Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ GDĐT về kết quả xét công nhận giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) tại cơ sở. Đây là một trong những nội dung trong công văn mới đây của Bộ GDĐT gửi thủ trưởng các cơ sở giáo dục ĐH có thành lập Hội đồng GS cơ sở năm 2019.
Cụ thể, Bộ GDĐT đã có công văn số 3115/BGDĐT-NGCBQLGD, gửi thủ trưởng các cơ sở giáo dục ĐH có thành lập Hội đồng GS cơ sở năm 2019 về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS tại Hội đồng GS cơ sở. Và để việc xét công nhận tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2019 được thực hiện đúng quy trình, thủ tục, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, Bộ GDĐT yêu cầu: Thủ trưởng các cơ sở giáo dục ĐH có thành lập Hội đồng GS cơ sở năm 2019 chỉ đạo xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS tại Hội đồng GS cơ sở đảm bảo đúng quy trình tại Quyết định số 37 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 04 của Bộ GDĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng GS nhà nước, các Hội đồng GS ngành, liên ngành và Hội đồng GS cơ sở. Trong đó, tập trung chỉ đạo việc công khai hồ sơ điện tử của từng ứng viên trên Trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục ĐH (nơi nhận hồ sơ của ứng viên), rà soát hồ sơ của ứng viên, thẩm định tính pháp lý, sự chuẩn xác của hồ sơ; thẩm định thâm niên đào tạo, nghiên cứu khoa học của ứng viên và tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn, khả năng giao tiếp tiếng Anh của từng ứng viên đảm bảo chất lượng; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ GDĐT về kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS tại cơ sở giáo dục ĐH.
Trước đó, trong năm 2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS. Căn cứ Quyết định này, chuẩn các chức danh GS, PGS được nâng lên.
Vấn đề đặt ra hiện nay là quy định thì chặt chẽ, nhưng quy trình thực hiện liệu có chuẩn hay không lại là vấn đề khác - khi mà những băn khoăn về việc phong chức danh GS, PGS lâu nay vẫn gây ra sự bàn tán…
Nhiều ý kiến cho rằng việc để xảy ra sai sót trong quá trình phong chức danh GS, PGS lâu nay bắt đầu từ cấp cơ sở. Điều này cũng đã được minh chứng. Sau những ồn ào về việc xét chức danh GS, PGS năm 2017, những sự thật đã được công bố. Kết quả kiểm tra hồ sơ của các ứng viên cho thấy sai sót chủ yếu nằm ở khâu: Kê khai hồ sơ thiếu chuẩn xác, thiếu minh chứng cụ thể. Một số cơ sở giáo dục ĐH xác nhận thông tin do ứng viên kê khai chưa chặt chẽ. Một số Hội đồng cấp cơ sở, ngành/liên ngành thẩm định hồ sơ chưa kỹ càng.
Từ những quy định mới, có nhiều kỳ vọng đổi thay về việc xét chức danh GS, PGS. Nhưng chắc chắn sẽ cần rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng có nghịch lý là số lượng GS, PGS nhiều mà người truyền dạy kiến thức không được bao nhiêu. Số lượng GS, PGS tại Việt Nam tính trên tỉ lệ dân số còn rất khiêm tốn. Thế nhưng, nếu phong hàm GS, PGS cho những người không thực hiện nhiệm vụ truyền thụ kiến thức, dù trên cương vị giảng dạy hay nghiên cứu để tăng số lượng liệu có tốt? Điều này cần được xác định rất rõ trong những kỳ xét công nhận chức danh GS, PGS tới đây.