Hà Nội bối rối khi 'xã hội hóa' sân khấu

Hiền Mai 29/07/2016 07:25

Chủ trương đã có từ gần 20 năm qua, lộ trình cũng đã được hoạch định nhưng cho tới nay sân khấu Hà Nội vẫn chưa thực sự bước vào công cuộc xã hội hóa. Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo “Sân khấu Hà Nội với xã hội hóa” do Hội Sân khấu Hà Nội vừa tổ chức.

Hà Nội bối rối khi 'xã hội hóa' sân khấu

Trích đoạn Thị Màu lên chùa - Nhà hát Chèo Hà Nội.

Khó tự chủ kinh phí

Những phân tích tại hội thảo một lần nữa chỉ ra thực trạng: nếu như khu vực phía Nam, đặc biệt là TP HCM, đã xây dựng được một loạt mô hình sân khấu kịch xã hội hóa trong 20 năm qua như sân khấu Idecaf, sân khấu 5B Võ Văn Tần, sân khấu Hồng Vân, sân khấu Hoàng Thái Thanh, Công ty TNHH Nụ Cười Mới... thì tại khu vực phía Bắc và Hà Nội, nhiều nhà hát công lập vẫn đủng đỉnh với khái niệm xã hội hóa.

Tìm hiểu về việc xã hội hóa sân khấu tại Thủ đô, đại diện nhiều nhà hát cho biết, đây là một việc “mới” với đa phần giới nghệ sĩ miền Bắc nên các đơn vị nghệ thuật đang rất thận trọng.

Nhưng thực tế là các nghệ sĩ đều thuộc biên chế của một đơn vị nghệ thuật công lập, được hưởng nhiều ưu ái về nhiều mặt, được nhà nước xây rạp biểu diễn cho, được lĩnh lương hàng tháng, vở dựng xong không diễn được cũng không mất tiền túi vì kinh phí xây dựng vở do nhà nước cấp, nên chưa xã hội hóa sân khấu thì cũng chưa “chết” được.

Vì thế các nhà hát công lập không vội vàng gì trước chủ trương xã hội hóa cũng là điều dễ hiểu. Trong khi theo lộ trình xã hội hóa của sân khấu Hà Nội, đến năm 2020 tất cả các nhà hát công lập đều phải tự chủ hoạt động 100%. Có nghĩa là tính từ thời điểm này thì chặng đường xã hội hóa của sân khấu Thủ đô chỉ còn 4 năm trước mắt.

Tại hội thảo, các đại biểu cho biết hiện trong số 5 nhà hát công lập tại Thủ đô gồm Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát Cải lương Hà Nội và Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội, chỉ có duy nhất Nhà hát Múa rối Thăng Long tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động.

Từ năm 2000, có nghĩa đã hơn 15 năm qua Nhà hát Múa rối Thăng Long là đơn vị đầu tiên và duy nhất của Hà Nội thực hiện xã hội hóa và tự chủ 100% kinh phí hoạt động. Còn lại các nhà hát khác thỉnh thoảng cũng tìm kiếm được các nguồn tài trợ để dựng vở, làm chương trình chứ chưa ráo riết tìm cách xã hội hóa hoạt động của nhà hát. Họ vẫn trông chờ vào ngân sách nhà nước là chủ yếu.

Đóng góp ý kiến về chủ trương xã hội hóa, NSND Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội thẳng thắn: Đã đến lúc sân khấu Hà Nội không thể sống mãi bằng ngân sách nhà nước. Song nhà nước cũng cần có chính sách đặc thù cho các loại hình sân khấu truyền thống như chèo, tuồng, cải lương… Nghệ sĩ Thúy Mùi cũng cho rằng, nhà nước không nên để các đơn vị nghệ thuật sống lay lắt mãi.

Để công chúng được lựa chọn tác phẩm

Tại hội thảo, có ý kiến đặt ra: phải chăng do xã hội hóa một cách thiếu định hướng như thời gian qua nên đã dẫn tới tình trạng ảm đạm của sân khấu Hà Nội lâu nay?

Theo NSND Lê Tiến Thọ- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: Để xã hội hóa hiệu quả và thành công, các nhà hát phải có đề án xã hội hóa của riêng mình để từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể. Ông cũng đề xuất nên thành lập Quỹ phát triển nghệ thuật sân khấu Thủ đô, huy động từ khán giả, từ nhân dân để đầu tư trở lại cho tác phẩm. Càng nhiều tác phẩm hay thì khán giả càng ủng hộ cho Quỹ và càng kích thích nghệ sĩ sáng tạo.

Nhìn rộng ra không chỉ ở lĩnh vực sân khấu, xã hội hóa đồng nghĩa với việc giúp công chúng được lựa chọn tác phẩm theo nhu cầu. Khi công chúng đóng góp ngân sách để giúp các nhà hát dựng vở, nó giống như một cú hích để các nhà hát đầu tư về chất lượng, đồng thời khán giả cũng được thưởng thức những món ăn tinh thần đúng “gu” của họ.

Đơn cử như như Nhà hát Cải lương Việt Nam lâu nay đã kêu gọi nhà tài trợ, đầu tư dựng vở như cách làm của các show ca nhạc hoặc các bộ phim thị trường. Sau một thời gian chuẩn bị, đến năm 2015 nhà hát đã kịp tung ra các vở diễn khá “nặng ký” thuộc thể loại lịch sử như “Chuyện tình Khau Vai”, “Mai Hắc Đế” đủ để thõa mãn giấc mơ hiện đại hóa cải lương. Cả hai vở diễn ấy đều “cháy vé”. Và tới cuối năm 2015, Nhà hát Cải lương Việt Nam tiếp tục ra mắt vở “Vua Phật”, tặng 2.000 vé cho khán giả.

Vì vậy đề xuất của NSND Lê Tiến Thọ về một Quỹ phát triển nghệ thuật sân khấu Thủ đô có thể xem như một gợi ý, một cách làm- nằm trong lộ trình xã hội hóa của các nhà hát còn chưa mặn mà với chủ trương này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội bối rối khi 'xã hội hóa' sân khấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO