Nhà đầu tư vào Thanh Hoá sẽ được hưởng mức ưu đãi cao nhất

Nguyễn Chung 19/05/2017 07:00

“Tỉnh Thanh Hóa sẽ áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào tỉnh theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định”, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Ưu tiên tối đa cho nhà đầu tư

Tối ngày 18/5, tại TP Sầm Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ KH-ĐT phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017, với quy mô cấp quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo địa phương cùng hơn 400 đại biểu, đại diện lãnh đạo các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện các tập đoàn, tổng công ty nước ngoài đã về dự hội nghị.

Tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh đã hợp tác với Công ty tư vấn BCG (Mỹ) điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Thanh Hóa thống nhất lựa chọn 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế và phát triển hạ tầng, đô thị. Đây là các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, hội tụ các điều kiện để phát triển bền vững.

Có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, hệ thống giao thông của tỉnh Thanh Hóa hết sức thuận lợi, bao gồm cả cảng hàng không Thọ Xuân, cảng nước sâu Nghi Sơn có thể đón tàu 100.000 tấn ra, vào. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để triển khai xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa, tuyến đường bộ ven biển, các tuyến đường kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp với cảng hàng không Thọ Xuân, cảng nước sâu Nghi Sơn và các cửa khẩu quốc tế nối với nước bạn Lào.

Thanh Hoá cũng đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn và các khu công nghiệp (KCN), đảm bảo hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước đến chân hàng rào các dự án đầu tư; KKT Nghi Sơn là khu kinh tế được đặc biệt ưu đãi về thuê đất và các chính sách thuế. Tỉnh Thanh Hóa sẽ áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào tỉnh theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định.

Ông Nguyễn Đình Xứng khẳng định: Để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương cam kết hoàn thành 100% yêu cầu tiến độ giải phóng mặt bằng của nhà đầu tư; chỉ đạo các ngành, các đơn vị, khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục để trong năm 2017 Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, Trung tâm hành chính công các huyện, thị xã, thành phố đều đi vào hoạt động; việc giải quyết thủ tục hành chính được giám sát chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch. Giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định.

Phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt 3 “nhất”: Hạ tầng thiết yếu phục vụ doanh nghiệp đồng bộ nhất; Chi phí thuê đất và sử dụng lao động cạnh tranh nhất; Giải quyết các thủ tục hành chính, các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kịp thời nhất.

Tỉnh “kiểu mẫu” trong thu hút đầu tư

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Thanh Hóa đang là một điểm đến hấp dẫn, hứa hẹn sẽ mở ra hướng làm ăn mới trong thời gian sắp tới đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Với tầm nhìn quy hoạch 2030, định hướng 2040, sẽ góp phần nâng tầm Thanh Hóa, giúp địa phương phát triển ổn định, bền vững trong tương lai. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ mong muốn Thanh Hóa phải trở thành tỉnh “kiểu mẫu” trong thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Về phía Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cam kết sẽ khẩn trương xúc tiến thực hiện một số dự án ngay trong nhiệm kỳ này như: Dự án cao tốc Thanh Hóa - Ninh Bình; đưa sân bay Thọ Xuân trở thành sân bay quốc tế với tinh thần “mở cửa bầu trời”; nâng cấp cảng nước sâu Nghi Sơn để đón tàu có trọng tải cao hơn;… đồng thời cam kết với các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ đảm bảo các quyền và lợi ích cơ bản của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng “đổ vốn” vào Thanh Hoá.

Tại hội nghị đã có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng, tương đương 6,1 tỷ USD.

Các dự án trọng điểm, đáng chú ý phải kể đến như: Dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn II tại KKT Nghi Sơn, có công suất 1.200 MW, với tổng mức đầu tư 56.366 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD); dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Lam Sơn - Sao Vàng có quy mô 530 ha, tổng mức đầu tư 3.255 tỷ đồng; dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời tại Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc có công suất 90 MW, tổng mức đầu tư 2.681 tỷ đồng; dự án Nhà máy điện mặt trời tại Khu kinh tế Nghi Sơn có công suất 130 MW, với tổng mức đầu tư 4.751 tỷ đồng; dự án trang trại chăn nuôi chế biến thực phẩm tại xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành có quy mô 500.000 con lợn/năm, có tổng mức đầu tư 1.766 tỷ đồng; dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En có quy mô 1.492 ha, với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng; dự án Cảng Container Long Sơn tại KKT Nghi Sơn, quy mô 1 - 1,2 triệu TEU/ năm, có tổng mức đầu tư 3.600 tỷ đồng...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà đầu tư vào Thanh Hoá sẽ được hưởng mức ưu đãi cao nhất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO