Đổi thay ở vùng đồng bào Khmer

Anh Tuấn 22/06/2017 08:45

Trong năm qua, Sóc Trăng đã triển khai hiệu quả các nguồn hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó đời sống đồng bào dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến đáng kể, góp phần giảm nhanh hộ nghèo. Cùng với đó, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã mang lại những diện mạo mới cho nhiều địa phương, nhất là vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Đường giao thông nông thôn sạch đẹp - kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

1. Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào DTTS nhất đồng bằng sông Cửu Long, với gần 470 nghìn người, trong đó đồng bào Khmer có hơn 400 nghìn người, chiếm 30,71% dân số toàn tỉnh. Trước tiên, nói về đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển, thông qua các chương trình, dự án trên 95 tỷ đồng đang được triển khai đồng bộ, có gần 120.000 hộ được hưởng lợi từ chủ trương này.

Ngoài ra, có 2.125 hộ Khmer được kéo điện sinh hoạt; gần 6.000 hộ Khmer được hỗ trợ nước sinh hoạt, thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí hơn 13 tỷ đồng...

Cùng với những nguồn lực đầu tư của Nhà nước, bà con cũng luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực xây dựng xóm, ấp ngày càng phát triển, xanh, sạch, đẹp. Nhiều bà con Khmer đã nỗ lực vươn lên trong sản xuất, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm từ đó thoát nghèo và nhiều gia đình vươn lên khá giả.

Tại các phum sóc, hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đem lại thu nhập cao như: trồng trọt kết hợp chăn nuôi, mô hình tôm - lúa, cá - lúa, nuôi bò sữa, nuôi gà, trồng nấm rơm… giúp hàng chục nghìn hộ Khmer vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh nhiều hộ đã không ngần ngại hiến đất, góp ngày công cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng đường, trường, trạm ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Về xã Kế Thành (huyện Kế Sách) nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay đáng kể của một xã nông thôn mới. Các con lộ được bêtông hóa sạch đẹp, hai bên đường rợp bóng cây xanh, nhiều ngôi nhà được xây khang trang.

Dân số toàn xã có 2.725 hộ, trong đó dân tộc Khmer là 1.419 hộ, gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa chiếm 95% và 100% gia đình đăng ký “gia đình văn hóa nông thôn mới”. Nhiều ấp xóm treo bóng đèn điện trước ngõ; làm hàng rào cây xanh, trồng hoa hai bên đường, tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp.

Hiện xã có 2 sân thể thao lớn để thanh thiếu niên và nhân dân rèn luyện sức khỏe, tránh xa những tệ nạn xã hội. Nhiều ấp, xóm còn có 2 câu lạc bộ đờn ca tài tử, 1 đội văn nghệ quần chúng góp phần bảo lưu, gìn giữ những nét đẹp truyền thống của cha ông.

Đến nay, hầu hết các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong đồng bào Khmer ở xã được giải quyết về nhà ở. Điện lưới quốc gia phục vụ thắp sáng, đường bêtông nối liền về trung tâm xã được đầu tư xây dựng, nhiều dự án cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân....Nhờ đó, số hộ nghèo ngày càng giảm, trình độ dân trí từng bước được nâng lên, trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được đi học.

2. Hay như tại thị xã Vĩnh Châu, sau gần 5 năm thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng lên, đời sống người dân nông thôn được cải thiện rõ nét, tình làng nghĩa xóm càng thêm bền chặt, nét đẹp văn hóa được bảo tồn và phát huy.

Bằng nhiều nguồn lực, nhất là sự đồng thuận, ủng hộ cả về vật chất và ngày công thị xã Vĩnh Châu đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng trường học, trạm y tế, chợ, đường nông thôn, làm thủy lợi và kéo điện cho hơn 4.000 hộ dân…

Trước, xã Vĩnh Tân, nơi có 63,7% là người Khmer, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, đời sống người dân gặp không ít khó khăn. Nhưng sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Tân đã có nhiều khởi sắc.

Thực hiện cuộc vận động, Vĩnh Tân được đầu tư hơn 13 tỷ đồng xây dựng hàng chục công trình, đường giao thông nông thôn kết hợp với thủy lợi tạo nguồn, chủ yếu là giữ ngọt ngăn mặn, xổ phèn, xây dựng trạm y tế, trường học, trạm cấp nước, điện sinh hoạt...Chính vì vậy, trong những năm gần đây, đời sống đồng bào Khmer không ngừng nâng lên.

Hiện, Vĩnh Tân có hơn 60% số hộ có nhà tường gạch, mái ngói khang trang, hơn 95% số hộ có điện quốc gia sử dụng, hơn 85% số hộ được công nhận gia đình văn hóa.

Theo lời ông Sơn Huỳnh Na, người dân ở ấp Tham Chu, xã Vĩnh Tân “Xây dựng nông thôn mới chính là xây dựng đời sống cho người dân ngày càng phát triển, do đó tôi đã hiến đất và cùng vận động bà con ở đây hiến đất để làm đường giao thông cho việc đi lại dễ dàng, con cháu học hành cũng thuận tiện”. Và những gương điển hình như ông Na cứ tiếp tục lan tỏa.

Theo ông Lý Bình Cang, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, mục tiêu của Sóc Trăng là đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao mức sống đồng bào dân tộc thiểu số, đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt trên 30%; huy động học sinh dân tộc thiểu số đến lớp đạt trên 35% so với học sinh toàn tỉnh; hộ Khmer có điện sử dụng đạt 99%; hộ Khmer sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97%...”.

3.Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng khởi sắc như hôm nay có phần đóng góp rất lớn của người có uy tín trong công tác dân vận. Họ luôn gương mẫu đi đầu thực hiện các phong trào ở địa phương, rồi tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, quyết tâm đẩy lùi đói nghèo, như: ông Dương Phol ở phường 9, thành phố Sóc Trăng; ông Từ Đức Thành ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành; ông Cao Đươl ở xã Trường Khánh, huyện Long Phú, ông Lâm Chi, ở khóm Cà Săng, phường 2, TX. Vĩnh Châu… Họ luôn xứng đáng là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đại đoàn kết, là tấm gương sáng để mọi người noi theo.

Ông Dương Sà Kha, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng cho biết: Người có uy tín trước hết bằng uy tín, sự am hiểu thực tiễn, phong tục tập quán tại địa phương đã tuyên truyền đến từng hộ gia đình thông qua các mô hình phát triển kinh tế góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc cho đồng bào DTTS tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi thay ở vùng đồng bào Khmer

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO