Sinh kế từ rừng

Đơn Thương 13/03/2017 08:35

Ngày 11/3, phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, gần 1 năm trước cũng tại Đắc Lắc, ông đã tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên. “Hôm nay tôi tái khẳng định quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ bảo vệ rừng là bảo vệ phần cốt lõi của an ninh, không chỉ an ninh của vùng đất được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, mà là an ninh của toàn Nam Trung bộ, Tây Nam bộ và cả nước”- Thủ tướng nhấn mạnh. Như vậy mới thấy rừng quan trọng thế nào và

Rừng Tây Nguyên đang cạn kiệt.

Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 54.000 km2, dân số hơn 5,6 triệu người và được xác định là 1 trong 6 vùng kinh tế lớn của cả nước. Toàn vùng có 2 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp (gồm 850 ngàn hécta trồng cây hằng năm và 1,15 triệu hécta trồng cây lâu năm) và 3,35 triệu hécta đất lâm nghiệp. Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên, về rừng, Thủ tướng lưu ý phải tập trung làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, không chỉ đối với Tây Nguyên mà cả trên phạm vi cả nước. Kiên quyết không để nạn khai thác bừa bãi tài nguyên rừng tiếp diễn, chú trọng công tác trồng rừng, nhất là trồng thay thế. Người đứng đầu các cấp ở địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên và không hoàn thành nhiệm vụ phát triển rừng.

Trong những năm qua, việc bảo vệ rừng được đẩy mạnh, tuy nhiên nhiều cánh rừng trên phạm vi cả nước đã bị tàn phá. Sau khi rừng Tây Bắc bị “vắt sức” đến độ cạn kiệt thì Tây Nguyên trở thành một trong những mảnh đất màu mỡ cho những kẻ đang tâm phá rừng vì lợi ích riêng. Tây Nguyên xanh, Tây Nguyên mỡ màng với nhữngcánh rừng đa tầng không khác gì “thỏi nam châm” thu hút những kẻ phá rừng. Vì thế, rừng Tây Nguyên đã đứng trước nguy cơ cạn kiệt, nếu không có những biện pháp bảo vệ cứng rắn, quyết liệt. Có lẽ, những kẻ phá rừng- thường gọi là lâm tặc, không nhớ câu các cụ dặn rằng “ăn của rừng phải rưng rưng nước mắt”! Tới nay, theo cơ quan chức năng, rừng Tây Nguyên đang thu hẹp và có thể mất rừng thật sự với những con số cảnh báo được đưa ra: Tỷ lệ rừng gỗ loại giàu ở Tây Nguyên chỉ còn 10,4%; loại trung bình là 22,7%, còn lại gần 67% là loại nghèo kiệt.

Cùng với các thống kê này, một con số báo động cũng được đưa ra như: Các loại gỗ quý có giá trị cao còn rất hiếm, chỉ có ở các vùng xa xôi hiểm trở, các loại thảo dược quý hiếm bị khai thác cạn kiệt, số lượng động vật rừng cũng giảm mạnh… Trong hơn 30 năm qua, Tây Nguyên mất hơn 1,5 triệu ha rừng; chiếm khoảng 41% diện tích rừng. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã rất kiên quyết với nạn chặt phá, khai thác rừng một cách bữa bãi; đề ra chỉ mục tiêu đến 2020 phải nâng tỷ lệ che phủ rừng khu vực Tây Nguyên lên 59%. Thủ tướng đề nghị các địa phương phấn đấu quyết liệt, mạnh mẽ và với các giải pháp khả thi, bền vững.

Công cuộc bảo vệ rừng là hết sức gian nan vì trước hết lợi nhuận từ rừng là rất lớn. Không chỉ những thân gỗ to bị đốn hạ, mà cả những động vật hoang dã cũng bị lùng sục săn bắt. Cùng đó, thói quen đốt rừng làm nương rẫy của một bộ phận bà con chưa chấm dứt, nhất là với những nhóm di dân tự do. Họ đến nơi mới, không có đất dựng nhà, không có đất sản xuất nên lập tức nghĩ đến việc phá rừng, coi đó gần như là kế sinh nhai duy nhất. Giữ rừng, trước hết phải trông dựa vào người dân địa phương nơi có rừng, cùng đó là vai trò của lực lượng kiểm lâm, của chính quyền địa phương. Vậy thì việc bảo đảm sinh kế cho người dân vùng rừng cần phải được hết sức chú ý.

Xưa, đồng bào chủ yếu sống bằng rừng với tập quán canh tác lạc hậu. Rừng còn, độ mùn còn, không có tiền để đầu tư phân bón, trình độ hiểu biết thấp nên họ phải tận dụng độ mùn, sự màu mỡ của các cánh rừng tự nhiên để làm sinh kế cho mình. Chính do những yếu tố này đã tạo cho họ một phản xạ là cứ nhằm những cánh ngọn núi, quả đồi nào còn cây, còn cối để “tiến vào”, phát nương làm rẫy phục vụ cho cái ăn trước mắt của mình. Rừng hết mùn, hết màu thì lại nhằm những cánh rừng khác mà tiến vào, đốt phá chặt tỉa.

Rừng không cho ai không cái gì và cũng không lấy không của ai cái gì! Bòn mãi rồi rừng cũng đến lúc hết. Và bài toán giữ rừng Tây Nguyên phải được đặt ra một cách quyết liệt, do đã có nhiều cánh rừng bị mất không biết đến bao giờ mới phục hồi được.

Cũng cần nghiêm túc nhìn nhận rằng, ngoài việc một bộ phận người dân chặt phá rừng làm sinh kế; hoặc là sự tàn sát rừng của lâm tặc thì hiện nay rừng Tây Nguyên cũng thêm phần cạn kiệt khi các nông lâm trường, thủy điện tiếp tục “tiến quân” vào sâu hơn.

Đơn cử như tại Gia Lai, từ khi Dự án thủy điện An Khê - Ka Nak đóng cửa đập từ tháng 9-2010, đến nay đã có khoảng 140ha đất sản xuất phải hoán đổi cùng với đó là hơn 90 hộ dân làng Groi phải có đất sản xuất. Thế nhưng đến nay, theo bà con cũng như lãnh đạo huyện thì chưa thể tìm ra giải pháp gì hữu hiệu!

Nhà nông trông vào đất, với Tây Nguyên, đất là rừng, nhưng hiện nay đất để sản xuất của người dân đều bị các nông, lâm trường, những nhóm người giàu có “thâu tóm”.

Rừng mất, đã dẫn tới nguy cơ mất đa dạng sinh học, đe dọa trực tiếp đến biến đổi khí hậu không chỉ đối với Tây Nguyên. Nếu không chấn chỉnh, rừng Tây Nguyên sẽ kiệt quệ, hậu quả khôn lường là điều tất yếu sẽ xảy ra. Giữ được rừng và tạo sinh kế từ rừng với đồng bào Tây Nguyên vì thế cần xem như một giải pháp song trùng, luôn song hành với nhau.

Hy vọng với những nỗ lực bảo vệ rừng, trồng lại rừng thì việc tạo điều kiện để bà con nâng cao đời sống sẽ ngày một tốt hơn. Lúc đó, rừng của chúng ta mới được an toàn một cách bền vững.

Giữ rừng, trước hết phải trông dựa vào người dân địa phương nơi có rừng, cùng đó là vai trò của lực lượng kiểm lâm, của chính quyền địa phương. Vậy thì việc bảo đảm sinh kế cho người dân vùng rừng cần phải được hết sức chú ý. Rừng không cho ai không cái gì và cũng không lấy không của ai cái gì! Bòn mãi rồi rừng cũng đến lúc hết. Và bài toán giữ rừng Tây Nguyên phải được đặt ra một cách quyết liệt, do đã có nhiều cánh rừng bị mất không biết đến bao giờ mới phục hồi được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sinh kế từ rừng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO