Làm gì để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết?

Hương An 15/01/2021 16:00

Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 15 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án xử lý các biến động bất thường của thị trường, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Cùng với đó, Bộ cũng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh hoặc Tết, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết.

Đặc biệt, Sở Công Thương các tỉnh phải phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, nhất là dịch tả lợn châu Phi, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Các đơn vị chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Đáng lưu ý, tại Chỉ thị này, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty, công ty sản xuất kinh doanh hàng hóa phải bảo đảm sản xuất theo đúng quy hoạch và theo khuyến cáo của các bộ, ngành hữu quan, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hóa trong nước nói chung và thị trường thực phẩm nói riêng, chủ động có phương án nhập khẩu nếu cần thiết.

Đối với các đơn vị sản xuất (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Cổ phần Bia Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam...), phải chủ động có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; dự trữ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, tiết giảm chi phí, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu; thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết.

sản xuất trong dịp gần Tết gây tâm lý bất ổn cho thị trường; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá.

Với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chủ động lập kế hoạch và nghiêm túc thực hiện kế hoạch cung ứng điện cho sản xuất, tiêu dùng, trong đó có kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện trong dịp Tết.

Đối với các đơn vị có hoạt động kinh doanh thương mại (Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Liên hiệp hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh...), phải chủ động tham gia triển khai các Chương trình bình ổn thị trường, các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại các địa phương, chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản thực phẩm an toàn; có phương án dự trữ, cung ứng hàng hóa cho các địa bàn dân cư trong trường hợp dịch bệnh Covid bùng phát phải thực hiện cách ly; đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa nhất là các khu vực nông thôn, hải đảo nhằm cung ứng tốt hàng hóa bình ổn nói chung và hàng Việt nói riêng cho người dân; tích cực tham gia các Chương trình hỗ trợ cho người dân diện chính sách, người dân ở các vùng bị thiệt hại do bão lũ.

Phối hợp với các đơn vị cung cấp hàng thực phẩm chăn nuôi, chủ động nguồn hàng dự trữ với giá hợp lý, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của các nhà cung cấp, triển khai các điểm bán hàng bình ổn nhằm dẫn dắt thị trường, tạo tâm lý ổn định cho thị trường các mặt hàng thực phẩm.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, sớm có kế hoạch đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán; tăng cường kiểm soát chất lượng, đo lường trong hệ thống, tránh gian lận trong kinh doanh xăng dầu và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng chính sách theo nhiệm vụ được giao, triển khai nghiêm túc việc cung ứng các mặt hàng chính sách cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo một cách đầy đủ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhằm đảm bảo nhu cầu thiết yếu của nhân dân vùng khó khăn.

Các Hiệp hội ngành hàng, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương rà soát cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để chủ động đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ứng phó kịp thời với những biến động bất thường nhằm bình ổn thị trường khi cần thiết.

Chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên duy trì sản xuất, chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất nhập khẩu, tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời và đầy đủ nguồn hàng cho thị trường.

Để kịp thời phân phối hàng thiết yếu và hàng bình ổn giá phục vụ Tết, đại diện Saigon Co.op cho biết sẽ đưa vào hoạt động thêm 4 cửa hàng Co.op Food tại 3 quận nội thành TP HCM và Phú Yên, sau đó là hàng loạt cửa hàng Co.op Food tại Phú Yên, Sóc Trăng, Cần Thơ, Cà Mau trong tháng 1/2021, nâng tổng diện tích khai thác lên con số hơn 12.000 m2 ngay trước Tết Nguyên đán.

Theo số liệu của Công ty Savills Việt Nam, trong những tháng cuối năm 2020, thị trường mặt bằng bán lẻ sẽ có thêm 50.000m2 từ 7 dự án mới, trong đó khu vực ngoài trung tâm chiếm đến hơn 80% thị phần. Và các nhà kinh doanh đưa ra quyết định thuê mới mặt bằng gần như chỉ xảy ra vào giai đoạn cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021 khi thị trường bán lẻ rõ ràng hơn về khả năng phục hồi.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đề nghị các tập đoàn, tổng công ty, công ty sản xuất kinh doanh hàng hóa liên kết với doanh nghiệp phân phối chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan, tổ chức các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO