Gian nan cuộc chiến với thiên tai

Dạ Yến 02/11/2017 08:15

Ở một đất nước mà hàng năm có tới hơn mười cơn bão đổ bộ, chưa kể mưa lũ bất thường, cơn bão cơn lũ nào cũng hung hãn và tàn phá nhiều nhà cửa, tài sản và cướp đi mạng sống của bao người, Việt Nam chưa bao giờ hết gian nan trong cuộc chiến với thiên tai. Nhưng cũng từ trong gian nan ấy những tấm lòng nhân ái, những nghị lực phi thường chính là động lực để cộng đồng cùng nhau khơi dậy tinh thần chung tay hành động sẵn sàng ứng phó với thiên tai ngày một chủ động hơn.


Chủ tịch Trần Thanh Mẫn vào tâm lũ Mường La, Sơn La. (Ảnh: Quang Vinh).

Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, với địa hình tự nhiên trải dài trên 15 vĩ độ và đường bờ biển dài trên 3.200 km. Đây là điều kiện thuận lợi, là tiềm năng to lớn cho phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển. Nhưng đồng thời chúng ta cũng thường xuyên phải đối mặt với nhiều thiên tai, bão, lũ...

Miền Trung là nơi người dân quanh năm luôn phải gồng mình chống chọi với thiên tai dồn dập. Trong khi đó ở các tỉnh miền núi phía Bắc luôn phải đối diện với những cơn lũ ống, sạt lở đất do mưa lớn gây ra.

Thiên tai không chỉ cản trở tiến trình phát triển kinh tế-xã hội mà còn gây thiệt hại vô cùng nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Còn nhớ năm 2016, chỉ tính riêng đợt mưa lũ liên tiếp, bất thường ở miền Trung cuối năm đã làm ít nhất 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương, hơn 316.000 căn nhà bị ngập, gần 82.000 ha lúa và hoa màu bị hư hại với thiệt hại ước tính lên đến trên 8.500 tỷ đồng.

Nhưng cứ mỗi năm, bão lại tới và ngày càng hung hãn hơn. Bão Doksuri (bão số 10) vừa đổ bộ vào đất liền nước ta với sức gió cấp 11-12, giật cấp 15 là một ví dụ. Tâm bão kéo dài từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình.

Bão số 10 cũng là cơn bão đầu tiên ở Việt Nam được Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đưa ra mức cảnh báo nguy hiểm cấp độ 4 (màu đỏ), tiệm cận với mức độ thảm họa (màu tím).

Bởi vậy khi cơn bão đi qua đã để lại những con số nhức nhối. Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, bão số 10 đã khiến 9 người chết, 4 người mất tích sau khi đổ bộ các tỉnh miền Trung. Ngoài ra, bão số 10 cũng làm 112 người bị thương; hơn 150.000 ngôi nhà bị hư hỏng; gãy đổ hàng ngàn cột điện; hàng ngàn ha hoa màu, lúa bị ngập trong nước; nhiều tàu thuyền bị đánh chìm, hư hỏng và nhiều tuyến đê biển bị sạt lở…

Hiện các địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại và khắc phục hậu quả sau bão để ổn định cuộc sống người dân. Trong đó Quảng Bình ước tính thiệt hại khoảng 7680 tỷ đồng, Hà Tĩnh khoảng 6000 tỷ đồng, Nghệ An khoảng 500 tỷ đồng…

Một cơn bão đi qua để lại những con số hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng những con số khủng khiếp đó có lẽ vẫn chưa thể khiến người ta hình dung hết được sự tàn khốc như đã để lại cho vợ chồng anh Trần Văn Thảo, chị Cao Thị Liên ở thôn Bắc Tiến xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh là một căn nhà trơ móng và tan tác những gạch ngói vương vãi. Mọi tài sản của gia đình anh Thảo đã tiêu tan theo bão. Nhìn gia cảnh anh Thảo phải sống tạm trong một cái lán tạm bợ, chật chội, mọi sinh hoạt đều thiếu thốn mới thấy thân phận con người thật bé nhỏ trước sự tàn khốc của thiên tai.

Gia đình anh Thảo chỉ là một trong nhiều gia đình bị mất hoàn toàn nhà cửa ở miền Trung khi bão số 10 đổ bộ nhưng nếu phải làm một phép so sánh, anh Thảo vẫn may mắn hơn nhiều người bị mất nhà, mất cả gia đình như anh Lê Doãn Dũng ở Mù Cang Chải, Yên Bái trong trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt cục bộ do mưa lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc hồi đầu tháng 8 vừa qua.

Vợ chồng anh Dũng dành dụm mãi cũng xây được căn nhà mới ở hơn 1 năm nay thì chỉ trong phút chốc dòng lũ cuồng nộ cuốn phăng ngôi nhà cùng vợ và hai cô con gái xuống suối Nậm Kim theo hướng thuỷ điện Khao Mang, còn anh bị cuốn ra đường quốc lộ, may mắn được người dân cứu vớt.

Chúng tôi mãi ám ảnh bởi câu hỏi như cào xé tâm can của anh Dũng: “Tôi biết sống thế nào? Vợ con bị lũ cuốn mất rồi, nhà cửa còn gì nữa đâu”.

Nhưng điều lo sợ hơn nữa là câu hỏi của anh Dũng vẫn là những câu mà chúng ta phải nghe lại sau mỗi mùa mưa bão.

Điểm lại những cơn bão lịch sử trong hàng chục năm qua trên thế giới để thấy sự thiệt hại về con người mới là điều khủng khiếp nhất: Bão Bloha đổ bộ vào Bangladesh năm 1970 làm 300.000 người thiệt mạng; Bão Nina đổ bộ vào Trung Quốc năm 1975 làm 229.000 người bị thiệt mạng; Bão 01B đổ bộ vào Myanmar năm 2008 làm 140.000 người thiệt mạng.

Bởi vậy, siêu bão số 10 vừa đổ bộ vào miền Trung nước ta với sức gió không hề thua kém các trận bão kể trên mà số người không may bị thiệt mạng chưa đến 10 hẳn là một kỳ tích cho thấy sự chủ động, phòng tránh bão của người dân đang ngày một nâng cao hơn.

Tuy nhiên, siêu bão số 10 vẫn chưa phải là cơn bão cuối cùng của năm nay. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, từ nay đến cuối năm sẽ còn khoảng 2-4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông. Trong đó, 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền nước ta và tập trung chủ yếu ở khu vực Trung Bộ.

Không có một nhà khoa học nào có thể đưa ra dự báo sức huỷ diệt của những cơn bão tiếp theo ở cấp độ nào. Bởi thông thường các nhà khí tượng chỉ có thể dự báo được đường đi, cấp độ gió của bão trước khoảng 2-3 ngày khi nó đã hình thành.

Cuộc chiến với thiên tai vẫn tiếp diễn và vô cùng gian nan. Nhưng cũng từ trong gian nan ấy những tấm lòng nhân ái, những nghị lực phi thường của bà con vùng bão lũ chính là động lực để cộng đồng cùng nhau khơi dậy tinh thần chung tay hành động sẵn sàng ứng phó với thiên tai ngày một chủ động hơn.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam ủng hộ đồng bào bị bão lũ, vào những ngày này, từ sáng sớm cho đến chiều muộn luôn có những cơ quan, tổ chức, cá nhân đến Mặt trận trao tiền hỗ trợ cho đồng bào miền Trung.

Trong mất mát, việc cứu trợ luôn được thực hiện rất chặt chẽ, kịp thời và có hiệu quả. Nhưng với ông Trần Thanh Mẫn, gánh nặng không chỉ đến từ hai vai khi vừa là Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam vừa là Trưởng ban Cứu trợ Trung ương.

Hơn 3 tháng được Đảng và Mặt trận giao trọng trách là Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thì không dưới 2 lần ông Trần Thanh Mẫn đi vào tâm bão, tâm lũ kèm với đó là công điện khẩn, Lời Kêu gọi ủng hộ đồng bào bão lũ chưa kể nhiều quyết định cứu trợ khẩn cấp liên tiếp được ký vào những buổi chiều muộn.

Bão, lũ thuộc về quy luật của thiên nhiên, con người không thể cấm cản mà phải học cách thích nghi cho nên theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, cứu trợ phải tính chuyện lâu dài.

Bão đi đến đâu, cứu trợ theo đến đó. Tâm bão ở đâu, đoàn cứu trợ đến đó. Từ Yên Bái, Sơn La đến Điện Biên, Lai Châu từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Quảng Bình...

Những con đường hoang tàn, sạt lở, những ngôi nhà đổ nát, nham nhở, những dòng sông đầy bùn và củi mà trong đó lổn nhổn mái nhà, xe cộ, bàn ghế, sách vở, xác động vật và cả những thi thể còn chưa được tìm thấy… là những hình ảnh trong nhiều chuyến đi xuyên đêm không ngừng nghỉ của đoàn cứu trợ trung ương cốt sao đến được với bà con vùng bão, lũ để san sẻ vợi bớt những gánh nặng mất mát.

Từ những chuyến đi như thế, tại buổi làm việc nhanh với chính quyền và Mặt trận các địa phương, Trưởng ban Cứu trợ trung ương luôn trăn trở với việc cứu trợ không đáp ứng nhu cầu của người dân, trong khi cái hỗ trợ thì dân lại chưa cần.

Bởi vậy, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, cứu trợ phải đảm bảo “3 đúng, 2 không”: Đúng lúc, đúng nhu cầu, đúng đối tượng- Không được để hộ dân nào bị đói, không được để trẻ em bị thất học. Và dứt khoát không để xảy ra sai sót.

Nhưng người đứng đầu Mặt trận cũng cho rằng, chúng ta phải nhìn về lâu dài, mà ở đó là tâm thế chủ động, ý thức tự giác, kỹ năng chủ động phòng tránh và thích nghi với thiên tai của mỗi người.

Bởi tính mạng con người vẫn là quan trọng nhất. Còn người là còn của và vì thế việc bảo vệ tính mạng con người luôn phải đặt lên hàng đầu.

Tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến cực đoan, khó lường. Do đó, công tác phòng chống thiên tai sẽ ngày càng phức tạp hơn, đòi hỏi cần có sự chủ động vào cuộc quyết liệt hơn.

Trong đó các địa phương phải chủ động, tập trung rà soát, di dời các hộ dân ở khu vực có nguy cơ rủi ro cao về thiên tai, nhất là vùng ngập sâu, lũ quét và sạt lở đất gắn với xây dựng các công trình cộng đồng kết hợp phòng tránh thiên tai tại các vùng thường xuyên xảy ra bão, lũ và tìm phương án hỗ trợ người dân, nhất là các hộ nghèo, gia đình chính sách xây dựng nhà tránh lũ, các công trình, phương tiện chủ động phòng tránh thiên tai ngay tại gia đình.

“Mặt trận vừa phát động phong trào thi đua Đoàn kết – Sáng tạo. Mỗi người hãy tiếp tục phát huy các sáng kiến thiết thực, các hành động cụ thể để cùng chung tay ứng phó với thiên tai đó cũng chính là một cách để chúng ta giành thế chủ động hơn trong cuộc chiến gian nan này”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan cuộc chiến với thiên tai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO