Cửa rừng chưa kín

Nguyễn Tuấn Anh 22/10/2016 11:26

Sau những chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đóng cửa rừng, những cánh rừng ở Tây Nguyên đã được cơ quan chức năng tăng cường biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thế nhưng, những nỗ lực của các tỉnh Tây Nguyên xem ra vẫn chưa đủ “mạnh” để ngăn chặn nạn khai thác lâm sản trái phép ngày càng tinh vi hơn.

Xe chở gỗ lậu bị người dân huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) bắt giữ và chờ lực lượng chức năng tới giải quyết.

Trước đây hầu như nạn khai thác lâm sản trái phép thường diễn ra vào mùa khô. Bởi lúc đó mọi ngả đường dẫn vào các khu rừng không còn bị lầy lội, lâm tặc có thể chạy băng rừng thoát khỏi sự truy bắt của lực lượng chức năng. Thế nhưng giờ đây lâm tặc hoạt động bất chấp mùa mưa hay mùa khô.

Mới đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lợi dụng đường sá đi lại khó khăn, đầu nậu gỗ lậu đã thuê người vào các khu rừng khai thác, vận chuyển lâm sản với số lượng lớn.

Cụ thể, vào khoảng 4h sáng ngày 11/10, tại xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) lực lượng chức năng đã bắt quả tang 7 đối tượng gồm cùng trú ở huyện Krông Bông, đang bốc xếp và vận chuyển gỗ lậu trên 2 xe ô tô mang BKS 47C – 068.32 và xe ô tô mang BKS 77C – 109.61.

Bước đầu, các đối tượng khai nhận được thuê vận chuyển gỗ ra khỏi rừng để đi tiêu thụ. Qua kiểm tra trên 2 xe có 214 phách gỗ được xẻ thành hộp, với khối lượng 55m3 gỗ các loại từ nhóm II đến nhóm IV gồm: Pơ Mu, Kiền Kiền, Gáo Vàng, Dổi…

Trước đó, vào chiều tối 30/9, Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Đắk Lắk) phối hợp với Công an huyện M’Đrắk bất ngờ ập vào một bãi gỗ thuộc Tiểu khu 718 do Ban quản lý rừng phòng hộ núi Vọng Phu quản lý và bắt giữ 4 đối tượng đang chuẩn bị tổ chức vận chuyển 65 lóng gỗ, với hơn 35m3 gỗ các loại từ nhóm III đến nhóm IV đi tiêu thụ. Các đối tượng cũng khai nhận, số gỗ trên do một người đàn ông (chưa rõ danh tính) thuê vận chuyển ra khỏi rừng.

Liên tiếp những vụ bắt gỗ lậu và phá rừng diễn ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vừa qua khiến dư luận băn khoăn về công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng giữ rừng, liệu họ đã làm hết trách nhiệm hay một số bộ phận đang bắt tay với lâm tặc để triệt hạ rừng?

Vào khoảng 23h30 ngày 12/10, người dân ở xã Ea Sol (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) phát hiện một xe tải ngang nhiên chở gỗ lậu đi qua địa bàn đã tổ chức chặn lại. Sau đó người dân đã gọi nhiều cuộc điện thoại cho ông Trương Văn Hồng - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ea H’leo, nhưng lực lượng kiểm lâm vẫn không đến để xử lí.

Ông N.V.H cho biết: “Sau khi chặn được chiếc xe tải nói trên, chúng tôi đã điện thoại báo cho lực lượng kiểm lâm của huyện để xử lí. Vị hạt trưởng hạt kiểm lâm hứa sẽ tới nhưng chúng tôi đợi mãi chẳng thấy cán bộ nào...”.

Một số người dân bức xúc nói, trước đây mỗi lần tuyên truyền họ đều nói khi người dân nắm được thông tin, hay sự việc phá rừng, chở gỗ lậu thì cần báo ngay với lực lượng kiểm lâm và cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết.

Vậy mà giờ chúng tôi bắt gỗ lậu giúp họ gọi điện mãi không thấy ai tới. Được biết sau khi liên lạc với lực lượng kiểm lâm không được, người dân đã gọi điện báo cho Công an huyện Ea H’leo đến xử lí vụ việc.

Khi lực lượng công an kiểm tra, tài xế xe tải mang BKS: 77K-2158 đã bỏ trốn. Trên xe tải chở theo 44 lóng gỗ cà chít (thuộc nhóm III), có khối lượng 4,3m3. Số gỗ trên được khai thác từ khu vực nào vẫn chưa có điều tra xác minh được. Kiểm tra cabin lực lượng công an còn phát hiện thêm biển số 57H- 7287 và 49H-2202 (nghi là giả).

Sau khi nghe phản ánh của người dân và báo chí, chiều ngày 13/10, ông Trương Văn Hồng - Hạt trưởng hạt kiểm lâm Ea H’leo mới phân trần vào thời điểm đó ông không có mặt tại địa bàn, ông đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn xuống hiện trường để nắm thông tin, thế nhưng không hiểu vì lí do gì mà kiểm lâm địa bàn không xuống hiện trường...

Theo số liệu của Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp), 8 tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện và xử lý 3.858 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Trong khi đó, tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cấp chính quyền rút kinh nghiệm sâu sắc về trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Tây Nguyên. Làm rõ trách nhiệm từng cán bộ phụ trách trên mỗi địa bàn, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Thủ tướng cũng đề nghị nghiêm khắc xử lý các chủ rừng và các cá nhân có hành vi tiêu cực, móc nối để cho các đối tượng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép… Tuy nhiên, sau những chỉ đạo của Thủ tướng thì nhiều cánh rừng ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng vẫn còn nhiều “khe hở”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cửa rừng chưa kín

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO