Chủ động xử lý những điểm nóng

Lục Bình (thực hiện) 01/01/2017 13:35

Rất nhiều vấn đề được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ sau 8 tháng “ngồi ghế nóng”. Theo ông, Chính phủ đã chủ động, sáng tạo, quyết liệt, không nề hà những khó khăn trong nước hay quốc tế. Trong hoàn cảnh nào cũng bình tĩnh, tự tin xử lý đến cùng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.

PV: Ngay từ đầu nhiệm kỳ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi thông điệp xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, phục vụ, nói không với tham nhũng. Vì sao Chính phủ lựa chọn một mục tiêu không dễ thực hiện như vậy, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Sau khi Quốc hội bầu Thủ tướng và phê chuẩn các thành viên Chính phủ mới, ngay trong phiên họp Chính phủ đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một thông điệp rất rõ là: “Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động”. Chính phủ kiến tạo là Chính phủ phải hoàn thiện thể chế, rà soát toàn bộ lại cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, từ đó tập trung hoàn thiện thể chế.

Chẳng hạn, các luật và văn bản dưới luật phải có sự đồng bộ theo hướng cắt giảm rào cản, giảm bức xúc, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp (DN). Chính phủ kiến tạo ở đây là Chính phủ muốn quản lý, điều hành đất nước phải theo luật, nhưng ngoài điều hành theo quy định của pháp luật ra trong thực thi công vụ phải theo hướng vì dân phục vụ. Muốn làm được điều này phải tạo ra sự thân thiện, gần gũi, lắng nghe, thấu hiểu và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho người dân và DN.

Với vấn đề liêm chính, Thủ tướng đưa ra nhiều thông điệp như, vấn đề gương mẫu của công chức, người đứng đầu hay vấn đề bố trí, đề bạt, sử dụng cán bộ, sử dụng tài sản công, xe công…Tất cả Thủ tướng đều đề cập đến.

Chính phủ hành động là Chính phủ nói đi đôi với làm, nói và làm phải luôn có người kiểm tra giám sát. Thủ tướng luôn nhắc rằng làm gì dân cũng biết. Chúng ta phải gương mẫu ở bất cứ nơi nào, vị trí nào. Lời nói và hành động của các thành viên Chính phủ đều phải gương mẫu. Vì, mỗi hành động, mỗi việc làm đó đều có sự giám sát của người dân, cơ quan báo chí.

Có thể nói, Thủ tướng muốn tạo sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất cao trong tập thể Chính phủ để làm chuyển động cả một hệ thống hành chính các cấp. Bởi nếu chỉ chuyển động ở Trung ương thì chưa đủ. Phải làm chuyển động cả hệ thống chính trị. Theo đó Chính phủ sẽ chủ động, sáng tạo, quyết liệt, không nề hà những khó khăn trong nước hay quốc tế, những vấn đề nóng, những sự việc cụ thể như, biến đổi khí hậu hay vụ Formosa gây ra ô nhiễm môi trường biển ở Hà Tĩnh. Trong hoàn cảnh nào cũng bình tĩnh, tự tin xử lý đến cùng.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ dù mới hoạt động 5 tháng nhưng đã mang lại hiệu ứng tích cực và nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Xin Bộ trưởng cho biết, hoạt động của Tổ công tác có ý nghĩa như thế nào trong việc góp phần xây dựng một Chính phủ liêm chính, hành động như thông điệp của Thủ tướng đưa ra?

- Tổ công tác là một vấn đề mới, sáng tạo của Thủ tướng khi điều hành. Từ quan điểm muốn xây dựng một Chính phủ hành động, Thủ tướng muốn có một tổ công tác trực tiếp giúp cho Thủ tướng xử lý nhanh với những vấn đề mới xảy ra.

Tuy mới thành lập nhưng thực sự có sự chuyển động tích cực. Tích cực ở lẽ, trước hết sự hiện diện của tổ công tác xuống Bộ, ngành, địa phương giúp cho Thủ tướng nắm toàn bộ các tình hình, nhiệm vụ Thủ tướng và Chính Phủ giao. Như đánh giá của tháng 11/2016, đã có 10.241 nhiệm vụ mà Thủ tướng, Chính phủ giao cho các Bộ, ngành địa phương từ 1/1/2016-28/11, trong đó đã thực hiện 5.800 nhiệm vụ. Như vậy, thời điểm cuối tháng 7, số nhiệm vụ tồn đọng quá hạn là 17% nhưng đến tháng 10 tồn đọng còn có 3,56% và đến tháng 11 còn có 3,2%.

Tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự lan toả. Giờ các Bộ, ngành địa phương đều theo mô hình này. Có nghĩa là đều có tổ công tác của các Bộ trưởng, UBND tỉnh, thành phố, theo dõi nhiệm vụ giao cho các cơ quan trực thuộc để tạo ý thức tốt về vấn đề trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và tác phong, lề lối làm việc.

Quan điểm của Tổ công tác là mang tính kiểm tra nhưng đằng sau đó mang tính hỗ trợ nhiều hơn. Tổ công tác kiểm tra để phát hiện ra vấn đề cần tháo gỡ nhưng cùng với đó cũng phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ. Đặc biệt không làm theo kiểu bới lông tìm vết. Nhờ sự phối kết hợp này công việc đã chạy rất nhanh.

Cụ thể những việc nào đã được Tổ công tác thực hiện rất nhanh, thưa Bộ trưởng?

- Có rất nhiều việc. Chẳng hạn, vào tháng 10/2016, khi làm việc với TP HCM, thành phố đã đề xuất thành lập Ban quản lý VSATTP, đây là cái rất mới. Trước đây vấn đề này do 4 bộ (Công thương, Nội vụ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản. Nếu theo mô hình mới việc quản lý này sẽ chỉ còn một cơ quan duy nhất là UBND TP. Khi thấy TP HCM đề xuất như vậy, Tổ công tác đã báo cáo Thủ tướng, Thủ tướng chỉ đạo lấy ý kiến của các Bộ và đồng ý rất nhanh. Đến giờ phút này Thủ tướng đã ký quyết định thành lập Ban ATTP của TP trực thuộc UBND TP. Chức năng nhiệm vụ của 4 đơn vị giờ chỉ thuộc UBND TP. Biên chế nằm trong biên chế của TP, nghĩa là không tăng thêm biên chế, nhưng nhiệm vụ sẽ được thực hiện tốt hơn vì đã có một đầu mối duy nhất thay vì 4 đơn vị đều có chức năng kiểm soát.

Bộ trưởng cho rằng Tổ công tác kiểm tra nhưng trên tinh thần hướng dẫn, hỗ trợ, cùng nhau tháo gỡ là chính. Liệu có sợ xảy ra tình trạng “đóng cửa bảo nhau”, thưa ông?

- Tất cả mọi chuyện đều công khai minh bạch. Thủ tướng đã chỉ đạo, phải có cơ quan báo chí đi cùng. Sức ép của tôi rất lớn khi xuống kiểm tra mà có thêm hàng chục cơ quan báo chí. Điều này chưa có tiền lệ. Rất nhiều Bộ trưởng nói sao có nhiều báo chí thế? Tôi nói, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải minh bạch, mà minh bạch là phải có cơ quan báo chí. Kiểm tra mà “đóng cửa bảo nhau” thì còn gọi gì là kiểm tra. Mình công khai, minh bạch. Nếu tốt nói là tốt, chưa được thì nói chưa được, còn khiếm khuyết thì phải thẳng thắn nhìn nhận. Thông qua kiểm tra vài tháng thì hiệu quả rất lớn. Rõ ràng các Tổ công tác ra đời chưa lâu nhưng hoạt động thực sự hiệu quả.

Thưa Bộ trưởng, trong quá trình kiểm tra ắt hẳn không tránh được va chạm. Bộ trưởng có thể chia sẻ những khó khăn, sức ép trên cương vị là người đứng đầu Tổ công tác?

- Rất nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao. Đây là bộ máy kiêm nhiệm, làm gì có thời gian nghiên cứu, có ai giúp việc. Chúng tôi phải tự tư duy, suy nghĩ. Các bạn biết đấy, có ai giỏi mọi ngành đâu. Nhưng vào kiểm tra một ngành mà không nắm được, nói không trúng thì người ta cười cho. Thế nên, thực hiện nhiệm vụ này, mỗi lần kiểm tra việc gì chúng tôi chuẩn bị nội dung công việc rất kĩ.

Có sức ép không? Nói thật là cực kỳ nhiều sức ép. Cơ quan báo chí vào cũng là một sức ép nhưng không bằng việc mình xuống kiểm tra. Làm sao để người được kiểm tra phải tâm phục khẩu phục. Sức ép rất lớn là mình làm sao phải đúng vị thế, đúng mực, có trách nhiệm với đơn vị được kiểm tra. Phải đánh giá cái này là chậm trễ do khách quan hay chủ quan, mà chủ quan ấy do ai phải chỉ ra được? Quan trọng nhất làm sao để các Bộ, ngành địa phương hiểu rằng đây là công việc chung, việc xây dựng đất nước. Cái quan trọng nhất để đánh giá được giá trị của Tổ công tác là khi xuống kiểm tra phải hỗ trợ, xử lý được nhiều vấn đề. Khi kiểm tra phát hiện được vấn đề gì cần trao đổi với tất cả cơ quan liên quan xem có vướng mắc gì, gỡ thế nào. Đặc biệt khi có vấn đề xung đột ở các Bộ, ngành địa phương thì trực tiếp lãnh đạo Văn phòng Chính phủ sẽ trao đổi tìm hướng xử lý ngay.

Một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, nói không với tham nhũng, người dân và DN đang rất kỳ vọng vào điều đó và đã thấy sự chuyển động. Nhưng làm sao để chuyển động này nhanh dần đều mà không bị đuối sức ở cuối nhiệm kỳ, thưa Bộ trưởng?

- Đúng là hiện nay kỳ vọng của người dân, DN lớn hơn nhiều. Nhưng bộ máy Chính phủ mới được 8 tháng. Duy trì được độ bền vững như hiện tại là một quá trình. Để xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo là cả một quá trình chứ không phải nói làm một năm, hai năm mà hoàn thành được, vì thực tế luôn có sự vận động, phát triển không ngừng.

Dù vậy tập thể Chính phủ rất nỗ lực hết lòng vì dân phục vụ. Mới đây Thủ tướng yêu cầu các cơ quan bộ ngành, địa phương không đi chúc Tết. Tại các phiên họp Thủ tướng đều nhắc việc này. Trong tổ chức thực hiện không thể một chốc lát mà tạo ra nền tảng. Ý thức được điều này, ngay sau khi kiện toàn Chính phủ đã ban hành ngay quy chế làm việc.

Quy chế này kế thừa quy chế cũ nhưng cũng đổi mới. Đổi mới theo kiểu phân cấp mạnh mẽ. Theo đó, thẩm quyền cấp nào cấp đó chịu trách nhiệm. Như vậy đã phân định rõ trách nhiệm cá nhân từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ. Chẳng hạn, những việc thuộc thẩm quyền Chính phủ thì thực hiện theo luật. Nhưng trong trường hợp đặc biệt thì cho phép Thủ tướng giải quyết và báo cáo tại phiên họp Chính phủ gần nhất. Nếu văn bản của luật chưa xử lý kịp thì Chính phủ xây dựng ngay nghị quyết để xử lý việc cấp bách. Bởi nếu cứ đùn đẩy trách nhiệm, mọi việc cứ để trôi đi thì không ổn.

Giờ mới là đầu nhiệm kỳ, thời gian chưa dài. Nhưng tôi tin với tinh thần quyết tâm của Thủ tướng, của các thành viên Chính phủ, chắc chắn sẽ thực hiện cho được mục tiêu đề ra đó là: Xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, nói không với tham nhũng, vì dân phục vụ.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Có sức ép không? Nói thật là cực kỳ nhiều sức ép. Cơ quan báo chí vào cũng là một sức ép nhưng không bằng việc mình xuống kiểm tra. Làm sao để người được kiểm tra phải tâm phục khẩu phục. Sức ép rất lớn là mình làm sao phải đúng vị thế, đúng mực, có trách nhiệm với đơn vị được kiểm tra. Phải đánh giá cái này là chậm trễ do khách quan hay chủ quan, mà chủ quan ấy do ai phải chỉ ra được? Khi xuống kiểm tra phải hỗ trợ, xử lý được nhiều vấn đề. Đặc biệt khi có vấn đề xung đột ở các Bộ, ngành địa phương thì trực tiếp lãnh đạo Văn phòng Chính phủ sẽ trao đổi tìm hướng xử lý ngay- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Xuân Dũng nói về công việc Tổ công tác của Thủ tướng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động xử lý những điểm nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO