Thương mại điện tử, chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. Song, những trở ngại về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và khiếm khuyết của chính bản thân DN đang là những rào cản cho phát triển thương mại điện tử.
Mua sắm online ngày càng tăng mạnh.
Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo Phát triển thương mại điện tử -Tạo lợi thế cạnh tranh cho DN Việt Nam do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 2/6, tại Hà Nội.
Giao dịch điện tử “lên ngôi”
Trong xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các hình thức kinh doanh truyền thống đang dần được thay thế bằng các giao dịch thương mại điện tử. Hàng loạt các sàn giao dịch bán hàng trực tuyến được ra đời với những tên tuổi, thương hiệu lớn như Lazada, Shoppe, Sendo, Tiki… Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đem lại những cơ hội lớn để DN đẩy mạnh kinh doanh, gia tăng doanh thu, lợi nhuận. Việc áp dụng thương mại điện tử vào kinh doanh giúp DN giảm nhiều chi phí như: Thuê cửa hàng, nhân lực bán hàng và marketing, chi phí giao dịch...
Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng cũng hưởng những lợi ích lớn như việc giao dịch mua hàng nhanh chóng, thuận lợi, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại. Số liệu của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, chỉ trong vòng 3 năm (2016 -2018), tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội mua sắm trực tuyến đã gia tăng từ mức 47% (năm 2016) lên 70% (năm 2018). Xu hướng này dự báo sẽ còn tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Khi dịch Covid-19 hoành hành người tiêu dùng lại càng thích mua sắm trực tuyến hơn cách truyền thống để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Theo báo cáo gần đây của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), doanh số bán hàng của DN tăng cao đỉnh điểm trong 4 tháng đầu năm 2020.
Còn nhiều khoảng trống
Theo số liệu thống kê trong quý I/2020, Shopee Việt Nam có 43,16 triệu lượt truy cập, thực hiện giao dịch mua sắm trực tuyến, tăng mạnh so với cùng kỳ, vượt xa các doanh nghiệp thương mại truyền thống đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Tại Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - Lê Xuân Sang cho hay, sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam và việc tham gia thương mại điện tử có làm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như khung pháp lý và chính sách, nguồn nhân lực và một yếu tố quan trọng là niềm tin, sự tín nhiệm.
Đồng tình với quan điểm này, nhưng ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và kinh tế số) lại cho rằng, trong khi thương mại điện tử được hiểu là các giao dịch tài chính và thương mại bằng phương tiện điện tử, thì tại Việt Nam, hình thức giao hàng thu tiền vẫn đang chiếm tới 90% thanh toán giao dịch thương mại điện tử hiện nay. Điều này cho thấy, người mua chưa thực sự đặt niềm tin vào người bán, về chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng, giá cả hàng hóa... Vấn đề này các doanh nghiệp này phải xây dựng được nền tảng tín nhiệm trong thương mại điện tử.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà sàn thương mại điện tử mang lại, sự phát triển nhanh và nóng trong khi cơ sở hạ tầng, khung pháp lý còn thiếu và yếu… dẫn đến những rủi ro lớn trong các giao dịch thương mại điện tử, gây tổn hại đến quyền lợi của khách hàng. Nhiều DN lợi dụng chính sự tiện lợi của giao dịch trực tuyến – người mua không trực tiếp nhìn thấy sản phẩm- đã thực hiện những hành vi gian dối, lừa người tiêu dùng, như việc giao hàng sai, không đúng với sản phẩm người mua đặt hàng, chế độ chăm sóc khách hàng cũng thiếu chuyên nghiệp, người mua nhận được hàng kém chất lượng khi khiếu nại cũng không nhận được thái độ chia sẻ, cầu thị của người bán.
Đặc biệt, gần đây, vấn nạn hàng giả, hàng nhái hoành hành, không chỉ gây “loạn” tại thị trường truyền thống, hàng giả hàng nhái còn lộng hành trên các sàn thương mại điện tử, gây mất niềm tin của người tiêu dùng vào các kênh bán hàng trực tuyến. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải hoàn thiện hệ thống pháp lý, cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.