Sóng gió chính trường nước Anh

THẾ TUẤN 17/07/2022 10:03

Ngày 7/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền sau chỉ vỏn vẹn 2 ngày “sóng gió” khi có tới trên 50 quan chức rời Chính phủ. Cuộc chạy đua vào chiếc ghế Thủ tướng nước Anh thay ông Johnson ngay lập tức đã bắt đầu, cho dù theo kế hoạch đến ngày 5/9 mới công bố người thay thế. Cho đến ngày 13/7, 8 ứng viên đủ tiêu chuẩn đã bước vào ngày bỏ phiếu “sàng lọc” thứ nhất. Trong khi đó, theo “Ủy ban 1922” - cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo của đảng Bảo thủ Anh, cho đến khi còn lại 2 ứng viên cuối cùng để chọn ra tân Thủ tướng thì chính trường nước Anh sẽ phải vượt qua nhiều sóng gió.

Theo truyền thống của đảng Bảo thủ cầm quyền, thì bất kỳ ứng viên nào nhận được dưới 30 phiếu sẽ bị loại trước khi vòng bỏ phiếu tiếp theo. “Tôi rất muốn tổ chức cuộc bầu cử suôn sẻ, rõ ràng và nhanh nhất có thể” - Graham Grady, Chủ tịch “Ủy ban 1922” cho biết.

Sau khi các ứng viên lần lượt rút lui hoặc không đủ số phiếu cần thiết, cuộc cạnh tranh sẽ rất khốc liệt với 2 ứng viên cuối cùng được các nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền chọn ra, sau đó là cuộc bỏ phiếu qua đường bưu điện cho tất cả thành viên của đảng này.

Đương kim Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền trước sức ép của nội các cũng như các nghị sĩ của đảng này.

3 năm cầm quyền đầy biến động

Cuộc đua giành chiếc ghế cao nhất trong Chính phủ Anh diễn ra vào một trong những giai đoạn biến động nhất trong lịch sử chính trị hiện đại nước Anh, với hơn 50 bộ trưởng, quốc vụ khanh và trợ lý từ chức để quay lưng lại với Thủ tướng đương nhiệm Boris Johnson chỉ trong 2 ngày.

Cuộc “chia tay” của đương kim Thủ tướng Anh Boris Johnson vì thế được cho là sóng gió nhất và cũng mau lẹ nhất trong lịch sử hiện đại của chính trường nước Anh. Chưa bao giờ người ta chứng kiến cảnh các quan chức hàng đầu “rủ nhau” từ chức nhiều đến vậy, khiến Thủ tướng trở tay không kịp.

Phát biểu tại Phố Downing ngày 7/7, ông Johnson cho biết, quyết định từ chức của mình là vì lợi ích của đảng Bảo thủ và đất nước, bởi mong muốn của đảng Bảo thủ là có một nhà lãnh đạo mới, một Thủ tướng mới. Tuy nhiên, theo Hiến pháp, ông Johnson sẽ vẫn tiếp tục tại vị Thủ tướng cho tới khi đảng Bảo thủ bầu ra thủ lĩnh mới.

Quyết định từ chức đã kết thúc 3 năm cầm quyền đầy biến động của một trong những vị Thủ tướng gây tranh cãi nhất trong lịch sử nước Anh. Tiếp nhận chức Thủ tướng từ người tiền nhiệm, bà Theresa May, hồi tháng 7/2019 với “di sản” là một nước Anh chia rẽ vì Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU), ông Johnson đã dẫn dắt đảng Bảo thủ giành chiến thắng lịch sử trong cuộc tổng tuyển cử cuối năm 2019 và lãnh đạo chiến dịch bỏ phiếu thành công đưa Vương quốc Anh chính thức rời EU từ 23 giờ ngày 31/1/2020 (giờ GMT). Ông cũng điều hành nước Anh vượt qua đại dịch Covid-19 với một chương trình tiêm chủng được đánh giá là hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, thời gian đương nhiệm của Thủ tướng Johnson cũng chứng kiến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Anh với tỷ lệ lạm phát đạt mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm (9,1%), vào tháng 6/2022.

Sự kiện “mở màn” dẫn tới việc ông Johnson phải rời ghế Thủ tướng là việc nghị sĩ Christopher Pincher - Phó trưởng ban Thẩm tra tư cách đại biểu của đảng Bảo thủ tại Quốc hội, từ chức ngày 30/6 do những cáo buộc về hành vi quấy rối tình dục. Ngày 5/7, Thủ tướng Johnson đã phải lên truyền hình xin lỗi về việc “bổ nhiệm ông Pincher mặc dù đã được thông báo về bê bối quấy rối tình dục của ông này”.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid đã từ chức với lý do không thể chấp nhận những bê bối trong Chính phủ. Việc này đã kéo theo hàng loạt những tuyên bố từ chức của các thành viên chính phủ khác trong 2 ngày tiếp theo.

Trước đó, vào tháng 4, ông Johnson trở thành Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Anh bị cảnh sát phạt do vi phạm các quy định phòng dịch Covid-19 khi tham dự các bữa tiệc tại Văn phòng Thủ tướng trong thời gian Anh đang áp lệnh phong tỏa hồi năm ngoái.

Bê bối “partygate” khiến ông Johnson phải trải qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong nội bộ đảng Bảo thủ và may mắn vượt qua, khi tỷ lệ nghị sĩ bỏ phiếu chống lại ông Johnson dừng lại ở con số 40%.

Di sản và gánh nặng được báo trước

Trong khi chính trường nước Anh đang lúng túng tìm người thay thế ông Boris Johnson thì truyền thông lại liên tục viết “Thủ tướng Johnson ra đi để lại nước Anh hỗn loạn”, khi mà dự báo lạm phát sẽ lên tới 11% vào mùa Thu năm nay, đồng Bảng mất giá và triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu.

Đó là vấn đề trong nước, còn với bên ngoài, hàng loạt sự việc cũng không thể giải quyết một cách đơn giản. Trước tiên là việc vai trò của nước Anh trong cuộc chiến Nga - Ukraine. Ngay từ đầu, ông Johnson đã lên án gay gắt nước Nga, gấp rút chuyển giao vũ khí công nghệ cao cho Ukraine, cũng như dẫn đầu các quốc gia phương Tây áp đặt chính sách cấm vận, trừng phạt Nga. Hiện ông Johnson không còn là thủ lĩnh đảng Bảo thủ cầm quyền nhưng vẫn tại vị Thủ tướng. Tuy nhiên, quyết sách với Nga - Ukraine có thể đã không còn nằm trong phạm vi quyền lực sụt giảm của ông.

Một việc khác, đó chính là những hậu quả sau khi nước Anh rời khỏi EU. Thời gian chưa đủ để quan hệ hai bên ổn thỏa. EU vẫn chưa thể quên ông Johnson chính là người trên cương vị Thủ tướng đã rất quyết liệt đưa nước Anh rời khỏi liên minh này. Còn nhớ, sau gần 3 năm vất vả ngược xuôi, leo từ “vách đá cheo leo” này sang “vách đá cheo leo” khác, ước nguyện của Thủ tướng Theresa May dẫn dắt nước Anh rời khỏi EU đã phải bỏ dở khi bà tuyên bố sẽ từ chức, mở đường cho một cuộc chạy đua vào ngôi vị lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền và cũng là chủ nhân của nhà số 10 phố Downing. Và người thắng cuộc chính là ông Boris Johnson.

Về lạm phát đang lên cao ở Anh, cũng không thể đổ lỗi cho chính phủ của ông Johnson vì đó là cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu, nhưng dẫu sao thì nó cũng xảy ra trong lúc ông làm Thủ tướng. Không hy vọng gì những tháng ngày cuối cùng còn là Thủ tướng ông Johnson sẽ tìm được lối thoát cho nền kinh tế, vậy thì gánh nặng ấy sẽ chuyển sang vai của Thủ tướng kế tiếp.

Truyền thông phương Tây cho rằng, mặc dù ông Boris Johnson đã chấp nhận rút lui nhưng yếu tố bất ổn vẫn còn. Đầu tiên, đó là không ai biết khi nào thì đảng Bảo thủ Anh mới hoàn tất việc lựa chọn một lãnh đạo mới lên thay ông Boris Johnson. Chí ít thì cũng phải đợi tới ngày 5/9, nếu như kế hoạch suôn sẻ.

Hiện đã xuất hiện một số tiếng nói từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ khi cho rằng các ứng viên ít có cơ hội chiến thắng cần từ bỏ cuộc đua. Và thay vì tổ chức bỏ phiếu rất phức tạp thì nên thương lượng và thỏa hiệp trong đảng để sớm chọn ra tân Thủ tướng. Càng chậm trễ sẽ càng khiến các vấn đề cấp bách của đất nước khó xử lý và có thể làm phát sinh những tình huống không mong muốn khác.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, với những ứng viên chính thức thì cũng chưa thấy gương mặt nào thực sự nổi trội. Tới nay, truyền thông Anh đang nghiêng về ông Rishi Sunak và bà Liz Truss. Ông Rishi Sunak chính là nhân vật đứng sau những chính sách kinh tế lớn của nước Anh trong hơn 2 năm qua.

Còn bà Liz Truss - Ngoại trưởng đương nhiệm thì gây được sự chú ý trong nội bộ đảng Bảo thủ vì các quan điểm cứng rắn về Brexit, Bắc Ailen hay về xung đột Nga - Ukraine.

Ngoài hai nhân vật này, cũng có thể một nhân vật thứ 3 “tạo bất ngờ” là ông Tom Tugendhat - Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Hạ viện Anh. Ông Tugendhat vốn là một quân nhân và là người có các quan điểm mạnh mẽ về đối ngoại.

Theo truyền thống, khi đảng Bảo thủ cầm quyền chọn được lãnh đạo mới, Thủ tướng Johnson sẽ nộp đơn xin từ chức lên Nữ hoàng Elizabeth II.

Sau đó, Điện Buckingham sẽ thông báo chính thức rằng Nữ hoàng chấp nhận đơn từ chức của ông Johnson và Nữ hoàng đã mời ai làm Thủ tướng thay thế. Người này sau đó sẽ tới gặp Nữ hoàng và chấp thuận đề nghị làm Thủ tướng nước Anh cho tới khi cuộc tổng tuyển cử mới được tổ chức vào tháng 12/2024.

Ông Boris Johnson sinh ngày 19/6/964, đương kim Thủ tướng Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã tuyên bố rút khỏi vị trí lãnh đạo của đảng Bảo thủ vào ngày 7/7/2022. Ông Johnson từng là Thị trưởng London từ 2008 đến 2016. Ngày 13/7/2016, được Thủ tướng lúc bấy giờ là bà Theresa May bổ nhiệm làm Ngoại trưởng. Năm 2018, ông từ chức.

Ông Boris Johnson, sinh ra ở thành phố New York (Mỹ) trong gia đình người Anh thuộc tầng lớp trung lưu, đã theo học tại nhiều trường châu Âu. Tốt nghiệp đại học, Johnson bắt đầu sự nghiệp bằng nghề làm báo, tại The Times, rồi The Daily Telegraph, The Spectator. Năm 2008, được bầu làm Thị trưởng London. Năm 2012, tái đắc cử. Năm 2016, ông Johnson trở thành nhân vật nổi bật trong chiến dịch bỏ phiếu thành công cho Brexit, nước Anh rời khỏi EU. Tháng 7/2019, ông được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo thủ và được bổ nhiệm làm Thủ tướng, sau khi bà Theresa May từ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sóng gió chính trường nước Anh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO