Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại cuộc họp liên quan đến tình hình cung ứng hàng hóa, các sản phẩm thiết yếu trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến ngày càng phức tạp diễn ra mới đây tại Hà Nội. Ông Trần Tuấn Anh khẳng định: “Kể cả trường hợp xấu nhất, cách ly một thành phố, cách ly một vài tỉnh thành… chúng ta vẫn đáp ứng đủ các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân”.
Hàng hóa luôn được các siêu thị đảm bảo cung ứng đầy đủ. Ảnh: Quang Vinh.
Đã có phương án chuẩn bị nguồn hàng
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), đến nay đã có 55 tỉnh thành trong cả nước gửi báo cáo, trong đó đã có các “kế hoạch tác chiến”, kịch bản đối phó với dịch bệnh theo 5 cấp độ. Trong đó, đã tính đến các tình huống nếu dịch bệnh lan rộng, phức tạp mà phải cách ly những thành phố lớn, các thành phố vệ tinh thì việc đưa các mặt hàng thiết yếu vào vùng dịch sẽ được tiến hành thế nào, các điểm báo hàng sẽ được bố trí ra sao?
“Chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc cung ứng hàng hóa ở Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, kênh phân phối hàng hóa từ các điểm bán xăng dầu, cung cấp điện, đưa hàng vào siêu thị, điểm bán để đến tay người dân… và hiện tại, công tác này đang được tiếp tục và tăng lên thành cấp cao hơn, kể cả phương án nếu Hà Nội cách ly trên diện rộng”, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết.
Sở Công thương Hà Nội cho biết, đã có phương án chuẩn bị nguồn hàng và bảo đảm cung ứng cho thị trường theo các kịch bản diễn biến của dịch bệnh. Trong đó, thành phố đã tính đến việc chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm 30% -50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng. Cụ thể: Gạo 46.485 tấn; thịt lợn 9.297 tấn; thịt trâu, bò 2.675 tấn; thịt gia cầm 3.099 tấn; trứng gia cầm 62 triệu quả; Dầu ăn 3.070 nghìn lít; muối ăn, bột canh 356 tấn; Rau củ 51.650 tấn; Thủy hải sản (tươi, đông lạnh) 2.582,5 tấn; Thực phẩm chế biến 2582,5 tấn; Sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…) 464.85 triệu gói.
Đối với khu vực bị cách ly, các phương án đã tính đến tình huống giả định khu vực bị cách ly khoảng 5.000 người trong thời gian 30 ngày. “Ngay trong chiều ngày 19/3/2020, Sở Công thương đã làm việc với các DN sản xuất, phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn để lên phương án và ước tính khả năng cung ứng hàng của từng doanh nghiệp để có phương án đưa hàng theo từng kịch bản, bảo đảm nguồn cung trong các tình huống và bình ổn thị trường” - Sở Công thương Hà Nội cho hay.
Nhiều địa phương lên kế hoạch cung ứng hàng hóa
Tại các địa phương khác, các Sở Công thương địa phương cũng đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa sẵn sàng để đối phó với trường hợp dịch lan mạnh nhất. Tại TP Hồ Chí Minh, Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Vincommerce, Tổng công ty lương thực miền Nam đề nghị DN đã được chỉ đạo tăng cường cung ứng đầy đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho các điểm bán hàng tại các địa phương đang có dịch bệnh lan rộng như NinhThuận, Bình Thuận… phối hợp với các Sở Công thương các tỉnh/thành phố lân cận các địa bàn đang có diễn biến dịch bệnh phức tạp (như TPHCM, Lâm Đồng...) để kết nối nguồn hàng bình ổn thị trường.
Còn tại Hải Dương, Sở Công thương tỉnh cho biết, về cơ bản, nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu dân sinh trong tỉnh khá dồi dào; luôn sẵn sàng phục vụ nhân dân đầy đủ, kịp thời. Số lượng hàng thực phẩm tươi sống (lưu chuyển thường xuyên trong ngày) và hàng dự trữ lưu thông bình quân (hàng thực phẩm có hạn sử dụng) của các thương nhân luôn sẵn sàng phục vụ cho số lượng dân cư từ 20.000 đến 40.000 người. Các DN, hộ kinh doanh cam kết sẵn sàng tăng năng lực sản xuất, kinh doanh từ 50-100% khi có yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Riêng Big C Hải Dương sẵn sàng phục vụ các suất ăn nhanh khi cần.
Vào cuộc với trách nhiệm cao nhất
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Chúng ta phải vào cuộc với trách nhiệm cao nhất; chủ động, thường trực để ứng phó với mọi tình huống. Sẽ không có địa phương nào bị thiếu hàng, sẽ không có khu vực nào bị gián đoạn nguồn cung các mặt hàng thiết yếu.
“Với trách nhiệm của một Bộ quản lý lưu thông hàng hóa và cân đối cung cầu, chúng ta cần phải nắm rõ và khẳng định rằng có thể đáp ứng được nhu cầu các thực phẩm thiết yếu của nhân dân, nếu dịch bệnh kéo dài một tháng, hai tháng, 6 tháng và lâu hơn nữa. Trong tình huống khẩn cấp hơn, Bộ Công thương sẽ báo cáo Chính phủ huy động nguồn dự trữ quốc gia” – người đứng đầu ngành Công thương khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị cần lập đoàn khảo sát thực tế, không thể chỉ nghe các con số báo cáo mà cần có kiểm chứng để đảm bảo hàng hóa đủ, khâu phân phối lưu thông ổn định cũng như chất lượng hàng hóa được đảm bảo, vì sức khỏe của nhân dân. Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường vào cuộc quyết liệt hơn nữa để đảm bảo ổn định thị trường, không để hiện tượng lợi dụng dịch bệnh đầu cơ tăng giá, hàng nhái hàng giả trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.