70 năm sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, người Việt Nam hôm nay vẫn lấy tấm gương trí dũng của người đi trước làm nền tảng để phấn đấu cho tương lai tươi đẹp. Trong đó ý nghĩa lịch sử cũng như bài học Cách mạng Tháng Tám đặt ra vẫn còn nguyên giá trị. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim đã có cuộc trò chuyện với Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim.
Mở rộng khối đại đoàn kết
PV: Thưa Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim, Cách mạng tháng Tám thành công đã phát huy mạnh mẽ sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc. Vậy ông có thể cho biết bài học của đại đoàn kết trong xây dựng đất nước hiện nay như thế nào?
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim: Lịch sử và truyền thống của dân tộc để lại cho chúng ta ngày hôm nay nhiều điều rất tâm đắc. Điều tâm đắc đó chính là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám mà bắt nguồn là sự sáng tạo – sáng tạo độc đáo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tổ chức lực lượng nhân dân.
Ngay từ khi Đảng ta mới ra đời, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam đã được thành lập ngày 18-11-1930, cho đến năm 1941 bắt đầu hình thành một Mặt trận mới đó là Mặt trận Việt Minh. Mặt trận Việt Minh là hình thức tổ chức và quy tụ lực lượng giai cấp nông dân, công nhân, trí thức và tất cả mọi người Việt Nam yêu nước, từ đó đã tạo nên sức mạnh đại đoàn kết, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
Lúc đó Đảng mới 15 tuổi, mới có 5.000 đảng viên, mà đã có khả năng lãnh đạo toàn dân để tiến hành cuộc khởi nghĩa to lớn như vậy thì chúng ta cũng thấy được sức mạnh của nhân dân vĩ đại đến nhường nào. Để tập hợp được sức mạnh ấy, Đảng và Bác Hồ đã rất quan tâm đến việc tuyên truyền, vận động, làm cho nhân dân hiểu rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, chính quyền phải là chính quyền của nhân dân, chính quyền phải về tay nhân dân.
Nắm bắt thời cơ là điều hết sức quan trọng. “Nhật, Pháp bắn nhau – hành động của chúng ta”, Lời kêu gọi của Bác Hồ đã thổi hồn thiêng sông núi, nhân dân vùng lên như bão nổi, sóng cồn, chính tinh thần đó đã làm nên chiến thắng mùa thu năm 1945.
Những ngày này, tôi có điều kiện gặp nhiều vị lão thành cách mạng, những người trực tiếp tham gia Cách mạng Tháng Tám cho đến các nhà nghiên cứu lịch sử, tất cả đều cho rằng, ý nghĩa cuối cùng của việc kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám không chỉ để tưởng nhớ mà phải đặt ra suy nghĩ làm thế nào phát huy bài học đại đoàn kết trong giai đoạn hiện nay.
Nhiệm vụ gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết luôn là nhiệm vụ tiên quyết trong lịch sử 85 năm hình thành và phát triển của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiền thân là Mặt trận Việt Minh và nhiều tên gọi khác nhau cho phù hợp với nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ.
Vẫn bản chất đó, vẫn tinh thần đó, vẫn lực lượng đó bây giờ khối đại đoàn kết phải được tổ chức rộng rãi hơn và sâu sắc hơn để chúng ta làm nhiệm vụ khó khăn hơn trước. Đó là giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền và xây dựng một chính quyền vì nhân dân, của nhân dân, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh lại càng khó hơn.
Với quan điểm như vậy, bây giờ Mặt trận phải làm tốt vấn đề tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng nhân dân để xây dựng và bảo vệ đất nước.
Vậy thưa ông, để đoàn kết và tập hợp được mọi lực lượng nhân dân, Mặt trận vận dụng sức mạnh nào để kêu gọi nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước?
Trong thời kỳ hiện nay, nếu nói sức mạnh tìm thấy ở đâu thì chính là tìm thấy trong sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các dân tộc, các tôn giáo, các thành phần khác nhau, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài. Điều đó đáng ra chúng ta phải làm tốt hơn.
Bởi vì hiện nay, sự nghiệp xây dựng đất nước của chúng ta rất khó khăn, phức tạp. Trong bối cảnh hội nhập thế giới, nền kinh tế của chúng ta vẫn còn thấp kém so với nhiều nước cho nên việc phát huy nguồn lực của nhân dân ở trong tất cả các lĩnh vực đều là cần thiết. Cần thiết ở chỗ là phải huy động và ủng hộ sự sáng tạo của mọi cá nhân. Vì cách làm “bao cấp” không giải phóng được sức sáng tạo vĩ đại của nhân dân.
Muốn huy động tốt phải có chính sách tốt
Vậy làm thế nào để tập hợp và phát huy được sức mạnh đại đoàn kết trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài, theo ông cần những điều kiện gì?
Vẫn bản chất đó, vẫn tinh thần đó, vẫn lực lượng đó bây giờ khối đại đoàn kết phải được tổ chức rộng rãi hơn và sâu sắc hơn để chúng ta làm nhiệm vụ khó khăn hơn trước. Đó là giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền và xây dựng một chính quyền vì nhân dân, của nhân dân, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh lại càng khó hơn. |
Muốn phát huy mọi lực lượng tham gia công cuộc xây dựng đất nước, trước tiên phải có chính sách tốt. Đảng và Nhà nước ta có nhiều chính sách nhưng trong đó chính sách kinh tế được xem là quan trọng nhất.
Với bà con ta ở nước ngoài, vừa rồi Quốc hội, Chính phủ đã quyết định ban hành nhiều chính sách quan trọng như chính sách về nhà ở, đất đai cũng như quy định về quốc tịch…Đây là những việc rất cụ thể, mang lại lợi ích chính đáng từ đó sẽ cổ vũ tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc của bà con kiều bào trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đảng ta đã xác định, bà con kiều bào dù ở đâu đều là lực lượng không tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là nguồn lực để xây dựng đất nước.
Trong thời gian qua, Mặt trận đã và đang phối hợp với Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp với Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài để làm tốt công tác huy động sự đóng góp sáng tạo của kiều bào.
Đặc biệt ở cấp Trung ương và nhiều địa phương luôn giữ mối liên hệ với bà con kiều bào thông qua các Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài để qua đó trao đổi thông tin, chia sẻ tình cảm và đáp ứng những nhu cầu thiết thực.
Việc trao đổi và cung cấp thông tin trong nước đầy đủ chính xác cho bà con ở nước ngoài là việc vô cùng cần thiết. Điều này sẽ giúp cho bà con hiểu rõ, hiểu đúng vấn đề và từ đó tích cực tham gia những công việc chung có ích cho nước, có lợi cho dân.
Gìn giữ sợi dây liên hệ với kiều bào
Cụ thể công tác này đã được Mặt trận thực hiện như thế nào trong thời gian vừa qua, thưa ông?
Mặt trận làm việc trên tinh thần vận động và có sự phối hợp để có sự thống nhất, tác động cùng chiều với nhau trong nhiều vấn đề. Trong những chuyến công tác nước ngoài, nơi Mặt trận tìm đến đầu tiên là các sứ quán… Gặp gỡ các đại sứ, đại diện của ta đều nhận thấy công tác cộng đồng của nhiều đại sứ làm rất tốt.
Trong nước có cuộc vận động nào thì bà con kiều bào cũng biết được cuộc vận động đó, thậm chí cán bộ sứ quán còn tìm đến tận nơi cư trú, nơi làm việc của bà con mình để vận động. Điều quan trọng trước tiên là để bà con hiểu được các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Mặt trận từ đó tùy theo khả năng điều kiện tham gia, đóng góp vào các CVĐ trong nước.
Chúng ta đã thấy điều này qua những lần quê nhà bị thiên tai từ việc ủng hộ đồng bào bão lũ hay như tham gia công tác xoá đói giảm nghèo, đặc biệt là một số CVĐ của Mặt trận như CVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng được lan tỏa khắp nơi.
Đại sứ Việt Nam tại Singapore Nguyễn Tiến Minh đã chia sẻ với tôi trong lần gặp gỡ gần đây rằng, bản thân ông luôn dùng hàng Việt Nam, khuyến khích kiều bào mua hàng Việt Nam, thậm chí giới thiệu hàng Việt Nam với một số lãnh đạo Singapore và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình.
Trên thực tế hàng Việt Nam ở Singapore- nơi được xem là một kinh đô mua sắm hàng đầu ở châu Á được bày bán ở khắp nơi và được người Singapore ưa chuộng như hàng may mặc, giày da và nhiều mặt hàng nông sản…
Một vấn đề hiện nay cũng rất quan tâm là việc gìn giữ, nuôi dưỡng văn hoá, truyền thống từ chữ viết, tiếng nói cho kiều bào ta ở nước ngoài. Chữ viết, tiếng nói chính là điều kiện để chúng ta giữ mối liên hệ lâu dài, bền chặt, để phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam, nhất là với thế hệ trẻ.
Hiện Mặt trận đang vận động để các tổ chức thống nhất cách làm, đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho các đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng tham gia.
Giao quyền quyết định cho nhân dân
Việt Nam đang ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới và việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vậy ông có thể cho biết thời gian tới MTTQ Việt Nam sẽ triển khai nội dung này như thế nào?
Vừa rồi thông qua Đại hội Mặt trận ở các cấp, điều chúng tôi quan tâm nhất là Mặt trận muốn vận động người dân tham gia vào quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước thì chúng ta phải làm cho người dân hiểu được những vấn đề mà Đảng, Nhà nước, Mặt trận đang quan tâm, kêu gọi và thúc đẩy. Cho nên Mặt trận hiện nay phải tăng cường nhiều cách làm sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến của các giới, các tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân trên từng địa bàn khác nhau.
Có lắng nghe mới hấp thu được những mong muốn, nguyện vọng của bà con, đặc biệt là những sáng kiến của người dân trong quá trình xây dựng đất nước. Có như vậy mới phát huy quyền làm chủ của người dân. Có như vậy, giám sát và phản biện của Mặt trận mới mang tính xã hội rộng rãi.
Có thể ban đầu chưa có các điều kiện pháp lý đầy đủ nhưng tôi tin trong quá trình thực hiện Hiến pháp 2013, thực hiện Luật MTTQ Việt Nam 2015 (đầu năm 2016 có hiệu lực - PV) việc đó chắc chắn sẽ được mở rộng, tức là những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đưa ra trước hết phải hỏi ý kiến nhân dân. Tới đây Quốc hội cũng sẽ thống nhất có Luật về trưng cầu ý dân, như vậy đồng nghĩa với việc giao quyền quyết định cho nhân dân trong một số vấn đề quan trọng của đất nước.
Phải làm sao để đất nước chúng ta sau 70 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, sau 30 năm đổi mới, dân chủ từng bước được mở rộng, từng bước làm cho người dân thấy rằng chính mình là người làm chủ thực sự. Từ đó nhân dân đồng lòng chung sức, sức mạnh đại đoàn kết được nhân lên. Đại đoàn kết vẫn là sức mạnh to lớn nhất để đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký!