Lồng ghép bình đẳng giới trong chương trình, sách giáo khoa mới

Thủy Anh 27/01/2016 15:50

“Bình đẳng giới đang là vấn đề toàn cầu, có tác động sâu xa tới giáo dục, đời sống, văn hóa xã hội”- ông Trần Kim Tự - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT), Phó ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục khẳng định như vậy trong Hội thảo tham vấn chuyên gia về lồng ghép giới vào chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Hội thảo do Bộ GD&ĐT tổ chức, diễn ra tại Hà Nội ngày 26-1.

Lồng ghép bình đẳng giới trong chương trình, sách giáo khoa mới

Ảnh minh họa.

Rà soát định kiến giới trong sách giáo khoa

Ông Trần Kim Tự cho rằng: Trong giáo dục, dù không hề có một quan điểm nào nói về phân biệt giới và luôn tôn trọng bình đẳng giới. Tuy nhiên, ở đâu đó, trong một tình huống nào đó vẫn có những hình ảnh phân biệt hoặc bất bình đẳng. “Tập trung rà soát lại những định kiến về giới trong SGK là vô cùng cần thiết. Và việc xây dựng một tài liệu về lồng ghép giới vào chương trình, SGK giáo dục phổ thông cho chương trình mới là bước đi tích cực, tránh được những vấp váp không đáng có”- ông Tự cho hay.

Tham gia nghiên cứu về vấn đề bình đẳng giới trong giáo dục nhiều năm, PGS. TS Hoàng Bá Thịnh- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, dân số, môi trường và các vấn đề xã hội (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) chia sẻ: Sau khi rà soát nội dung, hình ảnh trong SGK phổ thông hiện nay, tôi thấy còn một số tồn tại: Hình ảnh của nhân vật nữ dù là người lớn hay trẻ em vẫn còn yếu. Những nội dung, hình ảnh đó cũng phản ảnh vị thế, vai trò phụ nữ trong SGK là thụ động, phụ thuộc nam giới. Phạm vi hoạt động của phụ nữ gắn với gia đình con cái, trong khi nam giới hoạt động ngoài xã hội. Nam giới là trụ cột kinh tế, là người đạt trình độ chuyên môn cao, dũng cảm… Còn phụ nữ chỉ là người làm công việc đơn giản, gắn với nội trợ chăm sóc, con cái, hoặc là cô giáo. “Chúng ta cũng thường thấy nhân vật nữ trong SGK gặp tình huống yếu thế, đáng thương, là nạn nhân của trường hợp này trường hợp kia, ví dụ như bị HIV… Còn nam giới là nhân vật chủ động, là trụ cột gia đình, bác sĩ nổi tiếng. Những hình ảnh đó cho thấy người phụ nữ luôn cần giúp đỡ, là người phụ thuộc, cần được yêu thương nhưng cũng tạo hình ảnh đáng thương… Theo tôi đó là bất cập chính trong SGK hiện nay”, ông Thịnh nói.

PGS Mai Văn Hưng - Giám đốc Trung tâm Nhân học và Phát triển trí tuệ (ĐHQGHN) cũng đồng tình: “Ở giai đoạn hiện nay, việc lồng ghép kiến thức giới và bình đẳng giới vào chương trình, SGK là rất cần thiết. Không làm việc này, có thể học sinh sẽ hiểu sai về bình đẳng giới”.
Tuy nhiên, PGS Mai Văn Hưng cho rằng: Nếu chỉ nhìn nhận giới và bình đẳng giới một cách cơ học, là thấy nam làm được cái gì cũng muốn nữ làm được cái đó, và coi là bình đẳng thì chưa chính xác. Chúng ta cần nhìn bình đẳng trên thiên chức về giới tính. Người phụ nữ có giới tính nữ nên làm công việc phù hợp với giới tính của họ, đàn ông cũng vậy. Chúng ta cần hiểu bình đẳng giới trên sự tôn trọng phát triển tâm sinh lý của họ chứ không phải dựa trên cơ sở, cái gì giới này làm được thì giới kia cũng làm được… “Có như vậy, quan niệm về giới và bình đẳng giới mới đến được với thế hệ học sinh đầy đủ, để học sinh có cách tiếp cận phù hợp, hài hòa với cuộc sống tạo hóa nhân gian cho giới tính”.

Góp ý cho chương trình, sách giáo khoa mới

Tiếp tục nêu ý kiến, PGS Mai Văn Hưng cho rằng: Cách tiếp cận của SGK lâu nay đã đáp ứng một phần về vấn đề giới và bình đẳng giới. Tuy nhiên, sự vận động liên tục xảy ra, xã hội luôn luôn vận động, thông tin ngày càng được cập nhật và bổ sung. Vì thế việc lồng ghép các kiến thức về giới và giới tính cũng cần cập nhật. “Mặt khác, sau năm 2018 chúng ta có bộ SGK mới, cho nên cách tiếp cận lồng ghép giới và giới tính cũng cần thay đổi để phù hợp với chương trình, SGK mới, phù hợp với nhận thức xã hội luôn luôn thay đổi trong tương lai. SGK cũ chỉ là những cái mà chúng ta đã thực hiện được. Để thực hiện tốt hơn cần có một số thay đổi. Tôi nghiên cứu về sinh lý con người nên tôi muốn những vấn đề bàn về giới phải dựa trên cơ sở sinh học giới tính. Như vậy thì tính khoa học và tính bền vững sẽ cao hơn, thay vì chỉ mô tả những hành vi pháp luật về giới của cả nam và nữ. Nếu chúng ta chỉ đi sâu về những hành vi pháp luật của cả nam và nữ, tức là chúng ta mới bình đẳng phần ngọn. Chúng ta phải hiểu được bản chất của hành vi khác nhau ấy trên cơ sở sinh học giới. Thông tin về sinh học giới sẽ làm nổi bật cho việc chúng ta giảng dạy kiến thức về hành vi phát luật của giới”, PGS Mai Văn Hưng nói.

PGS.TS Hoàng Bá Thịnh cũng có ý kiến thêm rằng: SGK cần có những thay đổi, đặc biệt về hình ảnh minh họa, tăng thêm hình ảnh các em gái, phụ nữ (về tính chất, phạm vi hoạt động và năng lực huyên môn…). “Tôi nghĩ nếu có một môn học riêng về giáo dục giới tính hay giáo dục bình đẳng giới trong trường phổ thông thì rất tốt, nhưng e rằng sẽ khó cho các chuyên gia xây dựng chương trình. Chúng ta đang kêu gọi giảm tải mà cứ tăng lên thì rất khó khăn cho các thầy cô giảng dạy. Việc lồng ghép kiến thức giới và bình đẳng giới vào SGK sẽ có tính khả thi và hiệu quả sẽ cao hơn”. “Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại khóa ở các cấp học, nên có những chủ đề về giáo dục tính bình đẳng giới. Phần đó không ảnh hưởng đến chương trình chính khóa. Đặc biệt, các thầy cô giáo trong quá trình đào tạo ở trường cũng cần có quan điểm, tự trang bị kiến thức về giới bình đẳng giới. Ngay từ bậc học mẫu giáo, giáo viên nên lồng ghép giáo dục giới tính cho các em từ những trò chơi. Trò chơi không phải đặc quyền riêng cho giới nào, ví dụ chơi búp bê, nấu ăn may vá, không phải chỉ dành cho bé gái. Các bé trai cũng có thể tiếp cận. Hoặc những trò chơi liên quan kỹ thuật như máy bay, xe lửa… bé gái cũng có thể tiếp cận. Ngay từ mẫu giáo định hướng trò chơi không phân biệt thì sau này phát triển, tiếp cận các môn học, ngành học sẽ bình đẳng giới hơn” – ông Thịnh nói.

Chuyên gia Huỳnh Ngọc Diệp (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cũng bày tỏ sự đồng tình. Bà góp ý thêm rằng, bên cạnh rà soát SGK nên lưu ý hơn đến rà soát định kiến giới trong chương trình. Nên có thêm quy trình lồng ghép giới vào biên soạn chương trình, bổ sung định hướng nội dung giáo dục về giới, những khuyến nghị cụ thể cho các tác giả xây dựng chương trình, SGK mới…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lồng ghép bình đẳng giới trong chương trình, sách giáo khoa mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO