Xử nghiêm để bảo vệ rừng

Nghĩa Sơn-Thành Nhân 20/09/2017 08:05

Báo Đại Đoàn Kết ra ngày 18/9 có bài “Tan hoang rừng phòng hộ”, phản ánh về tình trạng tàn phá rừng phòng hộ ở xã Tiên lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ngay sau khi báo ra, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phá rừng theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả với Thủ tướng.

Rừng phòng hộ ở Tiên Lãnh bị triệt hạ không thương tiếc.

Sáng ngày 19/9, trao đổi với ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam về vụ việc phá rừng ở Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước và chúng ta cần phải làm gì để ngăn chặn triệt để tình trạng này, ông Xuân Ca nhận định: “Qua báo Đại Đoàn Kết, tôi đã biết vụ việc phá rừng ở xã Tiên Lãnh và tôi biết Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu làm rõ vụ việc này. Theo tôi, nếu quả đúng như báo chí phản ánh thì đây là vụ việc phá rừng nghiêm trọng. Không thể chấp nhận để xảy ra tình trạng phá rừng kéo dài nhiều năm dẫn đến khoảng 300ha rừng tự nhiên bị tàn phá. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc, điều tra làm rõ, nếu có sai phạm của các cá nhân, tập thể thì cần phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật để bảo vệ rừng. Qua đây cho thấy, các địa phương và ngành lâm nghiệp cần phải tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng chặt chẽ hơn nữa”.

Đồng quan điểm với ông Võ Xuân Ca, bà Trần Thị Thu Ba - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tiên Phước cho rằng: “Để bảo vệ rừng ngoài các lực lượng chức năng phải làm tốt nhiệm vụ của mình thì công tác tuyên truyền phải luôn luôn được chú trọng. Cụ thể là phải vận động người dân sinh sống gần khu vực rừng phòng hộ không được phá rừng nguyên sinh để trồng keo. Vận động người dân khi phát hiện những kẻ phá rừng cần tố giác với chính quyền và xử lý nghiêm những kẻ cố tình tàn phá rừng thì mới mong bảo vệ, phát triển được rừng”.

Cùng ngày trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, ông Huỳnh Tấn Đức- giám đốc Sở NNPTNN Quảng Nam cho rằng: “Thực tế có phá rừng tự nhiên để trồng keo, nhưng đây là luỹ kế của nhiều năm mới lên con số mà báo đã phản ánh. Tuy nhiên những diện tích rừng bị phá trước đây, đa số đã có chủ trương chuyển đổi qua rừng sản xuất, người dân trồng keo là hợp lệ. Còn 9 tháng của năm 2017 này rừng bị phá khoảng 23hecta, đó là báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, nhưng con số này chưa chính thức, tôi đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm điều tra làm rõ. Sáng nay (19/9) tôi sẽ làm việc với UBND huyện Tiên Phước về vấn đề này và sẽ có báo cáo cụ thể với UBND tỉnh”.

Thực tế số lượng diện tích rừng bị phá là của nhiều năm. Tuy nhiên không thể chấp nhận việc phá rừng nguyên sinh, vốn đã được quy định bảo vệ nghiêm ngặt, phá rồi để hợp thức hoá chuyển qua trồng keo là hợp lệ. Còn 9 tháng của năm 2017 đã phá 23ha rừng nguyên sinh cũng là con số quá kinh khủng. Vậy vai trò lực lượng kiểm lâm và chính quyền ở đâu?

Trong khi lực lượng kiểm lâm có cả hệ thống từ trên tỉnh đến cơ sở với đầy đủ trang thiết bị, kể cả kiểm lâm viên từng địa bàn. Ngoài ra các rừng phòng hộ đều có ban quản lý. Phá rừng trên diện rộng, liên tục nhiều năm tại sao không có những động thái ngăn chặn, xử lý nghiêm minh để bảo vệ rừng? Tại sao và tại sao?

Được biết, ngày 19/9, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản số 5009/UBND-KTN, về việc khẩn trương kiểm tra, làm rõ vụ việc Báo phản ánh. Theo đó, giao giám đốc Sở NNPTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra tình hình thực tế để làm rõ vụ việc các Báo đã nêu; báo cáo toàn bộ vụ việc về UBND tỉnh trước ngày 25-9-2017.

Đại Đoàn Kết sẽ còn tiếp tục thông tin vụ việc này đến bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử nghiêm để bảo vệ rừng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO