Nguy cơ ngộ độc từ phụ gia thực phẩm

NGHĨA TOÀN 19/08/2023 07:00

Các chất phụ gia thực phẩm tạo màu đóng vai trò khiến món ăn trở nên bắt mắt, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng hoặc sử dụng chất phụ gia không rõ nguồn gốc, người dân dễ rơi vào tình trạng nguy hiểm tính mạng.

Không nên sử dụng chất phụ gia không rõ nguồn gốc.

Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn) gần đây tiếp nhận 3 trường hợp có biểu hiện tan máu do ngộ độc thức ăn không rõ nguồn gốc. Trong đó, 2 bệnh nhân ăn xôi màu tím, 1 người ăn nấm.

Được biết, 2 bệnh nhân ăn xôi tím là thành viên trong gia đình gồm 4 người ăn xôi lấy màu từ cây, không rõ nguồn gốc. Trong số này, 2 trường hợp có biểu hiện nặng phải nhập viện điều trị. 2 người còn lại do ăn số lượng ít, triệu chứng nhẹ nên được theo dõi tại nhà.

BS Nguyễn Thành Đô - khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn) cho biết: Biểu hiện chung của các bệnh nhân đều là vàng mắt, vàng da toàn thân, nước tiểu đỏ sẫm. Đặc biệt, 1 nam bệnh nhân có biểu hiện suy đa tạng, tình trạng suy hô hấp nhanh, được chẩn đoán tan máu do ngộ độc thức ăn. Các bệnh nhân nhanh chóng được xử trí đảm bảo tuần hoàn, hô hấp, truyền máu, dùng thuốc đối kháng. Hiện sức khỏe của các bệnh nhân ổn định, các chỉ số xét nghiệm trở lại bình thường và đã được xuất viện.

Trước đó, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận một phụ nữ (44 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng do tan máu. Người con trai thứ hai (12 tuổi) của nữ bệnh nhân này cũng điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng tương tự.

Nữ bệnh nhân cho biết, đã mua 100g bột màu thực phẩm màu đỏ tươi (gọi là bột mai quế lộ) ở chợ, sau đó trộn với 50g bột cùng thịt lợn xay và gói nem rán. Bệnh nhân cùng 2 con ăn nem vào bữa trưa trong 3 ngày. Ngay sau khi ăn vào trưa ngày thứ 2, bệnh nhân có biểu hiện chóng mặt, hoa mắt, cảm giác gai sốt, đau đầu. Người mẹ và con trai thứ hai đã phải nhập viện cấp cứu, người con trai lớn ăn ít hơn nên không thấy biểu hiện gì.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân nữ 44 tuổi nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng, các xét nghiệm khác cho thấy có tình trạng tan máu cấp tính rõ. Mẫu bột màu thực phẩm được xét nghiệm phát hiện thấy có axít orange 7. Hóa chất này được dùng làm chất màu công nghiệp và phụ gia thực phẩm, với liều cao trên động vật có thể gây tan máu...

Theo BS Nguyên, tan máu là sự phá hủy các tế bào hồng cầu do nhiều nguyên nhân gây ra. Các tế bào hồng cầu là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong máu. Nếu không phát hiện kịp thời, bệnh nhân tan máu có thể rơi vào tình trạng xuất huyết não, xuất huyết nội tạng gây nguy hiểm tính mạng. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tan máu, tuy nhiên, một trong những nguyên nhân dễ gặp là do ngộ độc thực phẩm, hóa chất.

Được biết, danh mục quy định chất màu được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế ban hành có 21 chất (gồm 11 chất màu tự nhiên, 10 chất màu tổng hợp). Việc quy định chất tạo màu vô cùng nghiêm ngặt. Theo đó, nhà sản xuất chỉ được sử dụng các loại màu thực phẩm đã được cơ quan chức năng cho phép với hàm lượng đúng quy định

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), hiện nay, vì giá thành các loại phẩm màu và hương liệu nguồn gốc tự nhiên khá cao nên nhiều người thường chạy theo lợi nhuận trong buôn bán kinh doanh dẫn đến việc lạm dụng quá mức các hóa chất tạo màu và tạo mùi hoặc sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm. Điều này sẽ rất nguy hại đối với sức khỏe con người. Độc tính có thể nhẹ như nôn ói, đau bụng, nhức đầu, hay có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu sử dụng liên tục trong thời gian dài.

Các chuyên gia khuyến cáo, không nên dùng các loại cây, cỏ không rõ nguồn gốc hay các hóa phụ gia thực phẩm là các hóa chất nhân tạo. Thay vào đó chỉ nên dùng các chất liệu tự nhiên từ các loại thực vật đã biết rõ là an toàn như gấc, cà chua, nghệ để chế biến thực phẩm. Để phòng ngừa ngộ độc thức ăn và các bệnh liên quan đến thực phẩm, tuyệt đối không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc, đặc biệt không ăn những thức ăn có phẩm màu lòe loẹt, bắt mắt. Nên sử dụng thực phẩm còn tươi mới, không sử dụng đồ đông lạnh quá lâu…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ ngộ độc từ phụ gia thực phẩm