Trách nhiệm công vụ

Lục Bình 21/12/2019 08:21

Mới đây, tại hội thảo khoa học “Nâng cao trách nhiệm công vụ, đẩy mạnh dân vận chính quyền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội trong điều kiện mới”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong năm 2019, Hà Nội đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu cốt lõi với 1.448 dịch vụ công mức độ 3 và 4, trong đó, số dịch vụ công mức độ 4 đạt 17,3%. Hơn 3 triệu hồ sơ công dân đã hoạt động trên môi trường này, qua đó rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 30 phút xuống còn 3 đến 4 phút, thậm chí 1 phút. Tuy nhiên trong vòng hơn 3 năm trở lại đây, Hà Nội cũng xử lý kỷ luật hơn 2.000 công chức, viên chức; trong đó có 43 người phải loại ra khỏi bộ máy.

Đề cập đến vấn đề trách nhiệm công vụ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính ở một số đơn vị chưa nghiêm. Vẫn còn một bộ phận cán bộ công chức, viên chức (CBCC) vi phạm, sách nhiễu, lạm quyền, cửa quyền, vô cảm trước những vấn đề bức thiết của đời sống dân sinh, gây bức xúc trong dư luận.

Phân tích kỹ hơn về vấn đề kỷ luật, kỷ cương hành chính với mục đích nâng cao chất lượng thực thi công việc và đạo đức công cụ của đội ngũ CBCC TP Hà Nội, Chủ tịch TP Hà Nội cho rằng, vẫn còn nhiều CBCC giải quyết công việc cho dân theo kiểu “ban ơn”, chưa thực sự đúng nghĩa là “công bộc” của dân, chưa đúng nghĩa là quan hệ giữa người phục vụ và người được phục vụ. Bên cạnh đó tình trạng mất đoàn kết nội bộ một số nơi vẫn còn xảy ra, hay việc bớt xén thời gian làm việc, đùn đẩy trách nhiệm, có biểu hiện cục bộ, kèn cựa địa vị, ganh tị, bè phái, lợi ích nhóm, thiếu sự phối hợp dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao.

Trong đó, có lẽ nổi cộm nhất vẫn là vấn đề văn hóa ứng xử của các công bộc của dân ở nơi công cộng dù Hà Nội đã ban hành bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Nhưng, đều đáng nói là những câu chuyện về buồn về CBCC và những nỗi bức xúc của dân khi tiếp xúc với CBCC không phải là câu chuyện riêng có của Thủ đô Hà Nội. Đơn cử như căn bệnh vô cảm. Câu chuyện không ít CBCC thờ ơ, thiếu thân thiện, dùng chiêu “đánh võng”, gây khó khăn, cản trở, cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc để vụ lợi, gợi ý vụ lợi, thấy việc cần phải làm nhưng không làm hoặc đặt ra những đòi hỏi trái khoáy... khiến người dân, doanh nghiệp bất bình vẫn cứ diễn ra hàng ngày. Hay chuyện cán bộ trả lời về các sự việc xảy ra thuộc lĩnh vực lãnh đạo, quản lý, kiểu: “Tôi chưa nắm được thông tin”, “cấp dưới chưa báo cáo”... Thậm chí không ít cán bộ thực hiện bài “né”, không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn, kể cả sự việc quan trọng nhân dân báo tin cần giải quyết là điểm trũng khiến người dân dần vơi bớt niềm tin vào CBCC.

Trước thực trạng đáng buồn này nhiều quy định mang tính bắt buộc để lấy lại hình ảnh đẹp của CBCC trong mắt người dân đã được ban hành. Như Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. Quyết định đã nêu rất rõ chuẩn mực ứng xử của CBCC đối với người dân khi giải quyết công việc. Đó là khi giao tiếp với người dân phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn quy trình xử lý công việc và giải quyết cặn kẽ đối với người dân. Trong đó có quy định “4 xin và 4 luôn”. Tuy nhiên trong thực tế vẫn xảy ra những hành vi ứng xử chưa đúng mực đã gây bức xúc trong dư luận.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến điểm trũng về văn hóa công vụ chưa mấy cải thiện? Ông Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng: Chúng ta đã ban hành nhiều văn bản, quy định, quy chế. Chúng ta cũng có những yêu cầu về văn hóa và thực thi văn hóa công vụ, yêu cầu về thực thi những giá trị của nền văn hóa, nhiều khi ở mức độ cao hơn là đạo đức trong công vụ. Nhưng rõ ràng ở một số nơi việc xử lý vi phạm vẫn còn nhẹ, còn xuề xòa. Chúng ta thấy có hiện tượng ở đâu đó còn có sự bao che, muốn giấu đi, muốn xử lý nội bộ. Như vậy chế tài xử lý chưa nghiêm, nếu vẫn xử lý kiểu kiểm điểm, rút kinh nghiệm chắc chắn sẽ không đủ sức răn đe và đó là lý do có nhiều bộ quy tắc được ban hành mà CBCC vẫn phớt lờ.

Sẽ không còn tình trạng xử kín, xử lý nội bộ và chỉ dừng lại ở rút kinh nghiệm, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, từ 2016 đến tháng 9/2019, các cơ quan của TP Hà Nội đã xử lý kỷ luật hơn 2.000 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó kỷ luật với hình thức buộc thôi việc, đưa ra khỏi bộ máy 43 người. Tuy nhiên, cần có chế tài đủ mạnh, xử lý thật nghiêm minh hơn nữa với tất cả các địa phương lấy đó làm gương cho CBCC biết sợ mà phục vụ dân tốt hơn.

Để CBCC không còn tình trạng vô cảm, không có hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, sách nhiễu nhân dân, nhiều ý kiến cho rằng trong thực thi công vụ trong thời gian tới cần hướng vào những giá trị cốt lõi của nền công vụ, đó là giá trị phục vụ nhân dân. Phải coi dân là thượng để chấm dứt tâm lý xin - cho, ban phát vì lương và chế độ mà CBCC được hưởng là từ thuế của doanh nghiệp, người dân, cán bộ phải có nghĩa vụ phụng sự dân nếu họ không muốn bị loại ra khỏi nền công vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm công vụ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO