Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), từ năm 1991 đến nay, FDI trở thành động lực tăng trưởng ổn định của nền kinh tế. FDI đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Điểm ra có thể thấy, nhiều địa phương khi có sự thâm nhập của các DN FDI đã từng bước thay đổi diện mạo, điển hình là Bắc Ninh, nhờ thu hút có hiệu quả FDI mà chỉ trong 5 năm gần đây đã biến đổi cơ bản, từ tỉnh nông nghiệp trở thành tỉnh công nghiệp, hiện nông nghiệp chiếm khoảng 8%, công nghiệp và dịch vụ chiếm 82%. Giới chuyên gia kinh tế cũng nhận định, sau 3 thập kỷ, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến những bước phát triển vượt bậc, trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ khối FDI, nay chiếm tới ¼ tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu.
Nhận định rõ hơn về thực tế này, ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, một trong những mục đích của thu hút FDI là thu hút về công nghệ, lan toả thì đều chưa thực hiện được. Người ta chỉ nhìn thấy FDI thuê đất, lao động, trả công lao động, thuế nộp ngân sách còn nền kinh tế FDI và nội địa chưa thực sự gắn kết như mong đợi.
Ngoài ra, cũng không loại trừ việc chính sách đầu tư quá dễ dãi khiến cho các DN FDI sẽ tận dụng cơ hội để đưa lao động nước ngoài vào trong nước, kéo theo những bất cập liên quan đến an sinh xã hội. Điều này đưa ra một minh chứng rằng: FDI dù mang lại những trái chín cho nền kinh tế song chưa hẳn đã “ngọt”. Chính bởi vậy, giới chuyên gia kinh tế đưa ra khuyến cáo: Thu hút FDI cần phải có lựa chọn và rất thận trọng để tránh những hệ lụy xấu cho nền kinh tế.
Nhấn mạnh về điều này, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, thời gian tới cần thu hút đầu tư có điều kiện. “Điều kiện ở đây là tập trung vào cách mạng 4.0. Cần đặt vấn đề trách nhiệm nhà đầu tư với Việt Nam, khi FDI đạt lợi nhuận tại đây, cũng cần phải chịu trách nhiệm đóng góp lợi nhuận để đào tạo, lan tỏa công nghệ sang khu vực DN Việt, lao động Việt” – ông Thắng nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, vấn đề thu hút FDI hiện nay là làm sao để khu vực DN này phải có tác động lan tỏa, liên kết, giúp các DN Việt Nam có thể tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cung cấp các sản phẩm, các linh kiện, nói cách khác là nâng cao năng lực ngành công nghiệp phụ trợ, khi đó, chúng ta mới có ngành công nghiệp chế biến chế tạo bền vững. Và đó mới là những thành quả mà chúng ta đang mong muốn từ phía các DN FDI.