Vấn đề bạo lực học đường lại tiếp tục nóng ngay đầu năm học mới. Đáng nói là có nhiều hành vi thô bạo được xuất phát từ phía giáo viên với học sinh tại một số cơ sở giáo dục.
Hàng loạt vụ giáo viên bạo hành học sinh
Những ngày qua, dư luận xôn xao về clip cô giáo có hành động túm cổ áo, kéo nữ sinh từ hành lang vào lớp học. Sự việc xảy ra tại Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Nguyên nhân xuất phát dẫn tới hành động trên của cô giáo trong đoạn clip chỉ vì học sinh được giao nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật, song em này không làm theo sự thống nhất với cô giáo chủ nhiệm.
Phía nhà trường cho biết, sự việc đang được Công an huyện Sóc Sơn điều tra, làm rõ. Sau khi có kết luận của cơ quan công an, nhà trường sẽ xử lý trách nhiệm của cá nhân.
Sự việc trên chưa kịp lắng xuống thì mới đây, trong tối 1/10, trên mạng xã hội lại tiếp tục xuất hiện clip dài hơn 20 giây ghi lại cảnh một thầy giáo đứng trên bục giảng, chỉ tay vào mặt và mắng một học sinh nam với nhiều từ ngữ không chuẩn mực, xưng "mày - tao" với học sinh.
Thầy Phùng Đức Ánh - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (huyện Thạch Thất) đã xác nhận vụ việc xảy ra tại trường và nhà trường đang phối hợp với Công an để xác minh vụ việc.
Liên quan tới clip trên, đại diện lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cho biết, đã kiểm tra và xác nhận sự việc xảy ra tại Trường THPT Phan Huy Chú - Thạch Thất (huyện Thạch Thất).
Sở GDĐT Hà Nội đã chỉ đạo nhà trường khẩn trương phối hợp với cơ quan công an để xác minh sự việc. Tinh thần chỉ đạo của Sở là nghiêm khắc với sai phạm, tuyệt đối không bao che, nể nang với các hành vi không chuẩn mực của nghề.
Cùng thời điểm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, một cô giáo ở Trường Tiểu học Hải Hòa đã dùng roi tre, đánh vào lưng học sinh gây bầm tím vì học trò không làm bài tập dù đã nhắc nhở nhiều lần.
Ngày 2/10, bà Lê Thị Quý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hải Hòa xác nhận, có sự việc một học sinh lớp 4 của trường bị cô giáo dùng roi tre đánh vào lưng. Theo bà Quý, sự việc xảy ra vào sáng ngày 30/9 (thứ Bảy), tại lớp 4B, khi cô giáo L.H. đứng lớp đã có hành động dùng roi tre đánh nhiều lần vào lưng một nam sinh.
Cùng theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Hòa, sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo nhà trường đã cùng cô H. đến nhà học sinh để xin lỗi. Tuy nhiên, do còn bức xúc nên phụ huynh của em đã đăng tải sự việc lên mạng xã hội Facebook.
Giáo viên có được quyền kỷ luật học sinh bằng đòn roi?
Những hành động thô bạo của giáo viên trong các vụ việc trên hầu hết xuất phát từ mong muốn duy trì kỷ luật lớp học. Tuy nhiên, GS.TSKH.NGND Nguyễn Mậu Bành – Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho rằng, kỷ luật không đồng nghĩa với việc sử dụng hành vi thô bạo, nhất là trong trường học.
“Sự bức xúc bột phát, không kiềm chế được của giáo viên dẫn tới những hành động thô bạo với học trò. Đấy là những hình ảnh phản mô phạm”, GS Bành nói.
Những vụ việc như trên, không những để lại đau đớn về cơ thể mà còn để lại những tổn thương về mặt tinh thần cho học sinh. Theo GS Nguyễn Mậu Bành, giáo viên có nhiều cách để kỷ luật học sinh nhưng khó có thể chấp nhận cách sử dụng hành vi đánh đập, lăng mạ các em. Thay vào đó, thầy cô giáo dục các em bằng khuyên răn, phối hợp với gia đình học sinh giáo dục, ngăn chặn những hành vì không chuẩn mực của con em mình.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, GS Nguyễn Mậu Bành cũng chỉ ra 3 dạng bạo lực học đường hiện nay cần phải được lên án mạnh mẽ, đó là: Học sinh đánh nhay tung clip lên mạng; giáo viên có hành vi thô bạo với học trò; phụ huynh học sinh có hành vi thô bạo với giáo viên.
Cùng sự vào cuộc của cơ quan công an, GS Nguyễn Mậu Bành cho rằng, ngành Giáo dục cần phải có biện pháp nghiêm khắc giáo dục tư tưởng cho giáo viên, học sinh để ngăn chặn những hành vi bạo lực học được có thể xảy ra.
Mặt khác, GS Nguyễn Mậu Bành bày tỏ mong muốn, các cơ quan thông tấn báo chí không chỉ dừng lại ở đưa tin phản ánh mà góp tiếng nói phê phán, lên án những hành vi bạo lực học đường.
Giáo viên không được quyền đánh học sinh
Căn cứ vào Điều 6 Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT Quy tắc ứng xử trong trường mầm non, giáo dục phổ thông, ứng xử của giáo viên với người học như sau: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương
Tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.