Nông sản xuất khẩu là một trong những thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường rơi vào tình trạng “nhỏ giọt”, nông sản xuất khẩu trong quý I/2020 tăng trưởng thấp và giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu trái cây được kỳ vọng trong thời gian tới.
Cụ thể, xuất khẩu những mặt hàng chính trong lĩnh vực nông sản như rau quả chỉ đạt khoảng trên 831 triệu USD, giảm 11,5%; cà phê đạt 794 triệu USD, giảm 6,4% (lượng giảm 3,9%); cao su chỉ đạt trên 330 triệu USD, giảm tới 26,1% (lượng giảm 33%); hạt tiêu đạt 156 triệu USD, giảm 17,6% (lượng giảm 0,9%)...
Tuy thế, giới chuyên gia dự báo xuất khẩu nông sản sẽ khởi sắc trong thời gian tới. Đặc biệt khi các thị trường khôi phục giao thương trở lại, cùng với tác động của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Một trong những thị trường tiềm năng của Việt Nam được nhắc đến nhiều là thị trường Singapore. Sau một thời gian bị tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, thời điểm này, thị trường Singapore đang phải nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu sản xuất trong bối cảnh nguồn cung từ thị trường Trung Quốc bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Theo ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), Singapore là đất nước có nền kinh tế phát triển thuộc nhóm năng động bậc nhất tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương, có vai trò quan trọng trong hợp tác thương mại với Việt Nam. Nhu cầu tìm kiếm, mở rộng thị trường cung ứng nguyên liệu thay thế thị trường Trung Quốc của Singapore là rất lớn. “Việt Nam chính là một trong những thị trường trọng tâm giúp Singapore bù đắp sự thiếu hụt hàng hóa, nhất là các sản phẩm về nông sản, thủy sản, thực phẩm và xây dựng”- ông Phú nhấn mạnh.
Nhấn mạnh vào tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Singapore, bà Trần Thu Quỳnh-Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore cho biết, thương mại hai nước bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh. Đây là điều kiện thuận lợi để hàng nông sản, thủy sản và thực phẩm Việt Nam có thể mở rộng thị phần tại thị trường Singapore. Tuy nhiên, bà Quỳnh cũng đưa ra những khuyến cáo đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi làm ăn tại thị trường này. Cụ thể, theo bà Quỳnh, dịch Covid-19 gây khó khăn nhưng cũng mở ra khả năng giảm chi phí thuê văn phòng, cửa hàng, showroom… Từ đó DN có thêm nguồn lực (con người, thời gian, tài chính) để đầu tư vào các giải pháp lâu dài.
Nhấn mạnh đến thị hiếu, thói quen tiêu dùng của người dân Singapore, bà Quỳnh lưu ý, người tiêu dùng Singapore có xu hướng giảm chi tiêu vào các thực phẩm đắt tiền, tìm mua những sản phẩm tiện ích, dễ sử dụng, sản phẩm phục vụ nhiều đối tượng khách hàng và điều kiện thị trường như đồ ăn chay, thực phẩm chế biến sẵn và sạch... Đó là những nhu cầu, thị hiếu của người dân tại thị trường này mà mỗi DN Việt Nam cần phải nắm rõ khi muốn chinh phục thị trường tiềm năng Singapore. Ngoài ra theo bà Quỳnh, sau dịch Covid-19, các DN cũng phải đối mặt với nghịch lý của chuỗi cung ứng và mọi mắt xích trong chuỗi đều có nguy cơ khủng hoảng. “Bởi vậy, DN cần củng cố xây dựng mạng lưới từ người trồng đến khâu tiêu thụ, nhằm tạo năng lực sẵn sàng thích ứng, đa dạng hóa rủi ro; cùng điều phối hoạt động sản xuất trong ngành hàng và tổ chức tốt khâu vận chuyển”- vị Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore khuyến cáo.