Bầu chọn lãnh đạo UNESCO vẫn tiếp tục dù vắng Mỹ

Khánh Duy 13/10/2017 18:33

Cơ quan phụ trách vấn đề Văn hóa của LHQ trong hôm 13-10 đã tuyên bố rằng họ sẽ bầu chọn ra một vị lãnh đạo mới, nhấn mạnh rằng tổ chức sẽ tìm kiếm một cá nhân có khả năng vực lại sự thịnh vượng của UNESCO sau khi Mỹ và Israel tuyên bố rút khỏi cơ quan này.


Trụ sở của UNESCO tại Paris, Pháp. (Nguồn: AP).

Cuộc đua gian nan

Bất cứ ai nhận vị trí quan trọng này đều cần phải có khả năng vực dậy hoạt động của cơ quan này, vốn được ủy thác nhiệm vụ bảo vệ các di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới nhưng đã chịu nhiều tổn thương chủ yếu do tranh chấp khu vực và thiếu nguồn lực tài chính, theo LHQ.

Sau 4 ngày tổ chức bỏ phiếu kín tại trụ sở của UNESCO đặt tại Paris (Pháp), cựu Bộ trưởng Văn hóa Qatar, ông Hamad bin Abdulaziz al-Kawari, đã đủ điều kiện để đi tới vòng bỏ phiếu cuối cùng, dự kiến tổ chức vào rạng sáng ngày 14-10.

Ông sẽ phải đối mặt với đối thủ của mình là bà Moushira Khattab, một nhà ngoại giao và chính trị gia người Ai Cập, hoặc có thể là bà Audrey Azoulay, cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp, nếu một trong hai người này đạt đủ tiêu chuẩn đi đến vòng bỏ phiếu cuối cùng.

"Hơn bao giờ hết, UNESCO cần có một dự án thu hút được các quốc gia thành viên, tái thiết lập lại lòng tin và khắc phục được sự chia rẽ chính trị" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp, Agnes Romatet-Espagne, nói ngay trước khi vòng bỏ phiếu diễn ra nhằm thay thế bà Irina Bokova, người đã dẫn dắt tổ chức này kể từ năm 2009.

Mỹ đáng lẽ ra sẽ là bên cung cấp nguồn quỹ hoạt động lớn cho UNESCO, nhưng đã tuyên bố tạm ngừng kể từ năm 2011 khi cơ quan này tuyên bố công nhận Palestine là một thành viên đầy đủ. Washington tuyên bố rằng việc họ rút khỏi cơ quan này vào hôm 12-10 vừa qua là do UNESCO có "thành kiến" với Israel.

Israel sau đó cũng có hành động tương tự Mỹ.

"Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao chuẩn bị cho sự rút lui của Israel khỏi tổ chức đó, cùng với Mỹ" - AFP dẫn thông báo từ văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 12-10 cho biết.

Thủ tướng Netanyahu "hoan nghênh quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc" . Ông mô tả đây là quyết định can đảm và có đạo đức do UNESCO đã trở thành nơi chứa sự vô lý và "thay vì bảo vệ lịch sử, họ lại bóp méo nó".

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman gọi động thái của Mỹ là "bước đi quan trọng, đúng đắn, có nguyên tắc và đạo đức của đồng minh vĩ đại". Ông cáo buộc UNESCO đã "đi sai đường".

Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Danny Danon nói Mỹ hành động cho thấy "sẽ phải trả giá cho việc phân biệt đối xử nhằm vào Israel" và đánh dấu "kỷ nguyên mới" ở Liên Hợp Quốc.

"Không may mắn thay, vấn đề này đã bị chính trị hóa, gây ảnh hưởng tới hoạt động của UNESCO. Nó đã trở thành một nơi truyền bá tư tưởng chống Israel, và không may thay chúng tôi đang đưa ra quyết định rút khỏi UNESCO vào thời điểm này" - Đại diện Mỹ tại UNESCO, Chris Hegadorn, tuyên bố.

Bằng việc các ứng cử viên đến từ Qatar và Ai Cập đang ganh đua giành vị trí đứng đầu của UNESCO, việc tổ chức bỏ phiếu cũng trở nên phức tạp hơn do tranh chấp hiện tại giữa chính quyền Doha và một số quốc gia Arab láng giềng, trong đó nhóm cấm vận Qatar buộc tội nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.

Phản ứng từ các bên

Việc Mỹ rút khỏi UNESCO được xem một cú sốc đối với tổ chức này khi Mỹ đang đóng góp khoảng 80 triệu USD/năm cho tổ chức, tương đương 20% ngân sách hàng năm của UNESCO. Tác động ngay trước mắt đó là Mỹ sẽ dừng hỗ trợ tài chính cho tổ chức này. Tính đến thời điểm Mỹ chính thức rút khỏi UNESCO, khoản nợ đóng góp của Mỹ đã lên là gần 600 triệu USD.

Đại diện một số cơ quan quốc tế cũng như nhiều nước đã có phản ứng trước việc Mỹ quyết định rút khỏi UNESCO trong hôm 13-10. Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo việc Mỹ rút khỏi UNESCO sẽ làm gián đoạn một số dự án quan trọng của tổ chức này. Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Francois Delattre kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định của mình.

Quyết định của Mỹ cũng đưa ra đúng vào thời điểm UNESCO đang bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới. Theo nhận định của giới quan sát, ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua giành chức Tổng giám đốc UNESCO là ông Hamad bin Abdulaziz al-Kawari từ Qatar, vốn không được Mỹ và Israel hoan nghênh.

Vài giờ sau khi Mỹ thông báo quyết định rút khỏi UNESCO, đại diện Mỹ tại LHQ còn tiếp tục đưa ra một cảnh báo cứng rắn nhằm vào các cơ quan khác của tổ chức này, đánh tiếng họ có thể rút khỏi một số cơ quan khác. Điều này phản ánh rõ nét sự hoài nghi về tính hiệu quả của các tổ chức cũng như thỏa thuận đa phương mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trong khoảng thời gian gần đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bầu chọn lãnh đạo UNESCO vẫn tiếp tục dù vắng Mỹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO