Dù là thành phố đông dân nhất nước, thừa hưởng môi trường có sức hấp dẫn về thu hút nhân tài đến làm việc, nhưng TP HCM vẫn muốn có thêm các mô hình, kinh nghiệm để tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cho 7 chương trình đột phá của thành phố đến 2020, tầm nhìn 2030…
TP HCM muốn các cơ sở giáo dục hoàn toàn đào tạo theo nhu cầu của xã hội.
Tiếp tục “đi trước” cả nước về cải cách
Ông Lê Hồng Sơn- Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, trong chiến lược cải cách giáo dục của thành phố, đang tính toán các giải pháp để thu hút được đội ngũ trí thức trẻ là người gốc Việt đang sinh sống và làm việc, kể cả một lượng du học sinh khá lớn tại các nước về làm việc. Để thu hút đội ngũ này thì không chỉ là về mức lương bổng đãi ngộ, mà phải bao gồm cả các cải cách về thủ tục hành chính, chính sách thu hút trong các lĩnh vực cụ thể,…
Theo ông Lê Hồng Sơn, với đặc thù của một đô thị trung tâm, tỷ lệ tăng dân số nhất là số dân di trú của thành phố luôn ở mức độ rất cao, kèm theo áp lực lớn về trường học. “40 năm trước thành phố chỉ có trên 14.000 lớp học thì nay quy mô đã tăng lên gần 28.000 lớp, với 938 trường, quy mô học sinh lên đến trên 1,12 triệu em đang theo học ở các cấp học. Như vậy, số phòng học đã tăng 1,86 lần để theo kịp số học sinh tăng 1,51 lần. Dù áp lực rất cao, nhưng thành phố vẫn nỗ lực vô cùng lớn cho lĩnh vực giáo dục, và các chính sách qua 40 năm qua luôn cho thấy sự quan tâm của các thế hệ lãnh đạo thành phố đối với vấn đề giáo dục” - ông Sơn nói.
Trong định hướng cải cách đến 2020, tầm nhìn 2030, người đứng đầu ngành giáo dục TP HCM nói, Thành phố muốn đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng hiện đại, đáp ứng chuẩn giáo dục quốc tế.
Tầm nhìn giáo dục của TP.HCM đến 2030 cũng hướng đến việc cho phép các trường chủ động điều chỉnh lượng giảng dạy các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá phù hợp với tình hình thực tế từng loại hình trường (trường chuyên, trường tiên tiến hiện đại,…).
Thành phố cũng sẽ giao quyền tự chủ cho các trường có điều kiện được phép tự tuyển dụng giáo viên, tự xây dựng kế hoạch giảng dạy, quyết định mức học phí, trên cơ sở thu đủ bù chi,… San sẻ phần kinh phí ngân sách lẽ ra cấp cho các trường này cho các trường còn lại để nâng cao chất lượng nhà trường.
Mục tiêu của ngành giáo dục TP.HCM đến 2020 có thể đảm bảo nguồn ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục tăng 1,2 lần và tăng 1,3 lần nguồn chi đầu tư phát triển; cho phép một tỷ lệ nhất định các trường có điều kiện chuyển sang tự chủ hoàn toàn 100% và tự quyết định mức thu (có thể ở mức cao); tự quyết định tuyển dụng và trả lương cho giáo viên; áp dụng chính sách miễn giảm học phí, các chính sách xã hội nhằm đảm bảo con em các gia đình khó khăn vẫn có khả năng tiếp cận tri thức giáo dục mà thành phố áp dụng.
“Đặt hàng” nhiều đối với trí thức kiều bào
Giám đốc Sở GD&ĐT TP Lê Hồng Sơn đặt hàng kiều bào ở nước ngoài hỗ trợ thành phố trong việc nhập khẩu chương trình giáo dục hoặc thực hiện liên kết đào tạo, xây dựng các mô hình, phương thức đào tạo tiên tiến, theo chuẩn quốc tế ngay tại TP HCM.
Theo ông Sơn, đây là biện pháp vừa nhằm giảm thiểu việc nhập khẩu giáo dục, theo hướng đưa du học sinh về đào tạo ngay trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm chi phí đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh thành phố tiếp cận các chương trình giáo dục tiên tiến, hiện đại, chất lượng.
Về lượng du học sinh lớn, lên đến 130.000 ngàn du học sinh đang theo học tại các nước, ông Huỳnh Thế Du- giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright khuyên TP HCM nên tận dụng và nghĩ giải pháp để thu hút để phục vụ cho phát triển của thành phố. Theo chuyên gia này thì trong tất cả các đối tượng cần thu hút nhân tài du học sinh là nguồn tiềm năng nhất và nên được tập trung đầu tiên.
Thế nhưng, ông Du cảnh báo chuyện về hay ở của du học sinh tùy thuộc vào các chính sách đãi ngộ, cũng như sự minh bạch và rõ ràng từ thu hút đầu tư. “Khi vinh quy ai cũng muốn bái tổ. Nói cách khác khi công việc và cuộc sống ổn định thì hầu hết mọi người sẽ bắt đầu quan tâm và có hành động cụ thể hướng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình” - chuyên gia Huỳnh Thế Du hiến kế.
TS Trần Hải Linh (Việt kiều Hàn Quốc) và PGS.TS Trần Tất Đạt (ĐH Canberra, Australia) khuyên ngành giáo dục TP HCM nên xây dựng một đội ngũ nguồn nhân lực có trình độ khoa học, kỹ thuật, chuyên môn cho các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố trong chiến lược phát triển, muốn vậy phải kèm theo những sự thay đổi về chính sách thu hút người tài.
TS Hải Linh cho rằng, TP HCM cần trao quyền tự chủ cho các trường CĐ và ĐH trên địa bàn. Và, như vậy các trường không đáp ứng được nhu cầu xã hội thì sẽ buộc phải thay đổi hoặc tự đào thải chính mình theo quy luật khách quan.
Còn PGS.TS Trần Tất Đạt đề xuất cần thành lập và tài trợ cho các dự án cho các nhà khoa học Việt Nam xuất sắc trên thế giới về làm việc.
“Tôi thí dụ như chính sách của Úc, có nhiều nhà nghiên cứu có trình độ cao chọn làm việc tại Mỹ và châu Âu, do thiếu cơ hội làm việc tại Úc. Để thu hút người tài về nước, ngành giáo dục Úc dã thành lập một chương trình học bổng tương lai, mang tên Future Fellowships. Chương trình này cung cấp tiền lương trong 4 năm và tài trợ ngoài lương mỗi năm cho các nhà nghiên cứu…” - ông Đạt gợi ý.
Ông Lê Hồng Sơn muốn tiệm cận với các mô hình thu hút chất xám cho lĩnh vực giáo dục, trong đó mong muốn các trí thức kiều bào tham gia góp vốn thực hiện xã hội hóa ngành này trong tầm nhìn 2030 của thành phố. Kể cả việc kiều bào hỗ trợ công tác kiểm tra, đánh giá trình độ giáo viên, giảng viên các cấp học hiện nay.