Cần thay đổi tư duy và định hướng với tiếng Anh

Nguyễn Thị Dung 25/05/2017 09:00

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT qui định dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học 2 tiết/tuần đang nhận được nhiều ý kiến phản biện, đóng góp với đa số ý kiến cho rằng thời lượng 2 tiết/tuần là không đủ để đạt mục tiêu đề ra và đề xuất tăng lên 4 tiết, 8 tiết/tuần…

Xét tổng thể, đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh trên cả nước đang thiếu cả số lượng lẫn chất lượng. Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, dù được đầu tư nhiều ngàn tỷ đồng ngân sách và đã đi qua khoảng 1/3 chặng đường, nhưng những gì thu được thời gian qua cho thấy đề án này khó mà đạt được mục tiêu đề ra.

Theo đề án, đến năm 2020, giáo viên và học sinh phải đạt các chuẩn tiếng Anh theo khung tham chiếu châu Âu (6 bậc) hoặc tương đương. Đối với giáo viên, việc học tập bồi dưỡng nâng cao, thi chứng chỉ thời gian qua cho thấy tỷ lệ giáo viên thi đạt chuẩn theo yêu cầu rất thấp.

Có thể chỉ ra hai nguyên nhân chính, đó là các kiến thức phải đạt được theo chuẩn của khung tham chiếu châu Âu quá hàn lâm, không gắn với thực tế, và giáo viên dạy tiếng Anh ở ta lâu nay không có môi trường để rèn giũa các kỹ năng nên các kỹ năng học được trong trường đại học sau khi ra trường cứ mỗi ngày một cùn đi.

Thày như vậy thì trò sẽ ra sao?. Một thực tế ai cũng nhận thấy là học sinh Việt Nam học tiếng Anh với thời lượng khá nhiều nhưng khả năng giao tiếp kém, ngay cả các sinh viên chuyên ngữ cũng gặp khó khăn hoặc không giao tiếp được bằng tiếng Anh.

Bộ GD-ĐT và nhà nước, chính phủ nên xác định mục tiêu và quyết tâm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai (second language) ở nước ta chứ không phải là một ngoại ngữ (foreign languae) như hiện nay. Khi đó tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ bắt buộc sử dụng trong tất cả các văn bản giao dịch chính thức bên cạnh tiếng Việt, được dùng để giảng dạy các môn khoa học trong các trường phổ thông cũng như các trường đại học.

Để đạt được mục tiêu này, trong chương trình giáo dục phổ thông, việc dạy và học tiếng Anh, nên được định hướng theo một số giai đoạn như sau: Giai đoạn 1: Học sinh phổ thông sẽ học 1 hoặc 2 môn khoa học bằng tiếng Anh song song với việc học môn đó bằng tiếng Việt. Có thể bắt đầu từ Trung học cơ sở và thí điểm trước ở các thành phố lớn. Khi đã đủ giáo viên thì thực hiện trên toàn quốc.

Để đạt được mục tiêu này học sinh tiểu học sẽ được học tiếng Anh ngay từ lớp 1 ( nơi có điều kiện có thể cho trẻ làm quen với tiếng Anh từ mẫu giáo) với thời lượng 5 – 8 tiết/tuần tùy vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Việc cho trẻ học tiếng Anh từ lớp 1 là không sớm vì theo một số chuyên gia ngôn ngữ nghiên cứu về việc học ngôn ngữ của trẻ thì “thời kỳ cửa sổ mở” ở trẻ (là giai đoạn trẻ em tiếp thu ngôn ngữ: học cách phát âm cũng như ngữ điệu của một ngôn ngữ nào đó một cách tốt nhất) là khi trẻ dưới 8 tuổi.

Giai đoạn 1 sẽ kéo dài từ 3-5 năm tính từ khi thực hiện đại trà trên cả nước.

Giai đoạn 2: Từ THCS trở lên học sinh bắt buộc học 1 hoặc 2 môn khoa học bằng tiếng Anh (không còn học song ngữ như giai đoạn 1). Giai đoạn này kéo dài khoảng 5-7 năm tính từ khi thực hiện đại trà toàn quốc.

Giai đoạn 3: Trong các trường phổ thông, từ THCS trở lên và trong các trường ĐH, CĐ… học sinh, sinh viên bắt buộc phải học tất cả các môn khoa học bằng tiếng Anh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần thay đổi tư duy và định hướng với tiếng Anh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO