Thời đại công nghệ mới đang tác động đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống, bởi vậy mà việc đổi mới sáng tạo hiện được xem là yếu tố quyết định sự sống còn của một doanh nghiệp (DN).
Theo các chuyên gia, sức cạnh tranh của DN Việt Nam vẫn cần được thúc đẩy, nâng cao hơn nữa để định vị thương hiệu của mình trong lòng người tiêu dùng, mở rộng thị phần cả trong và ngoài nước vì phần lớn DN vẫn ở quy mô nhỏ và vừa (chiềm 97%), khả năng cạnh tranh kém, sử dụng thiết bị lạc hậu, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng thấp cũng như chưa có chiến lược kinh doanh cụ thể…Trong bối cảnh hội nhập, DN Việt đang đối diện với nhiều vấn đề như nguồn vốn mỏng, trình độ, năng suất thấp. Đấy cũng là một phần nguyên nhân khiến cho các DN trong nước khó cạnh tranh, ngày càng thụt lùi.
Thời gian qua, Chính phủ cũng đã thúc đẩy ráo riết việc cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng trong môi trường kinh doanh. Nhưng vấn đề là DN vẫn thắc mắc rằng, liệu sự cắt giảm có thực chất hay là gộp 3 giấy phép cũ thành 1 giấy phép mới. Cộng đồng DN cũng cho rằng, họ ngại lớn, ngại sáng tạo vì sợ bị thanh kiểm tra, DN càng lớn càng bị kiểm tra nhiều.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định: Việc DN chịu sáng tạo hay không còn phụ thuộc vào cả chính sách. Nếu như chính sách mà cứ đút lót là được dự án, cứ đút lót là được đất đai thì DN dại gì cạnh tranh. Vì họ cạnh tranh, sáng tạo cũng không bằng anh đi đút lót để được dự án, nhà đất cơ mà. Nên đừng chê DN, chúng ta phải tạo môi trường công bằng, bình đẳng để các DN cùng cạnh tranh.
Vậy làm thế nào để DN Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh? Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng: Có rất nhiều yếu tố để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, tuy nhiên, khai thác những yếu tố này cần dựa trên sự sáng tạo. DN không nên nhìn vào nguồn lực sẵn có như có bao nhiêu kỹ sư, bao nhiêu lao động, bao nhiêu máy móc mà nên học cách khai thác nó như thế nào cho hiệu quả.
Ngoài ra, ông Thành cũng lưu ý, trong hội nhập tòan cầu, DN Việt Nam cần lưu tâm đến “đối thủ” của mình là ai, họ liên kết với những DN nào khác thay vì chỉ quan tâm đến giá cả hay quy mô, trong đó, chơi với người giỏi để học hỏi luôn là lựa chọn hàng đầu. Ở những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế xuất khẩu, nhưng giá trị gia tăng còn thấp, DN vẫn có thể tham gia nếu “bắt tay” với họ, DN Việt Nam có khả năng vươn lên cao và có thể “mặc cả” về sản phẩm.