Biện pháp khẩn cấp tạm thời

Việt Thắng 01/04/2017 09:00

Điểm chung giữa những quyết định “thần tốc” và những biện pháp khẩn cấp tạm thời đôi khi rất ngắn. Ví như việc bà Trần Vũ Quỳnh Anh được bổ nhiệm “thần tốc” vào vị trí Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa; rồi quyết định cho bà được thôi việc cũng hết sức nhanh chóng, 3 ngày sau khi có đơn. Và cũng chỉ mất 5 ngày sau khi ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Báo Giao thông không được tiếp tục đăng tải các bài báo mới liên quan đến Công

Một vòng đời quan lộ ngắn ngủi kèm những sự hoài nghi quá lớn cũng như câu hỏi trách nhiệm. Nếu như trong vụ bà Trần Vũ Quỳnh Anh, một cán bộ Sở nằm trong quy hoạch Phó giám đốc Sở Xây dựng giai đoạn 2015-2020 bỗng dưng có đơn xin thôi việc, và được cho nghỉ việc “thần tốc” khi con đường “quan lộ” đang thênh thang thì “biện pháp khẩn cấp tạm thời” được Tòa án nhân dân Quận 5, TP Hồ Chí Minh rút lại gây ra sự hoài nghi không nhỏ”.

Xuất phát từ việc Công ty Thành Bưởi đã khởi kiện Báo Giao thông ra TAND Quận 5, TP Hồ Chí Minh vì cho rằng Báo có bài viết phản ánh về hoạt động “xe dù, bến cóc” của Công ty là không đúng sự thật, xâm phạm quyền lợi của mình. Công ty yêu cầu bị đơn phải bồi thường thiệt hại về danh dự, uy tín.

Trong quá trình Tòa đang giải quyết vụ kiện, Báo Giao thông tiếp tục đăng bài về hoạt động vận tải hành khách nhưng né các loại thuế, phí của Thành Bưởi. Lập tức, Công ty này liền có đơn gửi TAND Quận 5 đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” đối với Báo Giao thông. Từ đơn yêu cầu trên của Thành Bưởi, ngày 23/3, bà Đỗ Thị Ngọc Bính, thẩm phán Tòa án nhân dân Quận 5 đã ra Quyết định số 72/2017/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định”.

Theo đó Tòa án nhân dân Quận 5 buộc báo Giao thông không đăng tải trên báo mạng, báo giấy hoặc các hình thức báo khác các bài báo mới liên quan đến Công ty TNHH Thành Bưởi về các vấn đề “xe hợp đồng trá hình, lách luật, né thuế - phí hay trốn thuế gây thất thu cho Nhà nước” trong quá trình giải quyết vụ án.

Quyết định này sẽ chỉ hết hiệu lực cho đến khi Toà giải quyết xong vụ án. Ngay sau khi quyết định của Tòa được đưa ra, dư luận đặt ra những nghi vấn Tòa án buộc báo không viết bài về Thành Bưởi có sai Luật? Trước sự phản ứng từ dư luận, ngày 28/3, Tòa án nhân dân Quận 5 đã chính thức có quyết định hủy bỏ quyết định trên.

Một quyết định từ lúc “khai sinh” cho đến lúc khai tử chỉ vỏn vẹn có 5 ngày. Một cái chết quá nhanh cho một văn bản pháp luật thay vì tính ổn định lâu dài của nó. Đúng 1 ngày, Tòa án nhân dân Quận 5 có quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp cho ý kiến về Dự án Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện của Tòa án với các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện.

Mà tại đây, nhắc lại vụ án một cụ bà đến Tòa đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhưng cuối cùng bà này kiện luôn Tòa về biện pháp khẩn cấp tạm thời, còn nội dung chính trong vụ kiện thì “quên luôn”- Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk lắk Nguyễn Duy Hữu đã nhắc lại với sự lo ngại.

Một lo ngại hiện hữu trong bối cảnh hiện nay cạnh tranh trên thương trường vô cùng khốc liệt. Và ông đã nhắc đến “có nguy cơ không loại trừ tổ chức, cá nhân lạm dụng Luật để hại nhau”, vì “nếu làm sai thẩm phán dễ bị “thân bại danh liệt” vì chưa biết đương sự có kiện hay không nhưng không thích nhau cứ đâm đơn cái đã, có khi người làm ăn vu vơ thì hưởng lợi, còn người làm ăn chân chính thì bị thiệt”.

Điều mà ông Hữu lo ngại không phải bây giờ mới được đặt ra. Thực tế thì các biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2012. Nhưng thực tế rất ít thẩm phán dám áp dụng, đang có sự “chùn tay” ngay chính trong cơ quan bảo vệ pháp luật.

Chẳng hạn như theo quy định tại Khoản 3 Điều 117 Bộ luật Tố tụng dân sự thì: “Đối với trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Khoản 2 Điều 99 của Bộ luật này thì sau khi nhận được đơn yêu cầu cùng với đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo, Chánh án Toà án chỉ định ngay một thẩm phán thụ lý giải quyết đơn yêu cầu. Trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, thẩm phán phải xem xét và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu không chấp nhận yêu cầu, thì thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết”.

Như vậy liệu trong thời hạn 48 giờ, thẩm phán có đủ khả năng để xem xét quyết định có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không? Nhất là liên quan đến các yêu cầu về việc áp dụng các biện pháp như: kê biên tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; cấm mua bán, tặng cho, trao đổi tài sản; phong toả tài khoản… trong khi xác định tài sản luôn là vấn đề không phải dễ dàng mà có thể xác định trong 48 giờ để đưa ra phán quyết... Rủi ro với việc này là rất cao.

Không phải ngẫu nhiên, ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nhắc đến một xã hội lắm “chí phèo” do hiện trong xã hội nhận thức pháp luật còn kém do đó rất nhiều trường hợp “kiện ngược”, bị đơn trở thành nguyên đơn trong khi biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn với nghĩa vụ, quá trình tố tụng tiếp theo có thể gây khó khăn cho người bị áp dụng, và không giải quyết được những vấn đề phát sinh sau đó.

Bởi khi phát đơn ra thì áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không khéo gây nhiều hậu quả cho bên chính ra là được pháp luật bảo vệ, nhất là đối với đơn vị sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến thương hiệu, làm mất hết công ăn việc làm, sản xuất kinh doanh bị đình đốn.

Đằng sau quyết định nghỉ việc thần tốc đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh là cả một sự hoài nghi khi hồ sơ gốc của bà Trần Vũ Quỳnh Anh không còn lưu tại Sở Xây dựng? Còn trong quyết định hủy áp dụng biện pháp tạm thời mà Tòa án nhân dân Quận 5 đưa ra, không có nghĩa trách nhiệm của Tòa án nhân dân Quận 5 đã xong.

Bởi với những căn cứ pháp lý hiện có Tòa án nhân dân Quận 5 có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng. Những quyết định “thần tốc”, những biện pháp khẩn cấp tạm thời đang có một vòng đời rất ngắn như chính câu hỏi trách nhiệm nằm trong đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biện pháp khẩn cấp tạm thời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO