Trong đợt bùng phát lần thứ 4 dịch Covid-19, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM đã đưa ra nhiều chỉ dẫn phòng, chống dịch, thu hút sự chú ý và nhận được sự biết ơn của nhiều người. Công tác lâu năm trong ngành y, rất am hiểu bệnh tật ở trẻ em, ông đã đưa ra nhiều lời khuyên chí lý, chí tình. Ông cũng bày tỏ lo ngại khi virus SARS-CoV-2 tấn công trẻ em, nhất là những trẻ thừa cân, béo phì và trẻ có bệnh lý nặng.
Diễn biến dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, thực tế là những bệnh nhân thừa cân, béo phì, kể cả trẻ em thì việc điều trị sẽ rất phức tạp do mà bệnh chuyển biến nhanh, khó lường.
Bất cứ cha mẹ nào cũng mong con mình khỏe mạnh, mau lớn, ngoan ngoãn và học hành giỏi giang. Chăm sóc con vừa là trách nhiệm vừa dồn nén tình thương yêu của cha mẹ. Tiếc rằng, không ít bậc cha mẹ, ông bà thiếu hiểu biết về dinh dưỡng vô tình đã “gây họa” cho con cháu, khi nhồi cho trẻ quá nhiều thức ăn, khiến cho các cháu béo phì.
Thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên thành 19% năm 2020. Đó là con số thật đáng lo ngại. Mấy tháng qua, trong điều kiện giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19, trẻ em không tới trường, ít vận động, ở nhà lại được cha mẹ cho ăn nhiều, “thích ăn gì cho ăn nấy” - cũng chỉ bởi cha mẹ, ông bà thương con mà thôi. Không chỉ bữa sáng, trưa, chiều, mà kể cả nửa đêm về sáng khi trẻ “khó ngủ” muốn ăn, cha mẹ cũng chiều.
Đồ ăn thường lại là đồ ăn nhanh nhiều chất bột, chất béo, lợi đâu chưa thấy nhưng chỉ qua chừng một đôi tháng trẻ đã béo tròn. Dẫu chưa có nghiên cứu nào về cân nặng của trẻ em trong dịch Covid-19, nhưng cũng dễ thấy là nhiều trẻ em thành thị “lớn trông thấy”.
Đúng là thời gian gần đây, nhiều phụ huynh lo con buồn, con khổ khi phải “bó chân” ở nhà nên tìm mọi cách bồi bổ cho con bằng những bữa ăn giàu năng lượng. Họ nghĩ rằng những chất bổ này sẽ giúp con khoẻ mạnh hơn để chống alị bệnh tật. Nhưng chính việc được ăn quá nhiều thực phẩm bổ béo đã khiến trẻ em tích tụ mỡ bất thường, gây rối loạn chức năng trong cơ thể, làm suy giảm sức chống chịu của trẻ em.
Việc rối loạn chức năng trong cơ thể nếu không được khắc phục sớm sẽ diễn tiến thành bệnh, phát triển âm thầm trong một quãng thời gian dài khiến việc điều trị, phục hồi là rất khó khăn và tốn kém. Theo bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục - Bệnh viện Nhi Trung ương thì nhiều bậc cha mẹ lại không thấy lo lắng khi con mình béo phì. Trong nhiều cuộc điều tra về dinh dưỡng, rất nhiều các vị phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, hoặc đánh giá thấp hơn một, hai mức so với thực tế. Trẻ béo phì là do ăn quá nhiều chất bổ dưỡng, thực tế là mất cân đối dinh dưỡng, thừa chất đạm, béo, tinh bột, trong khi lại thiếu vitamin, xơ và khoáng chất - những dinh dưỡng cần thiết để phát triển toàn diện.
Quan niệm “nuôi con bằng mắt”, có nghĩa là trẻ phải tròn trịa, đầy đặn, nhìn “đẹp mắt” thì mới “đạt chuẩn”, nhưng thực ra lại không chuẩn tí nào. Một đứa trẻ về mặt thể chất tốt phải phát triển bình thường đúng độ tuổi, nhanh nhẹn, ưa vận động, không bị mắc những bệnh “lặt vặt”. Trong khi đó, trẻ thừa cân, béo phì lại hay mắc một số bệnh như tiêu chảy, cảm sốt... mà thời gian điều trị đều phải kéo dài.
Trẻ suy dinh dưỡng ở cả hai dạng thiếu cân, thấp còi hay là thừa cân, béo phì đều nguy hại. Trước hết là với chính em đó, sau đó là gia đình, họ hàng. Suy cho cùng, sức khỏe của trẻ em cũng chính là tương lai của giống nòi, là chuyện không của riêng ai mà là chuyện của quốc gia, dân tộc.
Để kết thúc bài viết này, xin được dẫn lại cảnh báo của ông Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, rằng béo phì là nguyên nhân lớn dẫn đến các bệnh không lây nhiễm, chiếm đến 70% gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam.