Hướng tới bình đẳng giới trong giáo dục

P. Linh 08/12/2015 09:05

Trong hai ngày 7 và 8/12, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo tập huấn Lồng ghép giới vào chương trình và sách giáo khoa (SGK), do Bộ GD&ĐT phối hợp với UNESCO thực hiện. Hội thảo diễn ra vào thời điểm thế giới đang hướng tới Chương trình giáo dục toàn cầu 2030 và Việt Nam bắt đầu thực hiện cải cách giáo dục, đổi mới chương trình giảng dạy. Đa số các nhà trường, giáo viên có mặt tại hội thảo đồng tình khẳng định tầm quan trọng của việc lồng ghép giới vào chương trình và SGK. 

Phiên làm việc nhóm trong khuôn khổ hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Thực hiện bình đẳng giới là rất quan trọng, chúng ta đang cố gắng thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, ở góc độ chất lượng giáo dục, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của ngành GD&ĐT, vấn đề bình đẳng giới chưa đạt hiệu quả cao bởi như bậc học mầm non, tiểu học có tới 70% giáo viên là nữ, trong khi đó, cán bộ quản lý là nữ giới chiếm tỉ lệ ít hơn.

Thông qua hội thảo tập huấn lần này, Thứ trưởng mong muốn các chuyên, giáo viên có mặt cùng phân tích kỹ vấn đề bình đẳng giới; đặc biệt rà soát chương trình, tài liệu giảng dạy để loại bỏ những kiến thức, thông tin, hình ảnh thể hiện định kiến giới; định kỳ tổ chức tập huấn kiến thức giới, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ giáo viên.

Với nhiều năm nghiên cứu về vấn đề giới trong giáo dục, PGS. TS Hoàng Bá Thịnh (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) cho biết: Giới trong giáo dục và đào tạo, về cơ bản Việt Nam đã đạt được hầu hết các chỉ tiêu đề ra về bình đẳng giới. Tỷ lệ giáo viên nữ các cấp học từ mầm non đến THCS đạt chuẩn đào tạo rất cao, không có sự khác biệt giữa nam và nữ (chỉ số bình đẳng giới bằng 1,0).

Tỷ lệ cán bộ quản lý giáo dục là nữ trong tổng số cán bộ quản lý giáo dục cấp tỉnh và huyện đạt trung bình các năm là 29,7%. Công bằng xã hội trong tiếp cận giáp dục đã được cải thiện, đặc biệt người DTTS, con em các gia đình nghèo, trẻ em gái và các đối tượng bị thiệt thòi ngày càng được quan tâm. Về cơ bản đã đạt được sự bình đẳng nam nữ trong GDPT và GDĐH…

Tuy nhiên, có một thực trạng đáng báo động liên quan đến vấn đề giới trong giáo dục, đó là bạo lực học đường. Từ đầu năm học 2009-2010 đến tháng 5-2012, toàn quốc đã xảy ra 1.508 vụ việc HS đánh nhau trong và ngoài tương học. Bình quân cứ 5.260 HS thì xảy ra 1 vụ đánh nhau; cứ 9 trường thì có 1 vụ HS đánh nhau; cứ 10.000 HS thì có 1 HS bị kỷ luật khiển trách; cứ 5.555 HS thì có 1 HS bị kỷ luật cảnh cáo vì đánh nhau; cứ 11.111 HS thì có 1 HS bị buộc thôi học có thời hạn vì đánh nhau…

Cũng theo PGS Hoàng Bá Thịnh, khảo sát tại trường THPT tại Hà Nội cho thấy có đến 96,7% số HS được hỏi cho rằng ở trường các em học có xảy ra hiện tượng nữ sinh đánh nhau. Kết quả khảo sát cũng cho biết, có tới 64% các em nữ thừa nhận từng có hành vi đánh nhau với bạn khác. Phần lớn các em nữ đã có hành vi đánh nhau cho rằng bạo lực giữa nữ sinh là “bình thường” (57,3%) và “chấp nhận được” (39,6%).

Về thực trạng vấn đề giới trong SGK Việt Nam, PGS Thịnh chia sẻ: Trong SGK có định kiến về giới, ví dụ về giới tính nhân vật trong SGK, tác giả nữ trong SGK, nghề nghiệp nhân vật trong SGK… Phân tích 76 cuốn SGK của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12 có 8.276 nhân vật trong nội dung văn bản và 7.987 nhân vật trong các hình ảnh. Trong tổng số 8.276 nhân vật xuất hiện trong nội dung văn bản, nam giới chiếm 69%, nữ 24%, còn lại 7% là trung tính về giới (ví dụ: đứa trẻ, học sinh, phụ huynh…). Về hình ảnh, trong tổng số 7.987 hình ảnh thì nam giới chiếm 58%, nữ chiếm 41%, còn lại là trung tính hoặc không rõ giới tính.

Sự chênh lệch giữa nhân vật nam và nữ cũng có sự khác biệt theo các cấp học, càng lên cấp học cao sự chênh lệch càng lớn, nhất là ở cấp THPT. Nghề nghiệp của nhân vật nam giới trong SGK cũng đa dạng hơn nghề nghiệp của nữ giới….

Ông Thịnh cho rằng, cần phải rà soát định kiến giới trong SGK Việt Nam. Bởi vì các định kiến về giới tồn tại ở những hình thức khác nhau đều có hại đối với cả em trai và em gái. Đối với các em trai, các định kiến về giới ảnh hưởng tiêu cực tới quan điểm về tính công bằng khiến các em cho rằng “ưu thế của phái mạnh” trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội là “lẽ tự nhiên”. Còn với các em gái, định kiến về giới có thể khiến các em tự ti, cảm thấy thấp kém hơn người khác và ít có động lực học tập. Đồng thời, sự phát tiền của các em trai và các em gái có thể cũng bị ảnh hưởng bằng những định kiến lỗi thời về thế nào là “nam giới”, thế nào là “nữ giới”...

Từ những thực tế được nêu ra, hội thảo thống nhất đề xuất, cần phải đưa nội dung bình đẳng giới lồng ghép trong chương trình các cấp. Đồng thời đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật về bình đẳng giới liên quan đến chương trình, sách giáo khoa. Hiện Bộ GD&ĐT đang biên soạn chương trình, SGK phổ thông, đây chính là cơ hội để đưa vấn đề bình đẳng giới vào nhằm khắc phục những khiếm khuyết của chương trình cũ, cụ thể trong SGK.

Hội thảo khẳng định rằng, mọi sự nỗ lực cố gắng vì bình đẳng giới tại Việt Nam nói chung, vấn đề giới trong giáo dục nói riêng cần được thực hiện bền bỉ, trong sự bền vững. Nói như mong muốn của lãnh đạo UNESCO tại Việt Nam: Ở Việt Nam, dù chúng ta tự hào rằng mọi trẻ em gái và trẻ em trai đều có cơ hội tiếp cận giáo dục tiểu học một cách bình đẳng, thì tất cả những người đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục đều phải nhận thấy rõ một điều rằng, như thế là chưa đủ. Chúng ta cần thấy là vẫn còn cả một con đường dài phái trước để đảm bảo rằng mọi trẻ em gái và trẻ em trai đều được học tập trong một môi trường đầy hứng thú, không có thành kiến hay định kiến về giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng tới bình đẳng giới trong giáo dục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO