy nhiên, giá trị kim ngạch mà những thị trường này còn khiêm tốn so với triển vọng vì chúng ta thiếu các sản phẩm rau quả chế biến sâu có giá trị gia tăng cao.

Điều này cũng được một chuyên gia nước ngoài như ông Matthias Ehrmann (Công ty Rieckermann - nhà cung cấp giải pháp về chế biến trái cây) chỉ rõ trong buổi làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam mới đây tại TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Matthias, kỳ tích xuất khẩu trái cây của Việt Nam hiện nay đã vượt qua cả lúa gạo nhưng chủ yếu là trái cây tươi, thị trường xuất khẩu lớn nhất vẫn là Trung Quốc, còn các thị trường khác thì chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vấn đề của ngành rau quả Việt là làm sao có công nghệ chế biến tốt hơn so với việc chế biến sơ khai như hiện nay để xuất khẩu trái cây chế biến chất lượng cao đến những thị trường khó tính hơn nhằm mang lại giá trị kim ngạch cao hơn.

Trái cây chế biến xuất khẩu hiện mới chỉ chiếm 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Vậy, với 90% còn lại là trái cây tươi xuất khẩu thì cần làm như thế nào để nâng giá trị gia tăng, nhất là khi trái cây có thể chế biến ra nhiều loại sản phẩm khác?

Ông Matthias đưa ra trường hợp như trái thanh long của Việt Nam thì thị trường chính vẫn là Trung Quốc vốn đòi hỏi không cao về sản phẩm thanh long chế biến. Trong khi ở các thị trường như Mỹ, EU thì lại rất cần những sản phẩm chế biến đa dạng, hấp dẫn hơn từ trái thanh long. Đơn cử sản phẩm nước được chế biến từ trái thanh long đang bán ở thị trường Đức (chai 150ml) có mức giá đến 34 Euro/chai.

Ông Nguyễn Hữu Đạt- tổng thư ký Vinafruit cho rằng, thách thức đồng thời cũng là sức ép theo chiều hướng phát triển đi lên là sản xuất rau quả Việt Nam phải cải thiện hơn nữa về chất lượng sản phẩm. Nghĩa là phải đồng nhất, ổn định, tốt, có quanh năm và đạt chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Đây cũng là mấu chốt của vấn đề. Cái khó phải vượt qua. Giải được đáp án này, làm được các điều này thì tự nhiên ngành rau quả Việt sẽ có tên tuổi, có thương hiệu và chắc chắn sẽ phát triển bền vững” - ông Đạt nhấn mạnh.

Theo vị lãnh đạo Hiệp hội rau quả, các doanh nghiệp cần tham gia và thâm nhập từng bước vào khâu phân phối tại chính thị trường nhập khẩu để bảo vệ và tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hoá của mình.

Và điều quan trọng là Nhà nước cần cùng doanh nghiệp đầu tư nhiều vào các chương trình nghiên cứu công nghệ bảo quản sau thu hoạch và chế biến sâu để tăng thêm giá trị xuất khẩu cho trái cây Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khiêm tốn so với triển vọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO