Đến thời điểm này, nhiều địa phương cho biết đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo việc triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Một số băn khoăn về giảm sĩ số lớp, điều kiện cơ sở vật chất, tập huấn giáo viên… đã được giải đáp tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình GDPT mới vừa diễn ra.
Tăng cường các hình thức đào tạo trực tuyến cho giáo viên đáp ứng chương trình GDPT mới.
Giải bài toán sĩ số
Hà Nội là một trong những địa phương chịu nhiều áp lực về sĩ số học sinh lớn nhất cả nước. Hiện Hà Nội có hơn 100 trường mầm non, tiểu học công lập có sĩ số từ 50 học sinh trở lên mỗi lớp, thậm chí có lớp lên đến 69 em.
Cụ thể, theo khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội trong năm 2018-2019, Hà Nội có 19/772 trường mầm non công lập có sĩ số từ 50 cháu trở lên/lớp học. Cá biệt có 4 trường mầm non có sĩ số 60 cháu/lớp tập trung ở quận Cầu Giấy. Có 87/697 trường tiểu học công lập (chiếm 14%) có sĩ số từ 50 học sinh trở lên/lớp học. Cá biệt có 37 trường có sĩ số từ 55 học sinh trở lên/lớp, trong đó có 3 trường có sĩ số từ 60 học sinh trở lên/lớp.
Ở khối THCS, có 13/599 trường công lập có sĩ số từ 50 học sinh trở lên/lớp.
Ông Chử Xuân Dũng- Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, đến nay thành phố đã thông qua việc bổ sung đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020: cho xây mới, bổ sung thêm 222 trường, lớp với tổng kinh phí đầu tư 5.549,2 tỉ đồng và tiếp tục đầu tư hàng năm cho việc trang bị cơ sở vật chất.
Bên cạnh đó, ông Dũng bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ của Bộ GDĐT về các biện pháp, giải pháp để làm sao những thành phố lớn có đông học sinh trong khi cơ sở vật chất trường lớp còn khó khăn có phương án thực hiện Chương trình GDPT mới. Cụ thể, ông Dũng mong muốn Bộ cần sớm ban hành các quy định tối thiểu về cơ sở vật chất trường học, các phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học… để UBND các tỉnh, thành phố có thời gian nhất định để chuẩn bị, triển khai có hiệu quả.
Về vấn đề này, ông Phạm Hùng Anh- Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất (Bộ GDĐT) cho rằng, để giải quyết tình trạng quá tải tại Hà Nội cần kết hợp nhiều giải pháp, không phải cho chương trình mới mà ngay cả chương trình hiện tại. Bên cạnh việc xây mới, Bộ GDĐT cũng đã đồng ý cho các trường ở quận nội thành được phép nâng tầng các cơ sở giáo dục khi có đủ điều kiện, chuyển hệ thống phòng hiệu bộ, hành chính lên tầng, dành tầng thấp bổ sung cho lớp học.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, với những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có số học sinh quá đông, Bộ đang phối hợp với Bộ Xây dựng để điều chỉnh chuẩn quy định nhà trường cho phù hợp và khả thi. Tuy nhiên, địa phương vẫn phải chủ động vì với tốc độ nhà cao tầng ngày càng nhiều thì giải pháp cũng không thể phù hợp nếu không có quy hoạch trường lớp đồng bộ.
Bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp
Về vấn đề nguồn lực giáo viên, lãnh đạo Sở GDĐT Phú Thọ đề nghị Chính phủ, Bộ GDĐT và các bộ, ngành liên quan bố trí nguồn lực để triển khai Chương trình, có giải pháp khắc phục căn cơ tình trạng thừa thiếu giáo viên. Đặc biệt, kế hoạch bồi dưỡng giáo viên cần sớm triển khai theo lộ trình theo hướng tăng cường thông tuyến đối với đào tạo trực tuyến.
Một băn khoăn của Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thanh Giang là việc dạy tích hợp liên môn sẽ được bố trí thời khóa biểu thế nào cho phù hợp? Cùng với đó là bố trí, sắp xếp giáo viên thế nào để không xảy ra tình trạng thừa thiếu?
Còn lãnh đạo Sở GDĐT Hải Phòng cũng băn khoăn về việc cho học sinh lựa chọn các môn tự chọn sẽ dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên như thế nào?
Trả lời vấn đề này, ông Hoàng Đức Minh- Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Bộ GDĐT cũng đã tính đến vấn đề thừa thiếu giáo viên. Bộ đã rà soát, quy hoạch lại hệ thống sư phạm. Đồng thời, các tỉnh cũng đã rà soát số lượng, cơ cấu chất lượng để có phương án cùng với Bộ Nội vụ đề xuất, bổ sung kịp thời. Riêng đối với những môn tự chọn ở bậc THPT, Bộ cũng đã tính đến việc tuyển dụng tối thiểu để đảm bảo phát huy tất cả hoạt động trao đổi, thảo luận, định hướng nhóm chọn cho học sinh; làm sao cho số lượng giáo viên kiểm soát được và các địa phương cũng không gặp khó khăn trong việc điều chỉnh giáo viên.
Về đào tạo bồi dưỡng giáo viên, bắt đầu từ quý III/2019 sẽ bồi dưỡng cho giáo viên lớp 1. Sau đó sẽ tiếp tục với các khối lớp khác cho đến hết lộ trình như Kế hoạch 791 ban hành vào tháng 9/2018 đã nêu. Trong đó, bên cạnh hình thức đào tạo trực tiếp sẽ chú trọng tới việc bồi dưỡng theo “chuẩn nghề nghiệp”, ứng dụng bài giảng đã được “số hóa” và thông qua mạng. Giáo viên chủ yếu sẽ tự học qua các bài giảng mẫu.
Giảm áp lực cho giáo viên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh cần giảm áp lực cho giáo viên bằng giảm gánh nặng hành chính, sổ sách - một trong những biện pháp là ứng dụng công nghệ thông tin; cắt giảm những thủ tục không cần thiết; rà soát đăng ký thi đua trên cơ sở thiết thực… Bộ trưởng cũng nhắc tới động lực liên quan đến thang bảng lương. Theo Bộ trưởng, muốn giáo dục có nền tảng tốt thì phải có thầy cô tốt, muốn có thầy cô tốt phải nhìn vào điều kiện làm việc, phải tạo động lực cho thầy cô. Cùng với chế độ lương là rà soát môi trường giáo dục tốt nhất cho giáo viên. |