Chống tham nhũng: Cuộc chiến cam go

Nguyên Khánh 13/12/2015 09:10

Tuần qua, Liên hợp quốc tổ chức chiến dịch tuyên truyền phòng chống tham nhũng (PCTN) trên phạm vi toàn cầu nhân Ngày quốc tế PCTN 9/12. Cũng trong tuần này, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã ký và ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Động thái này chứng tỏ thái độ nhất quán của Việt Nam trong công cuộc chống giặc nội xâm - tham nhũng.

Tranh minh họa: Dũng Choai.

Mới bắt được “chuột nhỏ”

Tại diễn đàn QH, báo cáo về thực trạng tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, năm nay, ngành Thanh tra đã phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 117,5 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra hình sự 11 vụ, 34 đối tượng.

Tuy nhiên, dư luận vẫn cho rằng qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH cho thấy đa số các vụ tham nhũng bị phát hiện đều mới chỉ bắt được “chuột nhỏ”, cỡ cấp làng bản, thôn xóm, xã, huyện. Trong đó, phần lớn tham nhũng được phát hiện qua báo chí, một phần từ nguồn tin mà dân tố giác. Chuyện mới đây, tại báo cáo về công tác PCTN của Hà Nội cũng chỉ ra: Qua kiểm tra nội bộ không phát hiện được người có hành vi tham nhũng, điều đó cũng khiến dư luận băn khoăn.

Phân tích sâu về kết quả PCTN trong suốt thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng của QH Lê Như Tiến cho rằng, có một nghịch lý là cơ quan PCTN của ta tầng tầng lớp lớp, từ Trung ương tới địa phương nhưng phần lớn tham nhũng là do người dân và báo chí phát hiện. PCTN mới chỉ bắt được “sâu bé”, “chuột nhắt”.

Những vụ tham nhũng lớn, cũng mới xử đến lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty. Theo ông Tiến, tội phạm tham nhũng chưa được vạch mặt chỉ tên và trừng trị nghiêm khắc đã dẫn đến “nợ xấu lòng tin và tồn đọng trách nhiệm” với nhân dân. Nhiều vụ tham nhũng dân cung cấp thông tin đã không được cơ quan chức năng xử lý; đôi khi những người đấu tranh lại trở thành nạn nhân của kẻ tham nhũng. Vì thế có thể dẫn tới việc người dân dần thờ ơ trước tham nhũng.

Vẫn theo ông Tiến, có nhiều nguyên nhân. Do người dân phát hiện tham nhũng, cung cấp thông tin cho các cơ quan có trách nhiệm nhưng không được xử lý cũng không phản hồi, thay vào đó là là sự im lặng. Thứ hai, người đấu tranh PCTN đôi khi lại là nạn nhân của kẻ tham nhũng, bởi kẻ tham nhũng vốn sẵn tiền và quyền lực không từ một thủ đoạn nào, kể cả dùng xã hội đen để dằn mặt, chủ động gây ra những vụ tai nạn giao thông để trả thù, ngụy tạo chứng cứ, tố cáo ngược người chống tham nhũng...

TS Nguyễn Văn Thắng- Viện trưởng Viện quản lý Châu Á - Thái Bình Dương, ĐH Kinh tế Quốc dân là một trong những người tham gia thực hiện dự án nghiên cứu “Quản trị địa phương, tham nhũng và chất lượng dịch vụ công” cho biết, ở đâu cán bộ còn cơ hội làm và lý giải theo ý mình (thiếu minh bạch), không chỉ rõ trách nhiệm và chỉ dựa vào quy trình nội bộ (thiếu sự tham gia) thì tham nhũng còn cao. Qua các khảo sát đều có chung một điểm, người dân vẫn phải “bôi trơn” để giúp chạy công việc. Như vậy, nguy cơ ý thức chống tham nhũng của người dân giảm, cùng với việc “thỏa hiệp với tham nhũng” là điều rất cần phải chú ý.

“Phải xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, với nguyên tắc: Tích cực, khẩn trương; làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử”- Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về phòng, chống tham nhũng.

Tham nhũng đang trốn ở đâu?

Tại buổi tiếp xúc cử tri Q1 TP HCM diễn ra tuần qua, sau khi nghe ý kiến bức xúc của cử tri xung quanh vấn đề tham nhũng và PCTN, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, dù Nhà nước đã kiện toàn bộ máy, thực hiện nhiều giải pháp, nhưng kết quả chưa đạt và tham nhũng “còn hết sức nghiêm trọng”.

“Một trong những điều buồn nhất là nhìn vào bảng thống kê xem người ta xếp Việt Nam đứng thứ mấy trong bản đồ tham nhũng thế giới. Buồn lắm, xấu hổ lắm! Tại sao nước mình anh hùng, oanh liệt trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm hàng ngàn năm nay, mà tệ tham nhũng thì đứng trên 100? Bê bối quá, không chấp nhận được!”

Cũng trong tuần qua, tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP HCM khóa VIII, ĐB Trần Văn Thiện đã bày tỏ quan điểm của mình về công cuộc chống tham nhũng của các cơ quan chức năng. Theo ông Thiện, không riêng cử tri TP.HCM mà người dân cả nước ai cũng quan tâm đến tham nhũng. Thế nhưng, hiện nay tệ nạn tham nhũng ngày càng phát triển tinh vi và trầm trọng, đó là quốc nạn cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố nói chung và đất nước nói riêng.

Ông dẫn lời của Chủ tịch Trương Tấn Sang rằng: “Tham nhũng ở nước ta đang rất nghiêm trọng. Đi đâu ai cũng kêu, ai cũng nói”. Thế nhưng, “trong báo cáo của UBND TP HCM về tình hình kinh tế-xã hội năm 2015, khi nói về vấn đề chống tham nhũng rất ngắn và cho biết năm 2015 TP đã tiến hành thanh tra tại 341 đơn vị, kết quả chỉ phát hiện có 30 đơn vi có sai phạm với 85 tỷ đồng. Đây là một kết quả quá khiêm tốn. Nếu đúng tham nhũng chỉ có vậy thì đúng là phấn khởi, ông Thiện bình luận. Vị đại biểu này đã đặt câu hỏi: Tham nhũng không có hay đang trốn ở đâu mà không thấy? Phải chăng vì vậy mà tôi vẫn nghe người dân nói câu: chống tham nhũng, chống ai, ai chống”.

Không đùn đẩy, bao che tội tham nhũng

Trước thực tế ấy, Đảng ta đã có nhiều hành động quyết liệt trong công cuộc nói không với tham nhũng. Cụ thể, phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: Sẽ quyết liệt xử 8 vụ đại án tham nhũng trước thềm Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Cuối tuần qua, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 50 về PCTN.Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu: “Phải xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, với nguyên tắc: Tích cực, khẩn trương; làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử”.

Để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, Bộ Chính trị yêu cầu, người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác PCTN; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Kết quả công tác PCTN là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.

Cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng.

Bộ Chính trị chỉ đạo các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng sát với thực tiễn của nước ta và phù hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các hành vi tham nhũng phải được quy định thống nhất trong Bộ luật Hình sự, Luật PCTN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán theo hướng xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cơ quan trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng; các trường hợp có dấu hiệu tội phạm qua thanh tra, kiểm toán phải chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra; quy định cụ thể trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Hoàn thiện pháp luật về giám định tư pháp nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định tư pháp phục vụ việc giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Hy vọng với quyết tâm cao độ, sự kiên quyết trong tổ chức thực hiện, tệ tham nhũng sẽ dần được đẩy lùi.

Mở 3 đường dây nóng nhận phản ánh tham nhũng,
tặng quà Tết trái quy định

Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết cơ quan này vừa chính thức mở 3 số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng, tặng quà Tết trái quy định. Theo đó 3 số điện thoại đường dây nóng là: 08.048228; 0902.386.9990125.698.6688.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ sẽ có văn bản gửi các bộ ngành, cơ quan ngang bộ, địa phương trên cả nước để nhắc nhở thực hiện đúng các quy định hiện hành về tặng quà Tết. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng sẽ phải theo dõi, nắm bắt tình hình và có báo cáo về những trường hợp sử dụng tài sản không đúng quy định, lãng phí và tặng quà, nhận quà trái quy định trong dịp Tết Nguyên đán 2016, báo cáo về Cục Chống tham nhũng. Ông Đạt cũng cho biết, số điện thoại cá nhân của mình (0902.386.999) sẽ luôn mở 24/24 giờ để tiếp nhận mọi phản ánh của người dân về các hành vi tham nhũng và tặng quà Tết trái quy định.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống tham nhũng: Cuộc chiến cam go

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO