Phản biện xã hội để chính quyền vững mạnh

Anh Vũ 01/07/2017 08:05

Thực hiện quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị , MTTQ thành phố Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước ban hành Quy chế phối hợp phản biện xã hội với Thường trực HĐND, UBND Thành phố. Trong 3 năm qua, Mặt trận Thành phố đã tổ chức được 10 hội nghị phản biện; cấp quận, huyện, thị xã đã tổ chức được 125 hội nghị; cấp xã phường, thị trấn tổ chức được 692 hội nghị phản biện xã hội, qua đó góp phần nâng cao vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Xác định thực hiện hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là việc làm mới và khó, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ thành phố đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phản biện xã hội hằng năm, trong đó lựa chọn những nội dung cần phản biện theo các lĩnh vực mà nhân dân và xã hội đang quan tâm, phù hợp với thực tiễn của địa phương. Đồng thời có văn bản đề nghị các cơ quan, tổ chức thông báo các văn bản cần góp ý phản biện xã hội để thống nhất và chuẩn bị nội dung, xây dựng chương trình, kế hoạch phản biện xã hội.

Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Lê Thị Kim Oanh cho biết, trước mỗi kỳ họp HĐND Thành phố, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố phối hợp với Thường trực HĐND, UBND tiến hành xác định và thống nhất nội dung của kỳ họp, các dự thảo Báo cáo, Kế hoạch, Nghị quyết, đề án và dự kiến thời gian tổ chức, xây dựng kế hoạch tiến hành hội nghị phản biện xã hội.

Ngay sau khi thống nhất công tác chuẩn bị hội nghị phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố tiến hành xây dựng kế hoạch tổ chức phản biện xã hội, soạn thảo văn bản gửi Thường trực HĐND, UBND Thành phố đề nghị chỉ đạo các cơ quan đơn vị soạn thảo dự thảo các báo cáo, kế hoạch, Nghị quyết, đề án để tổ chức Hội nghị phản biện xã hội.

Sau khi kết thúc Hội nghị phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố gửi tổng hợp các ý kiến phản biện của các đại biểu và ý kiến của MTTQ gửi đến Thành ủy, Thường trực HĐND-UBND. Bản tổng hợp của Mặt trận cũng gửi đến đại biểu HĐND thành phố nhằm tạo điều kiện để đại biểu có căn cứ xem xét và quyết định các chính sách của Thủ đô tại kỳ họp HĐND Thành phố.

Trong 3 năm qua, Mặt trận thành phố đã tổ chức được 10 Hội nghị phản biện; cấp quận, huyện, thị xã đã tổ chức được 125 hội nghị; cấp xã phường, thị trấn tổ chức được 692 hội nghị.

Theo bà Lê Thị Kim Oanh để việc phản biện đạt hiệu quả phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của chính quyền, các tổ chức thành viên cũng như phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, Ủy viên UB MTTQ các cấp, chuyên gia trên các lĩnh vực. Cùng với đó căn cứ tình hình thực tiễn của từng địa phương, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần lựa chọn được nội dung, vấn đề phản biện xã hội phù hợp, đúng, trúng những vấn đề mà xã hội và nhân dân đang quan tâm để tham mưu với cấp ủy xây dựng kế hoạch thực hiện.

Các ý kiến, kiến nghị phải được chắt lọc, giải pháp đưa ra phải đảm bảo hiệu quả, tính khả thi, đồng thời phải theo dõi, quá trình việc tiếp thu, thực hiện kiến nghị của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các đơn vị sau phản biện, góp ý.

Đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết, để nhiệm vụ phản biện xã hội mang tính hiệu quả thiết thực trong thời gian tới MTTQ các cấp trên địa bàn tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và hiệu quả trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Thành ủy Hà Nội về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền.

Căn cứ vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, chương trình công tác hàng năm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cụ thể hoá nhiệm vụ phản biện xã hội với các nội dung vào chương trình thống nhất hành động của MTTQ các cấp hàng năm.

Cùng với đó quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, tập hợp rộng rãi lực lượng các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia phản biện xã hội của MTTQ các cấp; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực, kỹ năng của cán bộ MTTQ chuyên trách và những người làm công tác Mặt trận trong việc tham gia phản biện xã hội.

Cũng theo bà Oanh cần nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò, trách nhiệm của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn Uỷ ban MTTQ, ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp, người uy tín, các chuyên gia, các nhà khoa học am hiểu các lĩnh vực trong việc tham gia các hoạt động phản biện xã hội của MTTQ đối với các dự thảo báo cáo, kế hoạch, Nghị quyết, đề án của Thành phố, của cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phản biện xã hội để chính quyền vững mạnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO