'Hạt nhân' của thôn làng

Phạm Hưởng 16/07/2018 14:00

Người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Gia Lai những năm qua đóng một vai trò quan trọng. Họ có mặt trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, địa bàn nào có khó khăn gian khổ, phức tạp hay ổn định phát triển họ luôn là linh hồn, tấm gương sáng phản chiếu để mọi người tín nhiệm, noi theo.

'Hạt nhân' của thôn làng

Người có uy tín huyện Mang Yang tại Hội nghị biểu dương người tiêu biểu có uy tín tại Công an tỉnh Gia Lai.

Trong số những người tiêu biểu có uy tín đó, chúng tôi tìm về xã Hra, huyện Mang Yang gặp ông Y Thành để nghe kể về kinh nghiệm vận động đồng bào có đạo sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực chăm lo phát triển sản xuất. Xã Hra có 12 thôn, làng với 8.484 nhân khẩu, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 70%, điều kiện kinh tế- xã hội gặp nhiều khó khăn.

Toàn xã có 4 tôn giáo chính Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Tin lành Cơ Đốc. Tuy nhiên thời gian qua, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, một số phần tử đội lốt cái gọi là “tà đạo Hà Mòn” để kích động, lôi kéo người đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 làng Krét Krót, Kdung 1 và Bơ Chăk tham gia nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Là người uy tín theo đạo Công giáo nên ông Thành hiểu bà con giáo dân cần gì và phải làm gì. Cái cách mà một số phần tử đội lốt cái gọi là “tà đạo Hà Mòn” rêu rao tuyên truyền chỉ là lợi dụng niềm tin tôn giáo đề gây mâu thuẫn nội bộ về mặt tâm linh, giáo lý giữa những người theo tôn giáo thuần túy với tà đạo.

Để vạch trần âm mưu, thủ đoạn của chúng, ông đã lên một “kế hoạch” dài hơi để cho bà con giáo dân, nhân dân hiểu được bản chất mị dân, lừa bịp của kẻ xấu. Lấy giáo lý, giáo luật của tôn giáo thuần túy đả phá lại cái gọi là tà đạo Hà Mòn, đồng thời bảo vệ quan điểm đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Cách thức mà ông Thành triển khai là lồng ghép vào các buổi gặp mặt, sinh hoạt để tuyên tuyền đến giáo dân. Ngoài ra, bằng uy tín của mình ông đã chủ động phối hợp với các tôn giáo khác trên địa bàn vận động tín đồ, giáo dân cảnh giác, tập trung chăm lo phát triển sản xuất, tham gia công tác xã hội, từ thiện nhân đạo. Sự tích cực của ông Y Thành cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh Gia Lai, “tà đạo Hà Mòn” cơ bản được xóa bỏ.

Còn ở làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đăk Đoa, người ta hay nói nhiều đến già làng Wut (60 tuổi), người dân tộc Bahnar, đồng thời cũng là Trưởng ban Công tác Mặt trận. Ông Wut được người dân tín nhiệm bầu giữ “2 vai” nên luôn dành nhiều thời gian và công sức lo cho công việc của cộng đồng, một công việc mà mọi người vẫn hay nói vui là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Bằng sự nhiệt huyết, kinh nghiệm và tri thức góp nhặt được ông đã giúp người dân làng Dơk Rơng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, sản lượng góp phần tăng thu nhập của người dân từ 20 triệu đồng năm 2010 lên 30 triệu năm 2016. Ngoài nguồn thu nhập chính từ cà phê, tiêu, bời lời… ông còn giúp người dân kiếm thêm thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm, vừa bảo tồn và lưu giữ ngành nghề truyền thống của dân tộc, vừa tạo việc làm, góp phần đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo tại làng.

Với sự nhập cuộc tích cực của những người có uy tín cùng sự quan tâm đầu tư của cấp ủy, chính quyền tỉnh Gia Lai nhiều thôn, làng vùng sâu, xã, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có những khởi sắc. Những người như ông Y Thành, già Wut hẳn không thiếu, họ vẫn ngày đêm cống hiến sức lực, trí tuệ để đẩy lùi đói nghèo, xóa bỏ dần tập tục lạc hậu, khiềm khích trong cộng đồng dân cư, lưu giữ phát huy giá trị bản sắc văn hóa góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Hạt nhân' của thôn làng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO