Thiếu và yếu cơ sở dữ liệu cung cầu lao động

Lan Hương 27/10/2017 08:15

Ngày 26/10 tại Hà Nội, Bộ LĐTB&XH đã tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng xây dựng và định hướng phát triển cơ sở dữ liệu thị trường lao động.

Dù việc triển khai cơ sở dữ liệu cung cầu lao động đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều tiết nhu cầu của thị trường lao động. Song do hạn chế về kinh phí, về lực lượng điều tra viên…nên việc phát triển cơ sở dữ liệu cung cầu lao động còn hạn chế.

Sau nhiều năm tình trạng lệch pha cung – cầu chưa được hạn chế.

Chập chờn khái niệm

Báo cáo của Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) cho biết, bắt đầu được triển khai từ năm 2008 (năm 2008 thí điểm tại 4 tỉnh, năm 2009 thí điểm tại 15 tỉnh, từ năm 2010 triển khai toàn quốc) đến nay đã cơ bản có nguồn dữ liệu để phục vụ công tác quản lý về lao động, việc làm, hoạch định chính sách và phát triển nguồn nhân lực của các cấp tại địa phương.

Tại Hà Nội đã sử dụng dữ liệu để xây dựng các ấn phẩm như bản tin thị trường lao động. Ngoài ra có nhiều địa phương khác cũng đã quan tâm đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu, hàng năm bố trí kinh phí đối ứng để tổ chức thực hiện.

Đối với cơ sở dữ liệu Cầu lao động sau 5 triển khai đã có được thông tin của toàn bộ doanh nghiệp (DN) tại 63 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Tính đến năm 2016 số DN thu thập, cập nhập là 311.115 DN và hơn 5 nghìn hợp tác xã phi nông nghiệp. Cơ sở dữ liệu Cầu lao động điện tử đã giúp các địa phương quản lý và khai thác được chỉ số thông tin về việc làm, lao động tại các DN và hợp tác xã, từ đó đưa ra các chính sách kết nối cung, cầu lao động, phát triển nguồn nhân lực đào tạo nghề gắn với nhu cầu của DN.

Bên cạnh những kết quả trên, báo cáo của Cục Việc làm cũng thừa nhận một thực tế là dù đã được triển khai trong một thời gian dài, nhưng việc khai thác sử dụng dữ liệu trên không ít hạn chế. Lý do số liệu không đầy đủ, độ tin cậy số liệu chưa cao.

Đánh giá về việc triển khai cơ sở dữ liệu cung cầu lao động, đại diện Trung tâm Quốc gia về việc làm cũng thẳng thắn chỉ ra rằng: Do dữ liệu được lưu trữ theo thôn, nên có địa phương không ghi chép thôn đó mà coppy dữ liệu thôn khác rồi thay đổi tên, làm ảnh hưởng đến chất lượng thông tin.

Bên cạnh đó điều tra viên thay đổi nhiều, không được tập huấn kỹ nên chưa hiểu rõ về các khái niệm việc làm, thất nghiệp dẫn đến thông tin ghi chép chưa chuẩn.

Bao giờ có dữ liệu chuẩn?

Thực tế cho thấy trong thời gian gần đây, thị trường lao động luôn lâm vào tình cảnh “lệch pha” về cung – cầu. Hệ quả là ở nhiều thành phố lớn dù DN đỏ mắt tuyển nhân sự trong khi người lao động lại thất nghiệp.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu thẳng thắn cho rằng, trong xu thế hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đòi hỏi thị trường lao động ở Việt Nam phát triển linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thế nhưng hiện thị trường lao động Việt Nam đang bộc lộ nhiều yếu điểm lẫn mâu thuẫn, trong đó nghiêm trọng nhất là mất cân bằng giữa cung và cầu, năng suất lao động thấp.

Trong khi chúng ta dư thừa sức lao động ở nông thôn thì ở lĩnh vực phát triển công nghiệp, các ngành dịch vụ trung cao cấp lại thiếu hụt lao động trầm trọng.

Theo bà Lê Thị Trang Đài- Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Bà Rịa Vũng Tàu, cũng như một số địa phương, việc kết nối cung cầu đang được triển khai qua hệ thống thứ nhất là tư vấn giới thiệu việc làm qua các sàn giao dịch, qua trang web, qua các sàn giao dịch lưu động về các địa phương. Việc kết nối này cũng mang tính chất cơ học để DN và người lao động tự tìm nên đến nay chưa hiệu quả.

Cũng theo bà Lê Thị Trang Đài, nhận thấy việc kết nối cung cầu thị trường đóng vai trò rất quan trọng, chính quyền địa phương cũng chỉ đạo quyết liệt để có thể dự báo được cung cầu tạo điều kiện cho DN có thể kết nối được với người lao động.

Tuy nhiên thực tế thời gian qua, nỗ lực là chưa đủ bởi vì hệ thống quản lý nhà nước đáp ứng được trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như rà soát lại đánh giá một cách nghiêm túc toàn bộ công việc đang làm thì vẫn còn rất nhiều lỗ hổng.

Trước những ý kiến đánh giá trên của các đại biểu,Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cũng thừa nhận, trên cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động được thu thập, cập nhập hàng năm, ngành LĐTB&XH đã có được bộ số liệu cơ bản phục vụ quản lý lao động việc làm.

Đồng thời đề xuất các chính sách, tuy nhiên vẫn còn không ít những khó khăn, vướng mắc về lực lượng điều tra viên, kinh phí, khai thác sử dụng dữ liệu…dẫn đến chưa có được những cơ sở dữ liệu chuẩn xác phục vụ cho công tác định hướng thị trường lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu và yếu cơ sở dữ liệu cung cầu lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO