Gắn kết di sản với bảo tàng: Lỗ hổng nguồn nhân lực

Hoàng Minh (ghi) 10/12/2016 08:45

Chia sẻ tại khóa tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản do Bộ VHTT&DL tổ chức, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng để gắn kết được di sản với bảo tàng trước hết cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Việc gắn kết di sản với bảo tàng đang gặp khó khăn
về nguồn nhân lực (ảnh minh họa).

Thiếu sự gắn kết

Nhìn tổng thể ta thấy, chất lượng đào tạo cán bộ, cơ cấu nguồn nhân lực theo từng lĩnh vực hoạt động chuyên sâu của bảo tàng, phân bố nguồn lực theo vùng miền và địa phương chưa phù hợp (miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc còn quá mỏng) chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động và phát triển của mạng lưới bảo tàng cả nước. Tôi cho rằng tình trạng chung là khả năng làm việc theo nhóm, phát huy sức mạnh tổng hợp của từng bảo tàng cũng như trong toàn mạng lưới bảo tàng chưa đồng đều, nếu không nói là còn yếu kém. Vì thế chúng ta chưa có một hoạt động nào thực sự nổi bật tạo ra hiệu ứng xã hội, cuốn hút du khách, đặc biệt là triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng (chương trình nghiên cứu khoa học của Bộ VHTT&DL ngày càng tăng nhưng vẫn còn thiếu vắng những đề tài khoa học mang tính thực tiễn được đăng ký hàng năm).

Chúng ta hiện có 4 bảo tàng lớn: Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật và Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Tại 4 bảo tàng này có các phương tiện kỹ thuật bảo quản hiện vật theo chất liệu: hiện vật khảo cổ học – chất liệu đồng và gốm sứ (Bảo tàng Lịch sử), các loại vũ khí nóng – kim loại (Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam), tài liệu giấy, ảnh, vải (Bảo tàng Hồ Chí Minh), tác phẩm nghệ thuật hội họa – sơn dầu, sơn mài, lụa (Bảo tàng Mỹ thuật) nhưng đều thiếu những chuyên gia đầu ngành có định hướng lan tỏa trong cả nước về lĩnh vực bảo quản hiện vật.

Tình trạng đó đã kéo dài khá lâu, chứng tỏ khả năng phối hợp, liên kết giữa chúng ta chưa đủ mạnh và chặt chẽ mà nguyên nhân chính là chưa có những chuyên gia thực thụ theo mọi khía cạnh trong lĩnh vực bảo quản hiện vật.

Hiện tại, cán bộ chuyên môn của các bảo tàng thường được đào tạo từ hai nguồn chính. Chủ yếu là các Cử nhân được đào tạo Khoa Di sản văn hóa của 2 trường ĐH Văn hóa ở Hà Nội và TP.HCM. Phần còn lại thường tốt nghiệp ở các trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng như các ngành khoa học khác có liên quan tới bảo tàng. Sinh viên các trường ĐH Văn hóa tuy đã có bằng Cử nhân Văn hóa nhưng kiến thức cơ bản về lịch sử, khảo cổ, văn hóa nghệ thuật… còn rất mỏng và sinh viên từ các trường đại học khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn lại thiếu vắng kiến thức về bảo tàng học cũng như kỹ năng nghiệp vụ bảo tàng.

Thực tế trên đặt ra nhiệm vụ phải đào tạo lại, đào tạo bổ sung theo các chứng chỉ hoặc đào tạo tại chỗ nhằm khắc phục những khoảng trống kiến thức cho cán bộ và viên chức. Tôi có cảm giác là, Giám đốc các bảo tàng chưa quan tâm đầy đủ tới vấn đề đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo một dự báo, chương trình đào tạo ngắn hạn, trung hạn và cả dài hạn có bài bản và khoa học.

Thừa lượng thiếu chất

Theo bà Lê Hồng Thu- Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ: “Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tính đến tháng 11/2014 có 253 viên chức, người lao động: trong đó có 103 nam, 150 nữ. Trình độ chuyên môn: 3 Tiến sĩ và 7 viên chức đang học Nghiên cứu sinh Tiến sĩ, 41 Thạc sĩ và 9 viên chức đang học Cao học, 145 Cử nhân, 8 Cao đẳng, 11 cán bộ Trung cấp, 45 người tốt nghiệp Trung học phổ thông đang công tác tại 15 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và 1 Ban Xây dựng nội dung và hình thức trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia”.

Nhìn vào con số thống kê ta thấy, đây là đội ngũ cán bộ khoa học về căn bản được đào tạo bài bản. Đó là nguồn nhân lực quan trọng cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với nội dung Dự án Đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với “tổng diện tích khu đất: 10 ha trong khuôn viên 28 ha của Công viên Hữu nghị bao gồm: diện tích xây dựng 30.000 m2; mật độ xây dựng 27,83%”. Ta thấy đội ngũ cán bộ, viên chức hiện có ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia là quá mỏng, ít về số lượng, chưa mạnh về chất lượng và chắc chắn không thể đáp ứng yêu cầu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong tương lai.

Nhân đây, tôi xin được nhấn mạnh một số yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn cũng như uy tín trong nước và quốc tế của một bảo tàng là: số lượng hiện vật và các bộ sưu tập hiện vật có trong kho bảo quản và phần trưng bày của bảo tàng, chiều sâu của các ý tưởng và thông điệp văn hóa được giới thiệu tới người xem qua cách thức tổ hợp trưng bày cũng như các phương tiện kỹ thuật – mỹ thuật tiên tiến và cuối cùng là danh tiếng, uy tín cá nhân của các nhà khoa học, của Ban Giám đốc bảo tang và tầm ảnh hưởng của họ trong lĩnh vực khoa học cụ thể. Nên hiểu là, không phải tất cả những ai đã qua đào tạo, có được học hàm, học vị đều đáp ứng được công việc của bảo tàng.

Nhân lực chất lượng không thể hiện ở bằng cấp, chứng chỉ học vấn nghề nghiệp mà chủ yếu là chất lượng văn hóa, trình độ tay nghề, kỹ năng lao động để sáng tạo ra các sản phẩm bảo tàng thực sự có chất lượng và sức hấp dẫn. Đáng tiếc là các bảo tàng Việt Nam chưa có những tư tưởng sáng tạo và dẫn dắt cả một tập thể đi theo ủng hộ để biến các ý tưởng văn hóa thành hiện thực. Bảo tàng học quốc tế người ta gọi đó là những “quản thủ” có chất lượng cao.

Để các bảo tàng thực sự trở thành “trường học ngoài giảng đường”, “một trung tâm học tập suốt đời” của mọi người, chúng ta nhất thiết phải không ngừng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho bảo tàng trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gắn kết di sản với bảo tàng: Lỗ hổng nguồn nhân lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO