Nguồn cung nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở giá rẻ quá ít nên phần lớn người lao động có thu nhập trung bình, thấp khó mua nhà, khó thuê nhà . Điều này vô hình trung ảnh hưởng đến an sinh xã hội- Đó là nhận định của ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA).
HoREA cho biết, Hiệp hội rất lo ngại trước tình trạng thị trường bất động sản (BĐS) thành phố sụt giảm quy mô, sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, căn hộ nhà ở xã hội. Theo thống kê, 6 tháng đầu chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ, giảm 2.336 căn so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm đến 43,8%, căn hộ bình dân giảm 34,7%, chỉ khoảng 1.249 căn (cùng kỳ năm 2018 có1.914 căn). Điều đáng quan tâm, quý 2 không có dự án nhà ở bình dân, vừa túi tiền đưa ra thị trường. Chia sẻ về nguồn cung thị trường căn hộ, các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng thông tin, trong quý 2 phân khúc trung cấp chiếm tỷ trọng cao nhất với 56% tổng nguồn cung chào bán. Tiếp đến, phân khúc cao cấp với 40%, không có dự án mới trong phân khúc bình dân.
Dựa trên nguồn cung thực tế của nhà ở giá rẻ trên thị trường, đại diện HoREA lo ngại, người người thu nhập thấp không thuê mua được nhà ở. Ông Lê Hoàng Châu nhận xét: Phần lớn người dân thành phố là người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư ngày càng khó mua nhà, khó thuê nhà ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Điều này là dễ hiểu do cung - cầu nhà ở giá rẻ quá lệch pha. Khảo sát của Sở Xây dựng TPHCM cho biết, thành phố có khoảng 476.158 hộ (chiếm gần 24% tổng số hộ) chưa có nhà ở. Trong đó, có khoảng 20.000 hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức nhà nước chưa có nhà ở thì khoảng 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Khảo sát khác của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cho hay, có khoảng 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020. Trong các đối tượng khảo sát có đến 65% đến 94% có nhu cầu thuê mua (mua trả góp dài hạn) nhà ở xã hội.
Hiểu rõ nhu cầu nhà ở giá rẻ hiện nay, TP HCM lên kế hoạch phát triển, tuy nhiên so với nhu cầu thì nguồn cung nhà ở giá rẻ vẫn như muối bỏ biển. Vì vậy, mới có tình trạng nhà ở giá rẻ nào ra thị trường là có hàng ngàn hồ sơ xếp hàng chờ đợi. Sở Xây dựng TPHCM cho hay, thành phố đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ. Dự kiến đến năm 2020, hoàn thành xây dựng 20.000 căn. Do thiếu hụt quá lớn nguồn cung nhà ở giá rẻ trên thị trường nên mức giá nhà ở của phân khúc này bị đẩy lên cao. Hiện giá nhà ở đang cao gấp từ 20 - 25 lần so với thu nhập bình quân của người lao động. Thị trường thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ (1 - 2 phòng ngủ) có giá vừa túi tiền (khoảng 2 tỷ đồng trở lại).
Chủ tịch HoREA kiến nghị, nên chăng quy định diện tích tối thiểu căn hộ ở mức thấp là 30m2/căn, thậm chí là 20m2/căn. Hiệp hội rất hoan nghênh thành phố và Bộ Xây dựng đã cho phép phát triển một khu đô thị rất lớn tại quận 9 có nhiều căn hộ 30 - 45 m2 và 58 - 68 m2/căn.
Ngoài việc phát triển nhà ở diện tích nhỏ phù hợp với túi tiền người thu nhập thấp, để giải quyết tốt nút thắt nhà ở giá rẻ cho thị trường, không ít ý kiến cho rằng phải tăng quỹ đất xây dựng, hỗ trợ nguồn vốn cho chủ đầu tư và khách hàng. Cùng đó, cần chú trọng chính sách tín dụng trong thời hạn tối thiểu 20 năm cho người có thu nhập thấp thuê mua nhà ở.