Hậu Giang - Cơ hội cho cây lúa chuyển mình

Quốc Trung – Tuấn Quang 27/09/2017 07:50

Cây lúa, hạt gạo là thế mạnh của ngành nông nghiệp Hậu Giang. Những năm gần đây, Hậu Giang chú trọng đẩy mạnh liên kết sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất các giống lúa phẩm chất cao để giải quyết đầu ra cho thế mạnh này.

Cánh đồng mẫu lớn ở Hậu Giang (Ảnh: Lý Anh Lam).

Hậu Giang là tỉnh có diện tích trồng lúa khá lớn, tổng diện tích xuống giống hàng năm trên 200.000 ha, năng suất trung bình khoảng 6,2 tấn/ha, sản lượng trung bình hơn 1,2 triệu tấn/năm, đang hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô 30.000 ha.

Cụ thể, vụ lúa Đông Xuân 2016-2017, sản xuất lúa đạt trên 77.800 ha; vụ Hè Thu đạt trên 77.700 ha và vụ Thu Đông đạt trên 51.500 ha.

Những năm gần đây ngành nông nghiệp tỉnh mạnh dạn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến và đầu tư hệ thống thủy lợi... giúp cây lúa, hạt gạo của Hậu Giang có nhiều cơ hội chuyển mình, thâm nhập được thị trường ngoài nước.

Với sự giúp sức của ngành nông nghiệp, hệ thống chính quyền, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất từ các giống lúa kém chất lượng sang sản xuất lúa chất lượng cao.

Cụ thể, nếu trước đây tỷ lệ người dân gieo sạ giống lúa có phẩm chất gạo thấp như IR 50404 chiếm đến 50-60% thì những năm gần đây, tỉ lệ sử dụng giống IR 50404 chỉ còn từ 10-15% và thay vào đó là giống lúa có phẩm chất cao như OM 5451, Jasmine 85...

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Hậu Giang là tỉnh được Bộ NN&PTNT chọn là 1 trong 8 tỉnh, thành vùng ĐBSCL thực hiện thí điểm “Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT)” trên cây lúa.

Dự án này là cơ hội lớn giúp tỉnh đạt mục tiêu đổi mới phương thức quản lý, canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho cây lúa, hạt gạo.

Mô hình cánh đồng lớn được Hậu Giang thực hiện từ năm 2012. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 3.335 ha với 3.276 hộ tham gia vào mô hình cánh đồng lớn, tổng sản lượng trung bình mỗi vụ dao động từ 22.000 - 25.000 tấn.

Cùng với việc thực hiện quy hoạch vùng lúa chất lượng cao, UBND tỉnh cùng ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới gắn với phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, hệ thống cống, đập, trạm bơm điện, giao thông - thủy lợi đã tương đối hoàn chỉnh, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất cho người dân.

Với những lợi thế có được, Hậu Giang đang là điểm đến lý tưởng cho nhiều nhà đầu tư tâm huyết với cây lúa – hạt gạo. Hậu Giang đã chủ động kêu gọi đầu tư dự án “Chế biến gạo xuất khẩu gắn với vùng lúa chất lượng cao”.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, chia sẻ: Khi đầu tư vào dự án, nhà đầu tư sẽ được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước ít nhất 15 năm đầu kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn được hỗ trợ đầu tư cơ sở chế tạo, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 9 năm tiếp theo kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế.

Ngoài ra, còn được hưởng mức thuế xuất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 15 năm, đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới; miễn thuế đối với thiết bị, máy móc nhập khẩu để tạo tài sản cố định...

Ngoài ra, tỉnh tập trung tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành chuỗi liên kết - tiêu thụ. Ngành nông nghiệp đẩy mạnh việc khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và ưu đãi tín dụng cho người dân mua máy móc phục vụ sản xuất.

Hiện toàn tỉnh đã thực hiện sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch đạt 100%, đẩy mạnh thực hiện dự án VnSAT tại tỉnh Hậu Giang để tổ chức lại sản xuất, định hướng hình thành các vùng liên kết sản xuất từ 500 ha khép kín, hỗ trợ xây dựng các hợp tác xã và đầu tư kho chứa, lò sấy, cơ sở hạ tầng...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hậu Giang - Cơ hội cho cây lúa chuyển mình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO