Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2016 kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt 32,1 tỷ USD. Đây được xem là con số khá ấn tượng góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Tuy nhiên nghịch lý đáng buồn đang tồn tại hiện nay là mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông sản chiếm tỷ trọng khá cao song thương hiệu cho mặt hàng này lại chưa có. Hơn 90% nông sản xuất khẩu dưới dạng thô và 80% lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có nhãn mác. Điều này gây bất lợi cho khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong và ngoài nước.
Đơn cử đối với mặt hàng trái cây Việt, ở thị trường trong nước, hàng loạt trái cây ngoại như Úc, Newzealand, Hà Lan, Mỹ, Pháp,… ồ ạt chen chân tìm “chỗ đứng” tại các hệ thống bán lẻ. Với nhãn mác cụ thể, giá cả vừa phải cộng tâm lý sính ngoại nên trái cây ngoại từng bước lấy lòng khách hàng Việt. Trái cây Việt vẫn được ưa thích nhưng không phải là lựa chọn số một.
Dự báo, sắp tới đây trái cây ngoại nhập sẽ xâm chiếm thị trường mạnh hơn hiện nay do thuế suất nông sản giảm về 0% theo một số hiệp định tự do thương mại. Ở thị trường xuất khẩu, vài năm gần đây trái cây Việt bắt đầu tìm đường xuất ngoại.
Hiện vải thiều, vú sữa, thanh long,… được thị trường các nước chào đón. Thế nhưng việc xuất khẩu trái cây vẫn chưa suôn sẻ vì trái cây Việt Nam vào thị trường các nước không xuất xứ, không nhãn mác. Trái cây Việt đang được các nước nhập khẩu khoác lên mình chiếc “áo khoác” khác.
Có khá nhiều trái cây tên tuổi như vải thiều Thanh Hà, xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn,… được thị trường các nước đánh giá cao vì chất lượng không thua kém các sản phẩm khác nhưng thương hiệu trái cây gần như không có. Xuất khẩu đi các nước nhưng không chứng minh được tên tuổi đang là vấn đề trăn trở của người trồng và xuất khẩu trái cây Việt.
Một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng, 15 năm qua Việt Nam tập trung phát triển chỉ dẫn địa lý như một công cụ bảo hộ cho hàng nông sản. Nhưng, cho đến cách đây không lâu, Việt Nam vẫn mới chỉ có khoảng 43 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Riêng trái cây chỉ tồn tại dưới hình thức chỉ dẫn địa lý còn việc xây dựng thương hiệu đặc trưng quốc gia đang là bài toán khó.
Trước làn sóng thâm nhập thị trường của trái cây ngoại, cùng với sự mở rộng thị trường xuất khẩu, yêu cầu đặt ra đối với nông sản Việt nói chung và trái cây nội nói riêng là phải có kế hoạch phát triển bền vững, an toàn, theo chuỗi cung ứng, xây dựng thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh để hướng đến chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.