Chế tài đủ mạnh để chống tham nhũng

Nam Việt 14/01/2021 06:30

Ngày 12/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tại phiên họp, về việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, nếu như nhiệm kỳ trước thu hồi 5-10%, thì nhiệm kỳ này hơn 50%. Tức là tăng 4-5 lần.

Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Trí, vẫn cần thêm nhiều biện pháp để thu hồi tài sản phạm pháp. Ông Trí đề xuất, trong thu hồi tài sản tham nhũng cũng như góp phần phòng ngừa chống tham nhũng thì phải ban hành Luật Đăng ký tài sản.

“Hiện kê khai tài sản chỉ ở trong hệ thống chính trị, nhưng nếu người ta đã tham nhũng thì không bao giờ tự mình đứng tên, chỉ để những người ngoài xã hội đứng tên. Bây giờ có những người mới 20-30 tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỷ, nghìn tỷ đồng. Biết nhưng không xử lý được vì quyền sở hữu của công dân nên không đụng vào được. Nhưng nếu có luật này, khi anh đăng ký một tài sản mới, anh không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì anh bị “thăm hỏi” ngay và có cơ sở pháp lý để xử lý. Và chắc rằng sẽ không còn chỗ “ẩn nấp” cho nhóm tài sản tham nhũng”, theo ông Trí.

Ý kiến của Viện trưởng Viện KSND tối cao là rất đáng chú ý, đặc biệt khi dựa trên thực tế thu hồi tài sản của tội phạm tham nhũng cũng như sức nóng, sự đòi hỏi của cuộc chiến chống tham nhũng suốt thời gian qua.

Thực tế cho thấy đối tượng tham nhũng luôn rắp tâm tẩu tán tài sản, giấu tài sản phi pháp bằng nhiều hình hình thức khác nhau hòng tránh bị tịch thu khi phải đối diện với pháp luật. Không ít trường hợp làm thất thoát tài sản của nhà nước vài trăm tỷ, cả ngàn tỷ đồng nhưng khi kiểm tra thì tài sản cá nhân của đối tượng này không đáng là bao.

Khối tiền khổng lồ không thể có cánh mà bay mất, mà nó đã “tàng hình” ẩn nấp vào “bóng tối”, trong đó có việc đứng tên người khác. Người ta vẫn nói “hy sinh đời bố, củng cố đời con” là vậy. Có nghĩa là kẻ tham nhũng chấp nhận kỷ luật, kể cả đi tù nhưng “bảo toàn” được khối tài sản mấy đời ăn không hết.

Vì thế, nếu không chặt đứt được mục đích tham nhũng là chiếm đoạt tài sản, tiền bạc thì vẫn còn lắm kẻ lăm le làm liều. Ngược lại, nếu khối tài sản bất minh đó bị “tầm soát” chặt chẽ, bị thu hồi riết róng thì mục đích tham nhũng cũng không còn. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý được đối tượng tham nhũng là rất quan trọng, nhưng quan trọng không kém là phải thu hồi lại được tài sản của dân của nước đã bị cướp đoạt.

Luật Đăng ký tài sản, như ý kiến của Viện trưởng Viện KSND tối cao vì thế rất quan trọng. Nó sẽ làm minh bạch tài sản của từng người, nhất là những người có chức có quyền, những người đang ở vị trí dễ xảy ra tham nhũng. Khi qua kiểm tra, nếu phát hiện thấy sự kê khai không trung thực, hoặc tài sản tăng lên một cách đáng ngờ thì rõ ràng là phải đặt vấn đề; chứ không đợi đến lúc đối diện với pháp luật thì mới xác định rõ nguồn gốc tài sản, mới xử lý.

Vì vậy, có thể nói, việc đăng ký tài sản là biện pháp quan trọng trong phòng ngừa tham nhũng, phát hiện tham nhũng khi có dấu hiệu bất minh.

Cũng cần nhắc lại, trước khi có đề xuất Luật Đăng ký tài sản, thì Đảng, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều quy định để phòng, chống tham nhũng. Mới đây là Nghị định 130 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (có hiệu lực từ ngày 20/12/2020).

Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc.

Mặt khác, nếu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm trong tổ chức kê khai, công khai bản kê khai, nộp bản kê khai thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức.

Cùng đó, nếu người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, tổ trưởng và thành viên tổ xác minh tài sản, thu nhập có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận bản kê khai, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập, tiến hành xác minh, kết luận xác minh, công khai kết quả xác minh thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.

Như vậy là đối với người có nghĩa vụ kê khai lẫn người thực hiện việc kê khai nếu khuất tất thì đều bị xử lý.

Như đã nói, tiền bạc, tài sản chính là mục đích tham nhũng. Vì thế, với việc minh bạch kê khai, triệt để thu hồi tài sản do tham nhũng mà có là biện pháp cực kỳ quan trọng để triệt tiêu lòng tham cũng như sự liều lĩnh của những kẻ thoái hóa, biến chất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chế tài đủ mạnh để chống tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO