TPP sẽ tạo thêm cơ hội thương mại và đầu tư cho Việt Nam với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây được coi là một hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao, giúp tiếp cận thị trường hàng hóa và các dịch vụ thông qua cắt giảm thuế quan và các biện pháp phi thuế quan. Đặc biệt, TPP sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu trong nước của Việt Nam. Đó là nhận định được các chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tại buổi họp báo Công bố báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam d
Dệt may nhiều lợi thế, vẫn lo quy định về xuất xứ.
Nhận diện cơ hội và thách thức
Theo đánh giá của WB, nền kinh tế của Việt Nam đã có những ứng phó rất tốt, ngay cả khi kinh tế thế giới có những khủng hoảng, biến động mạnh mẽ.
Viễn cảnh trung hạn của Việt Nam là tích cực - dự kiến đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và lạm phát sẽ ở mức thấp. Tuy nhiên, tốc độ tái cơ cấu nền kinh tế chậm có thể gây rủi ro đối với tiềm năng tăng trưởng trung hạn… Trong điều kiện môi trường kinh tế còn nhiều bất ổn như vậy, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc WB đưa ra khuyến cáo, cần đảm bảo quản lý kinh tế vĩ mô tốt thì mới có thể tạo khoảng đệm chính sách và đối phó được với các cú sốc trong tương lai. Tiếp tục củng cố tài khoá, đẩy nhanh cải cách cơ cấu và tăng cường dự trữ ngoại tệ sẽ giúp giảm bớt các tác động bất lợi.
“Đây là thời điểm thích hợp để tiếp tục củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thêm khoảng đệm chính sách thông qua những nỗ lực quyết liệt để kiềm chế sự mất cân đối tài khóa và giải quyết những vấn đề bất cập còn tồn tại của khu vực ngân hàng”, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh.
Ngoài những đánh giá chung về diễn biến của tình hình kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay, buổi họp báo dành riêng một thời lượng khá lớn để nói chuyên sâu về những cơ hội, thách thức cũng như những rủi ro mà các DN Việt Nam có thể gặp phải khi Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.
Theo bà Victoria Kwakwa, tiềm năng của TPP là rất lớn. Đây sẽ là cơ hội để đẩy mạnh mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, song song với đó, cũng đi kèm với không ít rủi ro mà các DN Việt Nam có thể sẽ gặp phải khi tham gia TPP.
Ngành nào lợi nhất khi TPP ký kết?
Đó dường như là câu hỏi được quan tâm nhất hiện nay khi các DN thuộc mọi thành phần kinh tế đã bắt đầu đặt chân vào ngưỡng cửa TPP.
Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Minh Đức - chuyên gia kinh tế cao cấp của WB nhấn mạnh: Ngành Dệt may, phụ kiện và da giày dự kiến sẽ hưởng lợi nhiều nhất và tăng mạnh xuất khẩu khi TPP được ký kết. Thuế suất các sản phẩm này tại các nước TPP thuộc hàng cao nhất.
Đơn cử, Hoa Kỳ áp thuế 17,1% đối với các sản phẩm từ Việt Nam, các nước châu Á tham gia TPP áp thuế 7,7% và các nước TPP khác áp mức 20,6%. Bởi vậy, dự kiến xuất khẩu thực tế hàng dệt may và phụ kiện của Việt Nam sẽ tăng khoảng 60% vào năm 2035. Với Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ là đích đến chủ yếu trong khối TPP và có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất: 218,8%.
Theo ông Phạm Minh Đức, không chỉ có lợi về mặt xuất khẩu, dệt may cũng sẽ là ngành tạo ra nguồn lao động dồi dào nhất khi TPP được ký kết.
“Hiệp hội Dệt may và phụ kiện Việt Nam (Vitas) ước tính, cứ tăng thêm 1 tỷ USD xuất khẩu sẽ tạo thêm được 150-200 ngàn việc làm. Vì vậy, có thể coi đây là ngành chiến lược về xuất khẩu và tạo một lượng lớn việc làm cho lao động trong nước. Tuy nhiên, những yêu cầu về quy tắc xuất xứ có thể sẽ hạn chế những tác động tích cực này” – ông Đức chia sẻ và nhấn mạnh: Ngành Dệt may cần phải có sự đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực sợi và dệt – đây là hai lĩnh vực đầu vào cơ bản để tạo nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may.
Cần môi trường bình đẳng
Giải đáp thắc mắc của báo giới về những tác động của TPP cũng như hội nhập kinh tế quốc tế nói chung đến cộng đồng DN vừa và nhỏ trong nước, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế, Trưởng nhóm báo cáo của WB nêu quan điểm: Đầu tiên chúng ta cần phải đảm bảo rằng môi trường chung cho hoạt động của các DN phải được thuận lợi hơn.
“Một thực tế cần phải thừa nhận lâu nay, đó là môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa tạo ra những động lực để hoạt động của các DN, đặc biệt là khu vực DN tư nhân của Việt Nam được suôn sẻ. Các chính sách, cơ chế hầu như vẫn đang bó buộc DN. Và chúng ta phải thay đổi được điều này để các DN Việt có cơ hội bứt phá từ chính những cơ chế, chính sách thuận lợi của môi trường kinh doanh” - ông Sandeep Mahajan nhấn mạnh.
Hiện nay vẫn còn có một sự “méo mó” trong việc phân bổ tín dụng, đất đai và nhiều lĩnh vực khác nữa. Ông Sandeep Mahajan cho rằng, dường như cơ chế chính sách của Việt Nam hiện nay vẫn đang ưu ái, nghiêng về các DN nhà nước, kể cả cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài, phía khu vực DN tư nhân chịu nhiều thiêt… Làm sao để DN tư nhân trong nước có thể phát huy hết tiềm năng của mình.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang tiến tới nền kinh tế thị trường, nhưng để kinh tế Việt Nam có thể hoàn toàn theo cơ chế thị trường đúng nghĩa, nhà quản lý cần phải tạo ra sân chơi bình đẳng, như vậy mới tạo động lực để khu vực DN tư nhân bứt phá, tự tin bước vào sân chơi toàn cầu.