Xử nghiêm bạo lực học đường

Lê Vinh 05/11/2016 20:18

Gần đây, dư luận rất lo lắng về hiện tượng bạo lực ở tuổi vị thành niên, với những vụ việc nghiêm trọng, tính chất dã man. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải nghiêm khắc hơn với trẻ vị thành niên phạm tội nghiêm trọng.

Xử nghiêm bạo lực học đường

Ảnh cắt từ clip một vụ học sinh đánh nhau.

Những vụ việc đau lòng

Xã hội thật sự bất bình với nhiều clip vị thành niên đánh nhau theo kiểu hội đồng được đưa lên mạng trong thờ gian vừa qua. Những người chứng kiến cảnh bạo lực đã lớn tiếng reo hò, cổ vũ khiến dư luận càng thêm bức xúc.

Mới đây, ngày 27/10, giáo viên Trường THCS Thị trấn Thanh Chương (huyện Thanh Chương, Nghệ An) có mời phụ huynh em Nguyễn Trọng Mạnh- học sinh lớp 8 của trường đến để bàn bạc, phối hợp trong việc giáo dục học sinh này.

Khi thầy Nguyễn Hữu Hiếu (SN 1979), giáo viên bộ môn Hóa học kiêm Trưởng ban An ninh Trường THCS Thị trấn Thanh Chương đang làm việc với phụ huynh thì bất ngờ học sinh này đến trường, mang theo 1 con dao đuổi chém thầy Hiếu. Công an thị trấn Thanh Chương đã có mặt, khống chế, tước vũ khí của Mạnh, triệu tập học sinh này. Thầy Hiếu bị thương nặng, được các đồng nghiệp đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Theo Ông Đặng Văn Hóa- Trưởng Phòng GDĐT huyện Thanh Chương, Ban giám hiệu Trường THCS Thị trấn Thanh Chương đã đình chỉ học tập đối với em Nguyễn Trọng Mạnh 1 tuần để học sinh này làm bản kiểm điểm.

Cũng mới đây, chiều 31/10, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nhà Bè, TP HCM lấy lời khai hai đối tượng T.N.H.Y, tự “Nhí Tino” (SN 2.000) và Đ.T.Th.H, tự “Thảo Nhi” (SN 2001, ngụ Q.7) để làm rõ về hành vi đánh đập dã man một nữ sinh rồi bắt nạn nhân phải liếm chân. Nạn nhân được xác định là em V.N.T.U (SN 2001, ngụ huyện Nhà Bè) hiện đang học ở trường nghề Nguyễn Hữu Cảnh (Q.7).

Tại cơ quan công an, Nhí Tino và Thảo Nhi cúi đầu khai nhận hành vi phạm tội của mình và cho biết nguyên nhân xuất phát từ ghen tuông đồng tính. Theo đó, Thảo Nhi có quan hệ đồng tính với một bạn gái khác.

Do V.N.T.U khen người bạn của Thảo Nhi có nụ cười đẹp nên Thảo Nhi không hài lòng.Thảo Nhi bàn với Nhí Tino đánh T.U để dằn mặt. Ngày 28/8, Nhí Tino và Thảo Nhi gọi T.U ra một quán trà sữa để nói chuyện.

Lúc này, ngoài Nhí Tino và Thảo Nhi còn có 12 đối tượng khác. Chúng điều nạn nhân ra đoạn đường vắng ở khu dân cư Phú Xuân (ấp 3, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè) để đánh dã man như clip tung trên mạng. Sau đó, chúng đưa nạn nhân về lại quán trà sữa rồi lấy hai điếu thuốc dí vào tay nạn nhân gây bỏng.

Được biết Nhí Tino sống lang thang và lập nhóm quy tụ nhiều đối tượng nam nữ dưới 16 tuổi, đa phần là đã bỏ học. Do thiếu sự quan tâm giáo dục từ gia đình nên các đối tượng này có mối quan hệ khá phức tạp và nhiều em bỏ đi bụi sống bầy đàn, chủ yếu là quan hệ tình cảm đồng giới.

Đáng ngại nữa là một bộ phận học sinh còn thờ ơ, thản nhiên quay clip đưa lên mạng thay vì khẩn trương báo cho người lớn, cơ quan chức năng hay là can ngăn, giúp đỡ nạn nhân.

Cần xử lý nghiêm

Trách nhiệm của nhà trường hay gia đình? Câu hỏi ấy bao năm rồi vẫn lặp lại. Tại sao giới trẻ ngày nay lại biến chất đến thế? Hay những bài học giáo dục đạo đức công dân ở trường học, tình yêu thương của gia đình còn thiếu? Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, nhiều ĐBQH đã mổ xẻ vấn đề này ở nhiều góc độ.

ĐBQH Đặng Minh Châu (Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm) cho rằng tác động của phim ảnh, mạng xã hội không phải là nhỏ, nhưng bên cạnh đó, cũng phải nói thẳng là giáo dục mới chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức, chưa quan tâm thấu đáo đến việc giáo dục đạo đức, về sự đoàn kết thân ái cho học sinh.

Trong khi đó, giáo dục tại gia đình cũng đang có vấn đề. Cha mẹ mải làm ăn, ít quan tâm đến con cái. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh: Thực ra, những việc cha mẹ làm cuối cùng cũng là vì con cái, cho con cái. Nhưng phải nhớ rằng vật chất thì có giới hạn thôi, trách nhiệm giáo dục con cái mới là vô hạn.

Còn ĐBQH Trần Thị Phương Hoa- Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội thì băn khoăn khi trước đây, bạo lực học đường thường chỉ xảy ra với nam giới, nhưng gần đây thì diễn ra ở nữ giới rất nhiều. Trước đây, các em chỉ xúc phạm nhau bằng lời nói để ảnh hưởng đến tinh thần của nhau nhưng gần đây, thường xuyên xuất hiện những hành động có tính côn đồ như trà đạp, xé áo, gây thương tích,…

Theo bà Hoa, xã hội cần phải lên án và có biện pháp ngăn chặn, giáo dục. Các em đang trong giai đoạn phát triển, trưởng thành và tâm lý cũng chưa được ổn định, đặc biệt các em có cái tôi rất lớn, động cơ cá nhân nhiều mà lại chưa hiểu hết về pháp luật.

Trong khi đó, thầy giáo Hà Huy Lâm – cựu giáo viên trường THPT Hai Bà Trưng thì cho rằng hiện nay, việc bùng nổ công nghệ thông tin, đặc biệt là Internet, phim ảnh, game online có nội dung bạo lực dễ làm cho giới trẻ vốn có sức đề kháng kém đã bị nhiễm và học theo.

Bên cạnh đó, có nguyên nhân về gia đình. Người lớn vì miếng cơm manh áo, tập trung vào làm ăn mà xao lãng giáo dục trong gia đình, đặc biệt là giáo dục lễ độ, hướng thiện.

Thậm chí, trong gia đình, có thể bố mẹ đánh nhau, văng tục chửi bậy. Khi đến trường học, có một số ít thầy cô là tấm gương xấu. Hơn ai hết, theo thầy Lâm, chính các cơ quan chức năng phải phòng ngừa và răn đe để cho trẻ vị thành niên không gây ra những tội ác nghiêm trọng. Khi trẻ vị thành niên vi phạm, cần phải xử lý nghiêm minh.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thì bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân quan trọng là từ giáo dục trong nhà trường.

Nội dung chương trình giáo dục đạo đức - công dân còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn, phương pháp giảng dạy chưa cuốn hút học sinh. Phương thức tổ chức hoạt động ngoại khóa lại chưa phù hợp, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm để giúp học sinh nhận thức được các bài học về giá trị của lòng nhân ái, bao dung và trách nhiệm của bản thân,...

Khi bạo lực học đường xảy ra, nhiều Ban giám hiệu nhà trường thường chọn biện pháp kỷ luật trong nhà trường nhằm bảo đảm cho trẻ phát triển bình thường, không ảnh hưởng đến quá trình học tập cũng như tâm sinh lý của trẻ mà ít áp dụng những hình phạt mang tính cứng rắn.

Nhưng theo Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP HCM), với trẻ em nếu cứ để nhà trường “tự giải quyết” thì hiện tượng BLHĐ chắc chắn sẽ ngày càng gia tăng, tạo nên môi trường xấu cho xã hội. Phải xử lý “ra ngô ra khoai” mỗi vụ việc mới đủ sức cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử nghiêm bạo lực học đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO