Con nhà nghèo có thể nhận học bổng hoặc vay vốn đi học đại học. "Tôi nghĩ rằng khi các em đã nhận được tiền của ngân hàng, các em đầu tư đi học thì bản thân các em cũng sẽ có trách nhiệm hơn với công việc của mình", một giảng viên đại học khẳng định.
Ảnh minh họa.
Bộ GD&ĐT vừa trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo về mức trần học phí mới ở các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn từ năm 2015-2016 đến 2020-2021. Theo dự thảo, mức tăng học phí giai đoạn mới của tất cả nhóm ngành nghề đều là 10%/năm, tính từ mức trần học phí năm học 2014-2015.
Cụ thể, học phí trình độ ĐH tại trường công lập sẽ dao động trong khoảng 605.000-880.000 đồng/tháng (tương đương với khoảng 6-8,8 triệu/1 năm học), tùy nhóm ngành nghề. Với các trường tự chủ tài chính, mức học phí được đề xuất tối đa có thể lên tới 45 triệu/năm (đối với nhóm ngành y dược)…
Với các trường công lập là hợp lý
Theo TS Vũ Thu Hương- giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội: Mức tăng học phí trong các trường công lập như vậy là hợp lý. Còn các trường tự chủ tài chính thì phải dựa vào điều kiện cụ thể của trường mình để cân nhắc cho phù hợp.
TS Hương cho rằng đây là đề án rất cần thiết. Bởi vì người làm giảng viên họ có những yêu cầu chuyên môn rất cao, và phải trải qua quá trình rất là mất thời gian công sức, tiền của để tích lũy kiến thức và làm việc vất vả. Vấn đề chỉ là khi mà tăng học phí xong, có dành cho giảng viên không hay là đi đâu thôi…
Tuy nhiên tăng học phí cũng sẽ là gánh nặng rất lớn đối với sinh viên nghèo. Nói về điều này, TS Vũ Thu Hương cho biết: Tôi làm ở Trường ĐHSP Hà Nội, một trong những nơi mà các em HS được miễn học phí. Các em theo học ở trường mấy năm trước thì vắng nhưng những năm gần đây thì rất đông, cũng có một lí do là được miễn học phí.
Đó cũng là vấn đề tương đối bất cập. Tuy nhiên nhà nước đã có những chính sách cho người nghèo, chính sách cho gia đình có công với cách mạng, chính sách dân tộc…
Trong những trường hợp như thế này chúng ta hoàn toàn có thể có những học bổng hỗ trợ, hoặc là cho sinh viên vay vốn. Tôi nghĩ rằng khi các em đã nhận được tiền của ngân hàng, các em đầu tư đi học thì bản thân các em cũng sẽ có trách nhiệm hơn với công việc của mình. Các em ra trường các em cũng chuyên tâm đi học hơn để hoàn trả số tiền đấy. Nếu chúng ta chiều chuộng và nương nhẹ sinh viên quá thì rất dễ dẫn đến cái tệ nạn.
Cùng chung quan điểm, PGS. TS Phạm Văn Hùng- Trưởng ban Tài chính - kế toán, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Nhà trường bắt đầu đi vào tự chủ tài chính từ 17/6. Việc tăng học phí ở trường tự chủ thì hơi khác, nhưng còn các trường mà tăng 10% thì không thay đổi nhiều lắm. Lí do chính mặt bằng giá bên ngoài đã tăng gần bằng số đấy rồi. Khoản học phí tăng lên sẽ bù đắp 1 phần thu nhập cho giáo viên, bổ sung vật tư nâng cao cơ sở vật chất, đưa vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.
“Bất kỳ người nào cũng thế, bỏ ra bao nhiêu cũng không thích. Ngay việc chúng tôi thu học phí cũng vậy, chúng tôi thu từ giữa tháng 9 kéo dài đến hết tháng 11, cho các em nộp đủ thì thôi. Nhưng sinh viên bao giờ cũng tuần cuối cùng mới đến nộp, vô cùng đông. Nếu đặt ra vấn đề với nhóm ngành nông nghiệp, năm ngoái học phí 5,5 triệu năm nay lên 6,4 triệu như vậy thì mỗi tháng cũng chỉ tăng 90 nghìn. Nhiều khi học phí thấp không phải là tốt, bởi vì có khi học phí cao các em lại có trách nhiệm với công việc học tập hơn. Các em sẽ phải nghĩ xem học thế nào để sau này ra trường trả được nợ”, ông Hùng chia sẻ.
Nâng cao uy tín các nhà trường
Đặt ra câu hỏi, một số trường hiện nay còn chưa tuyển đủ được sinh viên, liệu tăng học phí có khiến cho việc thu hút thí sinh càng hạn chế, TS Vũ Thu Hương nói: VN hiện nay hơi bị thừa trường ĐH. Có lẽ điều này cũng hơi tàn nhẫn với 1 số trường, nhưng cũng nên chơi luật chơi của cơ chế thị trường để các trường tự đẩy cao uy tín của mình lên.
Nếu các trường đưa ra chế độ chính sách phù hợp, các trường hoàn toàn có thể lôi kéo được nhân tài về trường mình. Chỉ cần có 1 hay 2 nhân tài thì sinh viên sẽ ùa vào ngay.
Các sinh viên đi học để làm gì? Đi học là để được chữ từ những người mà thực sự có khả năng. Nếu như trường họ có nhiều giáo sư, và giáo sư trường họ có tiếng một chút thì không có lí do gì họ có thể thất thu được. Còn nếu họ mà đã thực sự kém thì họ phải nghĩ cách để giải quyết điều này chứ không thể đổ lỗi cho chính sách được.
Khi mà đã phải đầu tư tiền lớn hơn thì sinh viên sẽ phải đầu tư suy nghĩ xem nên lựa chọn nơi nào mà xứng đáng để vào học. Hoặc là ngày xưa có thể các em bảo rằng vào trường nào cũng được, nhưng bây giờ sẽ nghĩ tới tiền cao chất lượng cũng phải cao. Tôi thấy điều đấy hoàn toàn chính xác. Nếu mà trường nào cảm thấy quá kém cỏi thì họ có thể chọn phương pháp giải thể.
Nói về chất lượng đào tạo, TS Hương khẳng định sẽ tốt hơn: Ví dụ trường mình tăng lương lên 10% chẳng hạn. Ban đầu khi chưa tăng các thầy cô có thể sẽ dành thời gian đi kiếm thêm. Khi đã tăng lên rồi trách nhiệm chắc chắn sẽ tăng, các thầy cô sẽ giảm thời gian đi kiếm thêm. Hơn nữa là chẳng có giảng viên nào muốn đi kiếm thêm khi mà họ có thể tự lo được cuộc sống bằng lương.
Có thể các em chưa thấy ngay được sự thay đổi nhưng 1, 2 tháng sau, thậm chí 1, 2 năm sau họ sẽ khác. Chỉ cần giảng viên có thời gian đọc thêm 1 cuốn sách là đã rất khác rồi đối với việc không đọc quyển sách đó. Tôi cũng khẳng định cùng 1 con người nhưng mỗi năm dạy một cách khác nhau. Cô chưa đi làm thêm thì chắc chắn sẽ dạy hay hơn rất nhiều các cô đang đi làm thêm. Tâm trí thầy cô khi mà đã chia ra rồi làm sao có thể toàn tâm toàn ý nghĩ ra những thứ hay, tập trung cho buổi học được?
Thay đổi là thay đổi con người. Điều này là điều mà sinh viên không thấy: Ví dụ ngày xưa thầy giáo A chỉ đi dạy thêm thôi, nhưng bây giờ thầy A thấy lương ổn rồi nên quyết định đi làm tiến sĩ. 4 năm sau, 6 năm sau chắc chắn rằng sẽ có rất nhiều lứa sinh viên phải cảm ơn cái tăng học phí đấy, bởi vì thầy đã lấy xong bằng, thầy đã có lượng kiến thức rất rộng để truyền thụ cho HS…