Không chỉ chiếm lĩnh thị phần lớn ở các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ như da giày, dệt may, bán lẻ… các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn đang “ép” các DN Việt Nam ngay tại sân nhà ở cả lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. “Làm sao để DN Việt Nam không bị “mất sân” trong bối cảnh hội nhập?” - đó là câu hỏi đang được dư luận hết sức quan tâm hiện nay.
Ảnh minh họa.
Đơn cử, trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, mặc dù số lượng DN nước ngoài không phải là nhiều, song thị phần mà họ chiếm giữ trên thị trường này rất lớn. Nhắc đến lĩnh vực này, người ta nghĩ ngay đến Tập đoàn CP của Thái Lan đã và đang “làm mưa làm gió” trên thị trường thức ăn chăn nuôi chiếm đến hơn 20% thị phần thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.
Cùng với CP, hơn 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang nắm tới 60% thị phần thức ăn chăn nuôi cả nước. Khối DN trong nước, dù lực lượng đông đảo với khoảng 240 DN, song lại chỉ chia nhau “miếng bánh” còn lại của thị trường này.
Lĩnh vực cà phê cũng ở tình thế tương tự khi phải chứng kiến các “đại gia” ngoại quốc xâm nhập thị trường này với những nhà máy được đầu tư “khủng” với công suất lên tới 10.000 tấn/năm, thậm chí có DN đạt 15.000 tấn/năm.
Trong khi đó, DN nội địa chỉ có thể có được những nhà máy với năng lực sản xuất chỉ bằng một phần nhỏ so với các DN ngoại. Đây cũng là tình trạng chung của các DN nội hiện nay.
Thiếu vốn, yếu về năng lực quản trị, thiếu nhân lực trình độ cao… là những lý do khiến cho DN Việt bị thua thiệt hẳn so với các DN FDI.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Verb) cũng cho rằng, những bất cập về vốn, năng lực quản lý, cơ chế chính sách hiện nay cho các DN trong nước đang là những rào cản kìm chân các DN trong nước, và là cơ hội để các DN FDI “ép sân”.
Theo TS Thành, về bản chất, các DN FDI đã rất mạnh về vốn, năng lực quản trị, công nghệ… cho nên họ dễ dàng lấn át được các DN nội địa.
Song, sở dĩ đang ở thời kỳ hội nhập rất mạnh mẽ, mà các DN trong nước vẫn ỳ ạch, một phần do cơ chế, chính sách trước đây đã không đủ sức để tạo đòn bẩy cho cộng đồng DN.
“Trước đây, chúng ta chỉ tập trung vào đầu tư cho khu vực DN Nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân hầu như phải “tự bơi”, cho nên khu vực này càng ngày càng yếu thế.
Dù rằng, trong thời gian gần đây, cụ thể là từ đầu năm 2016 đến nay, Chính phủ, nhà quản lý đã bắt đầu hướng đến khu vực kinh tế tư nhân, nhưng thời gian sẽ là rất ít để các DN tư nhân có thể thay đổi tình thế”- ông Thành nhấn mạnh, chỉ khi nào chúng ta xây dựng được khu vực kinh tế tư nhân đủ mạnh, tạo được những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, lúc đó mới có đủ sức để cạnh tranh được với các DN nước ngoài.