Phòng, chống tham nhũng: Chưa đạt mục tiêu đề ra

H.Vũ 24/02/2016 23:43

Đó là nhận định của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khi tiến hành thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, diễn ra vào chiều ngày 24/2.

Phòng, chống tham nhũng: Chưa đạt mục tiêu đề ra

Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: “Bộ máy
hành chính nhà nước còn cồng kềnh tạo ra nhiều kẽ hở dẫn đến tiêu cực, tham nhũng”.

Chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu

Trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định cho biết, nhìn lại 5 năm qua mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức và còn nhiều hạn chế, yếu kém nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chúng ta cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra. Tuy nhiên, ông Định cũng thẳng thắn chỉ ra, việc tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa tinh gọn, hiệu quả và còn chồng chéo. Công tác cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều quy định về thủ tục hành chính còn phức tạp. Công tác quản lý công chức, viên chức còn hạn chế. Việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn lúng túng, bất cập.

“Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số bộ ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi”- ông Định cho hay.

Nhận định về những nguyên nhân dẫn đến yếu kém, theo ông Định chính là do công tác tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu và còn nhiều hạn chế. Chưa làm thật tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện.

Vẫn còn tình trạng “xin-cho”

Trình bày Báo cáo thẩm tra, ông Phan Trung Lý- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết: Nội dung của Báo cáo còn nặng tính hành chính và tập trung chủ yếu vào những kết quả đạt được trên các lĩnh vực. Đề nghị trong báo cáo cần bổ sung nêu bật được kết quả tổ chức thực hiện những chủ trương lớn về tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức và hoạt động của Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Ông Lý cho rằng, Chính phủ đã nỗ lực cải cách hành chính, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; nhiều thủ tục hành chính không cần thiết đã được loại bỏ. Tuy nhiên đến nay kết quả cải cách hành chính chưa cao, một số thủ tục trong hoạt động của nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin-cho”. Ông Lý nói: “Bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh tạo ra nhiều kẽ hở, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng; chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao gây lãng phí, tốn kém cho xã hội”. Trong Báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí cũng như nguyên nhân và trách nhiệm; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn…- thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bày tỏ.

Sợ nhất chi phí “gầm bàn”

Trước Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu bày tỏ lo lắng khi nông nghiệp 5 năm nay chững lại, sụt giảm rất lớn, thu nhập của người nông dân cũng bị sụt giảm, thị trường giá cả rất bấp bênh không những làm ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế mà còn làm ảnh hưởng đến xã hội. Do đó cần chính sách đủ mạnh cho nông nghiệp nông dân, nông thôn. Dẫn chứng năm 2011 có 54 ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng đến năm 2015 có tới hơn 71 ngàn doanh nghiệp hàng năm ngừng hoạt động, ông Giàu đề nghị làm rõ thêm đây là do tất yếu hay do chính sách chưa theo nhịp sống của nền kinh tế và của doanh nghiệp? Theo ông Giàu, xã hội đang bức xúc về tham nhũng, lãng phí. Về vấn đề xây dựng kinh tế biển gắn với chiến lược bảo vệ chủ quyền, gắn với ngư dân các lực lượng trên biển, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị Báo cáo cần đánh giá rõ thêm vì đây là vấn đề nhân dân rất quan tâm. Đặc biệt Báo cáo chưa thấy rõ vai trò của Chính phủ, trách nhiệm của Chính phủ trong xây dựng chính quyền địa phương để đảm bảo sự thống nhất giữa Trung ương - địa phương.

Nhìn nhận khoảng cách giàu - nghèo tăng cao là đáng báo động gây bất ổn cho xã hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị làm rõ tại sao lại như vậy? Rồi ông đưa ra dẫn chứng: “Chúng ta nói xóa đói giảm nghèo nhưng nghèo của ta là nghèo cùng cực. Bây giờ lấy tiêu chí mức sống tối thiểu, ăn học thấy ta nghèo cùng cực khi hằng năm Nhà nước phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng và hàng trăm tấn gạo để cứu đói. Nếu không có vai trò của Nhà nước là khó khăn, không có vai trò của Nhà nước là không sống được”. Từ đó ông đề nghị, Chính phủ cần phải giải quyết ngay trong nhiệm kỳ tới.

Kỳ họp thứ 11 QH khóa XIII sẽ khai mạc ngày 21/3

Sáng cùng ngày, TVQH đã cho ý kiến vào Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước và cho ý kiến về chương trình kỳ họp thứ 11 QH khóa XIII. Theo đó, kỳ họp thứ 11 dự kiến diễn ra trong 16 ngày không kể những ngày nghỉ; dự kiến phiên khai mạc diễn ra vào 21-3 và phiên bế mạc vào 6-4. Dự kiến các ĐBQH sẽ có 3,5 ngày thảo luận tại tổ và hội trường về các báo cáo tổng kết của QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cùng nhiều vấn đề quan trọng khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng, chống tham nhũng: Chưa đạt mục tiêu đề ra

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO