Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chiều 10/6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về việc nên giữ hay bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với cán bộ, công chức.
ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) thảo luận về Dự án Luật. Ảnh: Quang Vinh.
Giữ hay bỏ kỷ luật giáng chức?
Về vấn đề này Chính phủ đề xuất hai phương án, phương án 1 là bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức tại Khoản 1 Điều 79 của Luật hiện hành và bỏ quy định liên quan đối với hình thức này. Phương án 2 là giữ hình thức kỷ luật giáng chức trong Luật.
Nghiêng về phương án 1, theo quan điểm của Chính phủ, không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức do nếu quy định hai hình thức giáng chức và cách chức thì dễ dẫn đến tình trạng nể nang. Bên cạnh đó, nếu giữ hình thức giáng chức thì không phù hợp với vị trí việc làm, vì đã xác định đủ số lượng lãnh đạo quản lý.
Nhất trí bỏ hình thức giáng chức, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng thời gian qua, hình thức này có áp dụng nhưng không nhiều. Nếu cán bộ bị kỷ luật nặng đến mức cách chức thì phải cách chức, còn nhẹ hơn thì cảnh cáo. Việc kỷ luật bằng hình thức giáng chức không đủ tính răn đe, có thể dẫn đến việc nể nang, xử lý nhẹ hơn. Nếu cách chức qua thời hạn bị kỷ luật, cũng có thể bổ nhiệm lại, nếu đủ điều kiện. Về hình thức hạ bậc lương, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cân nhắc áp dụng luôn đối với công chức giữ chức vụ quản lý chứ không chỉ áp dụng riêng với người không giữ chức vụ.
Các đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cũng đồng tình với việc không quy định hình thức kỷ luật giáng chức. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc phân tích, để bảo đảm tương ứng với hình thức xử lý đảng viên là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ, thì đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, có 4 hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc. Áp dụng hình thức giáng chức dễ dẫn đến tình trạng nể nang, né tránh, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
“Nếu quy định hình thức kỷ luật giáng chức sẽ xung đột với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Hình thức giáng chức thực chất là bổ nhiệm vào vị trí chức vụ thấp hơn, trong khi vị trí đó đã xác định đủ số lượng lãnh đạo quản lý. Hơn nữa, người bị xử lý kỷ luật giáng chức mà vẫn công tác trong cơ quan cũ, trong lĩnh vực chuyên môn cũ sẽ gây khó khăn cho lãnh đạo mới và khó khăn trong thực thi nhiệm vụ và tham mưu” - đại biểu Nguyễn Thị Phúc nói.
Trong khi có ý kiến ủng hộ quan điểm của Chính phủ thì ngược lại, cũng có không ít ý kiến cho rằng cần giữ hình thức kỷ luật giáng chức. Có ý kiến cho rằng, các lý do Chính phủ đưa ra tính thuyết phục chưa được cao. Về mặt pháp lý, quy định hình thức xử lý kỷ luật giáng chức đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao và thực tế thời gian qua, căn cứ vào quy định này của Luật Cán bộ, công chức, hình thức kỷ luật giáng chức cũng đã được áp dụng.
Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), nếu vì lý do nể nang mà không áp dụng hình thức giáng chức thì đó là lỗi chủ quan của chủ thể có thẩm quyền và lỗi này có thể xử lý được trong quá trình nâng cao chất lượng hiệu quả cán bộ, công chức. Còn vì lý do vị trí việc làm đã được xác định đủ thì trong cơ quan, đơn vị, khi đã thực hiện xong vị trí việc làm, các vị trí (kể cả vị trí chuyên viên) cũng đã được xác định và bố trí đủ, trong khi đó chưa thể giáng chức, cho thôi việc, do vậy vẫn phải sử dụng người này. Vì vậy, giữ lại hình thức giáng chức là cần thiết, phù hợp với nguyên tắc có thăng, có giảm trong công tác cán bộ.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng, việc thực hiện như Luật hiện hành trong thời gian qua không vướng mắc gì nhiều, giữa cách chức và giáng chức có khoảng cách rất lớn và đây là áp dụng tùy theo mức độ vi phạm.
Tranh luận về nội dung này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phân tích: “Giáng chức là hạ xuống chức mà khi giữ chức vụ đó, anh vi phạm bắt buộc phải hạ xuống. Còn cách chức là anh vi phạm ở chức mà anh không còn có thể giữ chức vụ đó. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nên giữ hình thức kỷ luật giáng chức là đúng”.
Đại biểu Mong Văn Tình (Nghệ An) nêu ý kiến, đối với cán bộ, công chức chưa đến mức phải cách chức hay buộc thôi việc nhưng chỉ hạ bậc lương hay cảnh cáo, khiển trách thì quá nhẹ. Trong khi đó áp dụng hình thức giáng chức là phù hợp. Ông lấy ví dụ, Trưởng phòng khi bị giáng chức xuống Phó trưởng phòng, thay vì cách chức làm mất hết chức vụ của công chức, phủ nhận hết mọi đóng góp của công chức trong quá trình dài, trong khi đó chỉ vi phạm trong quá trình làm Trưởng phòng. Việc áp dụng giáng chức sẽ tiếp tục tận dụng chất xám của cán bộ đó tại vị trí việc làm gắn bó lâu năm, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ, công chức đó sửa sai, sửa chữa khuyết điểm của mình để tiếp tục phấn đấu vươn lên.
Xử lý kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu
Một nội dung khác trong Dự thảo luật được đại biểu thảo luận, đó là xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Nhiều đại biểu cho rằng, quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác là phù hợp với thực tiễn, vì thời gian qua có nhiều trường hợp nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện sai phạm nhưng không xử lý kỷ luật được do vướng luật. Dự thảo bổ sung là cần thiết nhằm phòng ngừa, răn đe các cán bộ, công chức khi làm việc phải đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, cơ quan, đơn vị không được sai phạm.
Song, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, người nghỉ hưu có thể bị xử lý kỷ luật về Đảng, thậm chí kỷ luật xóa tên, có thể bị xử lý về hình sự nhưng lại xử lý kỷ luật thì không đúng. Vì người đó không còn là công chức, không còn trong cơ quan, đơn vị đó nữa. Nên bỏ quy định này.
Giải trình ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, qua báo cáo xử lý cán bộ hàng năm, đến nay, Bộ Nội vụ chưa nhận được một hình thức nào xử lý giáng chức, chỉ có giáng cấp với lực lượng vũ trang. Ông đề nghị các đại biểu nghiên cứu thêm để có quy định mang tính khả thi về hình thức giáng chức.
Về việc xử lý đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu mà có vi phạm trong thời gian đương chức, Bộ trưởng cho biết, Luật quy định đối với cả viên chức nếu có vi phạm trong thời gian còn công tác khi nghỉ hưu vẫn xem xét, xử lý bình đẳng như nhau. Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về vấn đề này để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tính pháp lý của các hình thức xử lý kỷ luật sau khi đã thôi làm nhiệm vụ, nghỉ hưu.